Bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết
(QBĐT) - Hàng năm, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là lúc thị trường dễ có sự xáo trộn, không ổn định, nếu như không có sự quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng.
Theo báo cáo đánh giá của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, tình hình cung cầu thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, hàng hóa được cung ứng và tiêu thụ tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng thực phẩm và các nhóm hàng phục vụ trưng bày như hoa, cây cảnh, đồ trang trí. Nguồn cung các mặt hàng trong dịp này phong phú và giá không có biến động lớn. So với cùng kỳ năm 2023, sức mua năm nay tăng nhẹ, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn, tiết giảm các chi phí không cần thiết.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn hàng được chuẩn bị tăng lên 20-25% so với ngày thường. Lượng hàng dồi dào, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên đã thu hút rất nhiều người dân. Trong đó, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn, được nhiều người lựa chọn do giá cả hợp lý, mẫu mã khá đa dạng. Tại các chợ dân sinh, hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào, đa dạng, không có biến động bất thường về giá cả.
Trưởng phòng Quản lý thương mại Nguyễn Ngọc Hải cho biết: Theo đánh giá, sức mua trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 chỉ tăng từ 8-10% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm 2023. Mặc dù nhu cầu tăng nhưng nguồn cung phong phú nên nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.
Có được kết quả nói trên là nhờ sự tập trung triển khai các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của Sở Công thương và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Từ giữa tháng 12/2023, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch bảo đảm các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán. Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Công tác dự báo là hết sức quan trọng. Tại kế hoạch bảo đảm các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường phục vụ Tết, sở đã dự báo tình hình thị trường năm 2023 và dự báo cung cầu, giá cả hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 1/1-28/2). Đây là thông tin có tính định hướng để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết.
Bà Lương Thị Kiều Lan Chi, Giám đốc Co.opmart Quảng Bình chia sẻ: Vào các đợt cao điểm, Sở Công thương có những định hướng về xu hướng tiêu dùng của khách hàng và xu hướng phát triển của nền kinh tế địa phương. Với chủ trương của sở, siêu thị chúng tôi phải bảo đảm nguồn cung, tránh tình trạng bị đứt hàng, thiếu hụt hàng hóa nhằm kiểm soát lạm phát, tự do tăng giá của tiểu thương vào đợt cao điểm Tết. Lãnh đạo sở cũng rất quan tâm, luôn hỏi thăm về tình hình kinh doanh của đơn vị, có những động viên và tạo điều kiện rất kịp thời cho đơn vị.
Bên cạnh nắm bắt nhu cầu, dự báo thị trường, Sở Công thương cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá kích cầu người tiêu dùng.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thương mại tháng 2/2024 toàn tỉnh đạt 5.105,5 tỷ đồng; tăng 8,25% so với tháng trước và tăng 18,05% so với cùng kỳ. Trong đó, dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 2/2024 đạt 4.437,7 tỷ đồng, tăng 8,99% so với tháng trước và tăng 19,04% so với cùng kỳ.
|
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, liên kết độc quyền, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ, Tết để nâng giá, trục lợi bất chính… Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát và nhắc nhở thường xuyên đã góp phần ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán.
Với các giải pháp đồng bộ đó, thị trường hàng hóa, giá cả dịp Tết Nguyên đán được bình ổn, quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm, góp phần tạo nên cái Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm cho nhân dân trong tỉnh.
Hương Lê