Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan: Cần quyết liệt để không chậm trễ

  • 08:36 | Thứ Tư, 20/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù đã nhiều lần được tuyên truyền, đối thoại, giải thích cặn kẽ bằng các luận cứ khoa học tin cậy nhưng người dân thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, TX Ba Đồn vẫn phản đối quyết liệt, cộng với sự kích động của một số linh mục cực đoan khiến Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan bị chậm tiến độ.
 
Kỳ 1: Phản đối để chống đối
 
Từ khi chuẩn bị triển khai dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan vào năm 2015 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện các bước tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân nhằm tạo sự đồng thuận, yên tâm, ủng hộ việc triển khai dự án.
 
Từ lo lắng, bị lợi dụng kích động dẫn đến chống đối
 
Chủ trương đúng, ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan đối với cuộc sống dân sinh đã rõ. Vậy nhưng khi bắt tay vào công tác tuyên truyền, vận động thì một bộ phận người dân thôn Linh Cận Sơn phản đối với lý do đập xây dựng quá gần khu dân cư, không đảm bảo an toàn mỗi khi mùa mưa lũ đến. Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại, người dân kiến nghị di chuyển đập lên phía thượng nguồn so với vị trí đập hiện tại 5km hoặc di dời toàn bộ 251 hộ dân đi nơi khác.
 
Trước những lo lắng của người dân, trong buổi trực tiếp đối thoại, khi còn đương nhiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng giải thích rất cặn kẽ “Đập bê tông là an toàn nhất. Tuy nhiên, cái khó là nền móng, điều kiện địa chất đủ cường độ mới làm được. Nhiều công trình chúng tôi mong làm đập bê tông nhưng không được. Riêng công trình đập Rào Nan đã nghiên cứu cả 3 tuyến và chúng tôi chọn tuyến cuối cùng. Chọn tuyến dưới (tuyến theo thiết kế - NV) làm đập bê tông thì chúng ta có thể yên tâm về an toàn công trình”.
 
Đến nay, công tác tuyên truyền, vận động dù đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp triển khai hết sức quyết liệt nhưng dự án vẫn chưa thể khởi công do một số người dân thôn Linh Cận Sơn chưa đồng thuận, ủng hộ.
 
Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát từ nhận thức vị kỷ, hẹp hòi của một bộ phận người dân với lý do họ không được trực tiếp hưởng lợi từ dự án. Chỉ trừ một số hộ dân được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Một số trường hợp vì động cơ cá nhân như muốn gây áp lực để chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp một số công trình phục vụ dân sinh để củng cố uy tín cá nhân. Có trường hợp do bức xúc, giảm sút niềm tin vào chính quyền các cấp khi không quan tâm giải quyết một cách thỏa đáng các yêu cầu, đòi hỏi liên quan lợi ích trong một số chính sách kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hoạt động biểu tình tại Rào Nan ngày 15-8-2019
Hoạt động biểu tình tại Rào Nan ngày 15-8-2019
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có tâm lý lo ngại khi thi công dự án, đơn vị thi công sẽ không tuân thủ đúng quy trình, thiết kế, “rút ruột” như đã từng xảy ra ở một số dự án thủy lợi ở các địa phương khác nên sẽ ảnh hưởng chất lượng công trình, về lâu dài sẽ không bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.
 
Vì vậy, người dân cố tình lấy lý do dự án không bảo đảm an toàn, đưa ra yêu sách phải di chuyển vị trí xây dựng đập dâng cách vị trí cũ 5km hoặc di dời toàn bộ người dân thôn Linh Cận Sơn đi nơi khác để phản đối dự án một cách quyết liệt.
 
Điều này đẩy chính quyền vào thế khó, không thể giải quyết được. Bởi theo tính toán của các nhà khoa học, vị trí được lựa chọn để xây dựng là vị trí tối ưu nhất được Hội đồng thẩm định của Bộ NN&PTNT lựa chọn trong 3 phương án đề xuất xây dựng, trong đó có vị trí theo ý kiến của người dân thôn Linh Cận Sơn đề xuất.
 
Còn phương án di dời 251 hộ đi khỏi nơi khác vì chi phí quá lớn và không có tính khả thi, bởi tỉnh không thể bố trí được nguồn ngân sách đầu tư cho việc xây dựng khu tái định cư và kinh phí di dời.
 
Rõ ràng đây không phải là sự lo lắng đơn thuần mà thể hiện ý đồ chống đối chính quyền của một bộ phận người dân để dự án không thể triển khai.
 
Sự can thiệp, kích động của một số linh mục cực đoan
 
Tình hình trên ngày càng có chiều hướng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT khi có sự hà hơi, tiếp tay kích động của một số linh mục cực đoan ở các xã vùng nam TX. Ba Đồn.
 
Lợi dụng tổ chức thánh lễ Đức Maria hồn xác lên trời ngày 15-8-2019, tại nhà thờ giáo xứ Hòa Ninh, Quảng Hòa, TX. Ba Đồn, một số linh mục đã tổ chức hiệp thông phản đối chính quyền xây dựng Dự án thủy lợi Rào Nan. Sau khi kết thúc lễ, một số linh mục trong giáo hạt cầm đầu tổ chức cho hơn 1.000 giáo dân đem theo nhiều băng rôn, giấy A4 với nội dung xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn và đầy tính kích động, chống đối như “Lũ lụt sẽ giết hết chúng tôi xin đừng vô cảm”, “Chúng tôi không muốn chết bởi thiên tai lại càng không muốn chết bởi nhân tai”, “Người dân 9 xã vùng Nam Quảng Trạch phản đối chính quyền Quảng Bình xây dựng đập Rào Nan”…
Trạm bơm 1.800m3/giờ phải dừng hoạt động do lòng hồ Rào Nan khô cạn
Trạm bơm 1.800m3/giờ phải dừng hoạt động do lòng hồ Rào Nan khô cạn
Đặc biệt, một số linh mục như Nguyễn Văn Hảo, quản xứ Diên Trường (Quảng Sơn, TX. Ba Đồn), Trương Văn Vút, quản xứ Cồn Sẻ và Nguyễn Văn Toàn quản xứ Vĩnh Phước (Quảng Lộc, TX. Ba Đồn)… trong rao giảng, sử dụng mạng xã hội facebook liên tục tuyên truyền, xuyên tạc thông tin về dự án.
 
Số linh mục này đã khai thác, sử dụng hình ảnh, thông tin trên internet về việc xả lũ, các sự cố, chất lượng xây dựng không đảm bảo ở một số công trình thủy lợi trong nước như công trình thủy điện Hố Hô, kè chống xói lở ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), hay xuyên tạc rằng chính quyền và nhà thầu bắt tay với nhau để chia chác dự án….
 
Với chiêu bài “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần không nghe, nói nhiều lần sẽ nghe, trong rao giảng, số linh mục này lúc nào cũng bịa đặt hiểm họa sẽ đe dọa khi triển khai dự án, tìm cách đánh lạc hướng dư luận rằng Rào Nan là công trình thủy điện chứ không phải là công trình thủy lợi. Nên một khi tích nước làm thủy điện, Rào Nan trở thành túi bom nước lơ lửng trên đầu người dân hay xuyên tạc là “đập Rào Nan xây dựng trên 15m”…. Điều này làm cho tâm lý người dân càng thêm bất an, lo lắng, từ đó càng chống đối quyết liệt việc triển khai dự án.
 
Đặc biệt, lợi dụng việc cơ quan CSĐT Công an TX. Ba Đồn khởi tố, bắt giam Nguyễn Văn Thanh (SN1990, trú tại thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, TX Ba Đồn) về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 142, Bộ luật Hình sự, một số linh mục như Nguyễn Văn Hảo, Trương Văn Vút, Nguyễn Xuân Toàn, Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chưởng ấn kiêm Chánh văn phòng Tòa giám mục Giáo phận Hà Tĩnh viết nhiều bài viết trên mạng xã hội facebook xuyên tạc rằng vì Thanh đã tham gia nhiều cuộc biểu tình để bảo vệ môi trường, trong đó có cuộc biểu tình ngày 15-8-2019 tại Rào Nan… nên cơ quan Công an bắt Thanh không phải đơn thuần do phạm tội hình sự mà là “giết gà dọa khỉ”, nhằm khủng bố, đe dọa tinh thần người dân.
 
Chưa hết, lợi dụng chủ trương bố trí 18 xã công an chính quy, trong đó có các xã vùng nam TX. Ba Đồn như Quảng Văn, Quảng Sơn Quảng Lộc và Quảng Minh, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh xuyên tạc là Công an tỉnh tăng cường lực lượng nhằm trấn áp người nào phản đối. Mục đích của số linh mục ngày không ngoài ý đồ kiếm cớ kích động để không chỉ người dân thôn Linh Cận Sơn mà cả người dân vùng nam TX. Ba Đồn phản đối việc triển khai dự án.
 
Phan Linh
 
Kỳ 2: Dự án đầy tính nhân văn, không thể chậm trễ