Thị trường Tết vẫn trầm lắng

  • 16:48 | Thứ Tư, 24/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, thế nhưng, không khí mua sắm Tết trên thị trường vẫn còn trầm lắng.
 
Sức mua còn yếu
 
Dạo quanh các siêu thị lớn, mini, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh, không thấy cảnh nhộn nhịp mua sắm Tết như những năm trước đây. Một nhân viên siêu thị Winmart+ trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Đồng Hới) cho hay: Các năm, tầm mồng 10 tháng chạp đã có rất nhiều khách đặt mua các giỏ quà tặng. Vậy mà năm nay, đã sát rằm rồi vẫn chưa thấy ai hỏi mua.
 
Hội chợ Xuân Quảng Bình năm 2024 khai mạc từ ngày 12/1 với quy mô trên 200 gian hàng của 130 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các đại lý thương mại, nhà phân phối trong và ngoài nước tham gia với nhiều ngành hàng đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. 
Hội chợ Xuân hướng tới hàng bình dân, giá rẻ nhưng sức mua yếu so với năm ngoái.
Hội chợ Xuân hướng tới hàng bình dân, giá rẻ nhưng sức mua yếu so với năm ngoái.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các tiểu thương, sức mua năm nay yếu hẳn, nhiều quầy khả năng phải bù lỗ. “Những hội chợ năm trước bán được hơn năm nay. Tết năm nay, 10 người thì có 8, 9 người kêu lỗ; 100 gian hàng may chỉ được vài gian hòa vốn thôi”, chị Phạm Thị Hiền, chủ một gian hàng quần áo đến từ Hà Nội chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Minh Cầm, gian hàng tỉnh Tuyên Quang cho biết: “So với các gian hàng trong hội chợ, gian hàng của chúng tôi bán cũng đỡ hơn chút, nhưng năm nay, tình trạng chung do kinh tế suy thoái nên sức mua kém hẳn”.
 
Chị Nguyễn Thị Lài, ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) chia sẻ: Năm nay, buôn bán kinh doanh khó khăn nên thu nhập thấp hơn, nhà tôi cũng xác định tiết kiệm chi tiêu, sắm Tết vừa phải thôi.
Tại các siêu thị lớn, khách chủ yếu mới mua sắm đồ dùng thiết yếu chứ chưa sắm hàng Tết.
Tại các siêu thị lớn, chưa có nhiều khách sắm hàng Tết.
Tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình, đến thời điểm này, hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết đã chuẩn bị đầy đủ, đạt 95% nguồn dự trữ hàng Tết. “Dự đoán sức mua năm nay giảm nên siêu thị chỉ nhập hàng dự trữ tăng 30-50% so với ngày thường và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ mới thấy khách mua sắm đồ dùng thiết yếu gia đình là chủ yếu chứ chưa thấy bà con sắm Tết nhộn nhịp như những năm trước đây”, bà Lương Thị Kiều Lan Chi, Giám đốc Co.opmart Quảng Bình cho biết.
 
Nỗ lực kích cầu
 
Dự đoán phần nào sự sụt giảm sức mua của thị trường trong dịp Tết năm nay nên nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để đưa ra các phương án tối ưu trong sản xuất, dự trữ, phân phối hàng hóa.
 
Nhiều cơ sở kinh doanh cũng đã mở rộng các kênh bán hàng qua điện thoại, website, các tài khoản mạng xã hội như facebook, zalo để dễ tiếp cận với khách hàng hơn. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà được đưa ra cùng với việc đổi mới hình thức trưng bày, giới thiệu sản phẩm đều nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, kích cầu tiêu dùng. 
Nhu cầu và thói quen mua sắm mùa Tết của người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi theo hướng thắt chặt hơn.
Nhu cầu và thói quen mua sắm mùa Tết của người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi theo hướng thắt chặt hơn.
Anh Lê Đình Quả, Công ty TNHH MTV An Nông chia sẻ: Năm nay thị trường chậm hơn so với mọi năm rất nhiều. Doanh thu của An Nông giảm khoảng 20%, mặc dù các mặt hàng kinh doanh của công ty đều là hàng thiết yếu. Chính vì vậy, đội ngũ công ty phải họp bàn mấy lần để chủ động tìm phương án kích cầu. Chúng tôi cũng phải ra tận Hà Nội học hỏi sự năng động, sáng tạo của thị trường ngoài đó. Mấy hôm nay, “Phiên chợ Tết An Nông” được tổ chức với các chương trình ưu đãi về giá; trải nghiệm, dùng thử các sản phẩm đặc sắc; thầy đồ tặng chữ; chụp ảnh checkin ngày Tết... Rất vui là kết quả thấy doanh thu cũng tăng lên khá ổn.
Nhiều cơ sở kinh doanh đổi mới, sáng tạo trong cách tiếp cận khách hàng nhằm kích cầu tiêu dùng.
Nhiều cơ sở kinh doanh đổi mới, sáng tạo trong cách tiếp cận khách hàng nhằm kích cầu tiêu dùng.
Giám đốc Co.opmart Quảng Bình Lương Thị Kiều Lan Chi cho rằng: Do suy thoái kinh tế nên nhu cầu và thói quen mua sắm Tết của người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi theo hướng thắt chặt hơn. Dự đoán xu hướng nên năm nay, siêu thị chủ trương không đặt các mặt hàng xa xỉ mà thiên về những sản phẩm truyền thống với mức giá phải chăng. Hy vọng từ nay đến Tết, lượng khách đến mua sắm Tết sẽ nhộn nhịp hơn.
Hương Lê

tin liên quan

Hướng dẫn thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

(QBĐT) - Ngày 22/1, UBND tỉnh ban hành Công văn số 127/UBND-TH về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Quảng Bình tham gia quảng bá du lịch tại Diễn đàn du lịch ASEAN

(QBĐT) - Từ ngày 22-27/1, tại Thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào) diễn ra Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2024) và Hội chợ Travex 2024 với chủ đề "Du lịch chất lượng và có trách nhiệm-Bền vững tương lai ASEAN". Đây là sự kiện du lịch thường niên lớn nhất được tổ chức luân phiên giữa các thành viên ASEAN trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN.

Các làng nghề tăng công suất làm hàng Tết

(QBĐT) - Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các làng nghề truyền thống và cơ sở sản xuất thực phẩm tại huyện Quảng Trạch lại càng tất bật hơn với nhiều đơn hàng phục vụ Tết.