"Phố" giữa làng!

  • 06:57 | Thứ Hai, 11/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến xã An Ninh (Quảng Ninh), người dân phía Nam dòng Đại Giang đều công nhận là vựa lúa của huyện. Về An Ninh, ghé thôn Thống Nhất, ngỡ ngàng như lạc vào một góc phố phường nào đó nơi thị tứ sầm uất. Thống Nhất bây giờ trở thành “phố”, “phố” lại ở giữa làng. Người “phố” vẫn giữ nguyên hồn cốt làng, chân chất, bình dị, như một thời “hạt lúa, củ khoai”...
 
Sức sống diệu kỳ từ nhân dân
 
Trưởng thôn Thống Nhất Võ Văn Thoa khẳng định: Chính sức sống diệu kỳ, sự đoàn kết, “ý Đảng, lòng dân” mới tạo nên diện mạo “phố” như ngày hôm nay. Ông trưởng thôn dẫn chứng đầy tự hào: “Sau trận lụt lịch sử hồi tháng 10/2020, Thống Nhất cũng như bao làng quê khác ở hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy tưởng chừng kiệt quệ vì bao nhiêu công sức, mồ hôi, tài sản nhân dân tích cóp đều dâng cho thủy thần. Cứ nghĩ, sẽ mất một thời gian dài, Thống Nhất mới gượng dậy được... Rứa mà, chưa đầy 3 năm sau khi trận lụt lịch sử đi qua, Thống Nhất trở thành một khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Quảng Ninh”.
 
Để vươn mình trở thành “phố” giữa làng, từ những cốt vật chất điện-đường-trường-trạm-chợ trước đây, trong vòng 3 năm (2021-2023), Thống Nhất huy động trên 13,6 tỷ đồng tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao cơ sở vật chất, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hoàn toàn 8,8 tỷ đồng; nhà nước và nhân dân cùng làm hơn 3,1 tỷ đồng và sức dân đóng góp xấp xỉ 1,7 tỷ đồng. Bình quân đóng góp từ sức dân qua 3 năm đạt 1,4 triệu đồng/khẩu.
Công viên Hồ Phôốc, điểm nhấn của bức tranh “phố” Thống Nhất, được xây dựng từ sức dân.
Công viên Hồ Phôốc, điểm nhấn của bức tranh “phố” Thống Nhất, được xây dựng từ sức dân.
Bí thư Đảng bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thống Nhất Nguyễn Duy Viên chia sẻ: “Thống Nhất phát triển toàn diện như ngày hôm nay nhờ sự đồng thuận của toàn dân. Đội ngũ cán bộ cốt cán luôn gương mẫu, sâu sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, biết tranh thủ nội lực từ dân, kết hợp với nguồn vốn đầu tư nhà nước. Yếu tố quan trọng nhất giúp Thống Nhất tranh thủ sức mạnh trong nhân dân là biết phát huy dân chủ cơ sở. Thực hiện quy chế dân chủ, mọi việc lớn nhỏ đều đưa ra dân bàn, khi nhận sự đồng thuận trên 75% mới triển khai. Mỗi năm, thôn tổ chức hai đợt để nhân dân góp ý xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng chính quyền, góp ý vào hương ước, nội quy hợp tác xã (HTX), nhờ đó mọi người đều tự giác, tự nguyện chấp hành, niềm tin người dân đối với Đảng, chính quyền nâng lên”.
 
Kinh tế nhanh chóng phục hồi sau trận lụt lịch sử năm 2020. Nếu An Ninh được ví như vựa lúa của huyện Quảng Ninh thì Thống Nhất luôn là trọng điểm trồng lúa ở xã An Ninh với diện tích 250ha; năng suất bình quân đạt 75-76,5 tạ/ha.
 
Theo Bí thư Đảng bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất Nguyễn Duy Viên, hiện tại sản xuất nông nghiệp ở Thống Nhất trở thành nền sản xuất lớn trên cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo chuỗi khép kín. Nhiều gia đình, như: Nguyễn Đại Ơn, Nguyễn Đại Hồng, Nguyễn Phong, Nguyễn Văn Tỵ, Lê Văn Phú, Nguyễn Đại Thuần, Nguyễn Đại Sơn, Nguyễn Phong Vinh, Trương Văn Mạnh... mỗi năm thu hoạch từ 15-25 tấn lúa. Toàn thôn Thống Nhất hiện có 10 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm; trên 70% hộ dân thu nhập từ 170 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2%.
 
Bức tranh “phố” Thống Nhất
 
Để có một khu dân cư kiểu mẫu, đột phá đầu tiên của Thống Nhất là mở rộng và cứng hóa hệ thống đường giao thông. Với nguồn kinh phí nhà nước đầu tư và huy động sức dân giai đoạn 2021-2023, Thống Nhất đã dành gần 12/13,6 tỷ đồng để ưu tiên phát triển giao thông, trong đó chú trọng mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông: Đường 186; đường Đồng Nại; đường Hội Trường; đường kênh Hói Lạo-kênh Nam Làng; đường Liên Lạc; đường liên xóm...
 
Điều đặc biệt nhất ở Thống Nhất khác với các khu dân cư nông thôn khác là đường giao thông nông thôn được quy hoạch hoàn chỉnh, vươn ra tận chân đồng ruộng với 3 tuyến giao thông nội đồng chính, chiều dài 10km phục vụ nền sản xuất cơ giới hóa trên cánh đồng mẫu lớn.
 
Đột phá thứ hai tạo nên “phố” Thống Nhất là các cốt vật chất phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xây dựng hoàn toàn mới. Công viên Hồ Phôốc giữa trung tâm “phố” Thống Nhất, nằm cạnh tuyến đường giao thông liên xã Tân Ninh-An Ninh-Vạn Ninh trở thành điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh “phố” Thống Nhất.
 
Trưởng thôn Võ Văn Thoa tự hào: “Cũng nhờ sức dân, ngoài số tiền thôn đầu tư gần 570 triệu đồng thì bà con đóng góp thêm, như: Gia đình ông Trương Trung Thành ủng hộ 40 triệu đồng, ông Nguyễn Thọ Đức 40 triệu đồng, Lê Văn Hiền 30 triệu đồng. Các gia đình Nguyễn Đại Học, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tiến Kham... ủng hộ từ 1-2 chiếc ghế đá. Tổng giá trị người dân đóng góp xây dựng, hoàn thiện công viên Hồ Phôốc trên 150 triệu đồng”.
 
Chủ tịch UBND xã An Ninh Trương Văn Long chia sẻ: Bằng những nỗ lực của mình, Thống Nhất trở thành một điểm sáng dân cư ở xã An Ninh và vùng Nam huyện Quảng Ninh. Ghi nhận những thành tựu trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở Thống Nhất, ngày 21/3/2023, Chủ tịch UBND huyện đã ký quyết định công nhận Thống Nhất đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhà phố liên tục mọc lên ở Thống Nhất, ông Nguyễn Duy Viên cho biết: Giai đoạn 2021-2023, tính sơ sơ... có 60 ngôi nhà mới hoàn thiện, trị giá thấp nhất 700 triệu đồng/nhà, nhiều ngôi nhà cao tầng trị giá lên đến hàng tỷ đồng. Nhà đẹp, giúp bức tranh “phố” Thống Nhất sáng hơn, văn minh và hiện đại. Để kiến tạo nên từng ngôi nhà phố, sức dân đến từ ba nguồn căn bản: Xuất khẩu lao động ở nước ngoài, con em làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam gửi về và tích trữ tại chỗ.

Ngôi nhà hai tầng của anh Nguyễn Phong Hiển nằm ngay mặt tiền đường liên thôn. Theo anh Hiển, để có cơ ngơi khang trang này, gia đình tích trữ trong nhiều năm bằng việc mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Nhẩm sơ sơ..., chi phí xây nhà mới hết khoảng 4 tỷ đồng. Cạnh nhà anh Nguyễn Phong Hiển, căn biệt thự xinh xắn mặt tiền hướng ra tuyến đường Tân Ninh-An Ninh-Vạn Ninh của vợ chồng anh Nguyễn Đại Huy cũng vừa đưa vào sử dụng. Để tạo dựng được cơ ngơi khang trang này, vợ chồng anh Nguyễn Đại Huy phải tích cóp nhiều năm lao động ở Đài Loan, trị giá ngôi nhà khoảng 1,5 tỷ đồng.
 
“Dọc tuyến đường Tân Ninh-An Ninh-Vạn Ninh ni... có rất nhiều nhà đẹp. Bám mặt đường, ngoài thuận lợi để kinh doanh buôn bán, dịch vụ thì những căn biệt thự tiền tỷ giúp làm đẹp thêm khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Thống Nhất”, Trưởng thôn Võ Văn Thoa nhận xét.
 Ngô Thanh Long

tin liên quan

Khi "vịt hóa thiên nga"

(QBĐT) - Hàng trăm tấn vịt thương phẩm đạt chất lượng "thiên nga" được xuất bán để tiêu thụ ở thị trường châu Âu, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm-từ dám nghĩ, dám làm trong ý tưởng "đơn giản" đã trở thành hiện thực lớn của ông chủ "chân đất" Thái Hòa Nam, ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới).

Ươm mầm cho cây bản địa

(QBĐT) - Hơn 2 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông lâm sản Bắc Quảng Bình đã ươm hàng triệu cây rừng giống bản địa để cung ứng cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tuyên Hóa: Nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP

(QBĐT) - Thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP.