Ký sự pháp đình:

Khi mái ấm đã chia đôi...

  • 08:46 | Chủ Nhật, 27/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cứ tưởng rằng, khi cánh cửa hôn nhân của họ đã khép lại và họ sẽ không bước chân tới Tòa án nữa bởi cả hai đều chấp nhận với bản án thuận tình ly hôn. Nhưng không, một lần nữa, họ lại đến “gõ cửa” Tòa án vì... đứa con của mình. 

Dù cho mái ấm hạnh phúc gia đình không còn, thế nhưng tình yêu thương, niềm mong mỏi muốn ở bên cạnh vui đùa, chăm lo cho con cái của những người bố, người mẹ ấy vẫn chưa bao giờ vơi cạn.

Sau một thời gian dài những va chạm, đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân không thể hàn gắn, đầu năm 2019, chị Hằng và anh Kiên được Tòa án quyết định thuận tình cho ly hôn. Chị Hằng được Tòa án quyết định giao quyền trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con trai hơn 1 tuổi. Còn anh Kiên có nghĩa vụ hàng tháng đóng góp 1 triệu đồng tiền cấp dưỡng nuôi con đến đủ 18 tuổi và được quyền thăm nom, chăm sóc con.

Sau một thời gian ly hôn, chị Hằng đã gửi đơn ra Tòa án “Yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con sau khi ly hôn” đối với anh Kiên. Lý do, theo chị trong quá trình đến thăm con chung anh Kiên đã gây khó khăn tới cuộc sống sinh hoạt của chị và con. Nhiều lần anh Kiên đến nhà chị tự ý chở con về ở lại nhà nhiều ngày mà không có sự đồng ý của chị.

Những lần chị không đồng ý, anh có thái độ xúc phạm chị và gia đình chị. Chị thấy rằng việc anh Kiên thường xuyên đưa con đi khỏi nơi cư trú nhiều ngày trong khi con mới hơn 1 tuổi là không an toàn, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của con, gây cản trở đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng con của chị.

Do đó, chị yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con của anh Kiên, mỗi tháng không quá 4 lần. Mỗi lần thăm con, anh Kiên được phép đưa con rời khỏi nơi cư trú để đi chơi và ở lại qua đêm nhưng không được quá 24 giờ. Từ khi con đủ 3 tuổi cho đến đủ 5 tuổi anh Kiên chỉ được thăm con và đưa con đi chơi, ở lại vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, các ngày lễ, để đảm bảo việc học hành của con.

Ngược lại, anh Kiên cho rằng, trong những lần anh ra thăm con thì chị Hằng và gia đình chị cản trở và không cho anh thăm con tại chỗ, nên anh phải đưa con về nhà riêng chơi để cha con gần gũi nhau. Việc chị Hằng gây khó khăn cho anh khi ra thăm con đã cản trở tình cảm cha con và cũng như tình cảm của cháu với gia đình bên nội. Anh chỉ tha thiết yêu cầu Tòa án cho anh được thăm con và đưa con đi chơi ở lại nhà mình từ 3 đến 4 ngày đêm mỗi lần.

Sau khi nghe hai bên trình bày, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của chị Hằng và quyết định: Anh Kiên chỉ được thăm con không quá 4 lần mỗi tháng (thời gian từ 6 giờ sáng đến không quá 22 giờ đêm mỗi lần) và khi thăm con, anh Kiên phải báo trước cho chị Hằng hoặc người thân của chị Hằng biết.

Anh Kiên chỉ được đưa con rời khỏi nơi cư trú để đi chơi ở lại qua đêm không quá 24 giờ mỗi lần. Kể từ khi con chung đủ 3 tuổi cho đến lúc 5 tuổi, anh Kiên chỉ được thăm con, đưa con đi chơi qua đêm vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ theo quy định.

Không chấp nhận quyết định của bản án sơ thẩm, anh Kiên đã kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét không chấp nhận yêu cầu của chị Hằng hoặc tăng thời gian thăm con của anh lên 4 lần/tháng, mỗi lần tối thiểu 24 giờ đến 72 giờ. Tại phiên họp giữa các bên để giải quyết sự việc theo thủ tục phúc thẩm sau đó, anh chị đã tự thỏa thuận, anh sẽ Kiên được thăm con 3 lần mỗi tháng (mỗi lần từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm) và được đưa con đi chơi ở lại qua đêm không quá 48 giờ.

Xét thấy, sự thỏa thuận là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, HĐXX Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận sự thỏa thuận này để chấp nhận đơn kháng cáo của anh Kiên và cho rằng: Việc anh Kiên đến nhà chị Hằng để thăm con xuất phát từ tình thương và sự quan tâm của bố đối với con, được pháp luật cho phép.

Do đó, HĐXX đã chấp nhận sự thỏa thuận này và chấp nhận một phần đơn kháng cáo của anh Kiên, sửa quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm theo hướng công nhận sự thỏa thuận như nội dung nêu trên của hai bên. HĐXX cũng yêu cầu chị Hằng và gia đình không được ngăn cản hoặc gây khó khăn cho việc thăm nom con của anh Kiên.

Rồi đây, dù cho mái ấm gia đình không còn trọn vẹn như trước, dù cho không còn đồng hành bên nhau, nhưng ít nhất, điều mà cả anh Kiên và chị Hằng có thể làm được cho con mình sau khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân này chính là sự vun đắp, che chở. Và dù không còn là của nhau thì họ vẫn mãi là “điểm tựa” yêu thương cho con cái. Bởi hơn ai hết, người phải gánh chịu tất cả những “đổ vỡ” này chính là những đứa trẻ. 

D.C.H

-------------------------------------------------------------------------

* Tên nhân vật trong bài viết này đã được thay đổi.