"Sâm biển"...!

  • 06:05 | Chủ Nhật, 09/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sa sâm còn được gọi là cây “sâm biển” có giá trị dinh dưỡng cao, được xem là dược liệu quý có nhiều tác dụng trong bảo vệ và tăng cường sức khỏe. Từ một loại rau dại trên đồi cát ven biển xã Hải Ninh (Quảng Ninh), cây sa sâm đã được ươm giống, nhân rộng với kỳ vọng trở thành “đặc sản” của vùng cát Quảng Bình.
 
“Sâm biển” trên cát
 
Những bãi cát trắng ven biển Hải Ninh trước đây thường bỏ hoang nay đã được “phủ xanh” bởi loài cây dược liệu sa sâm. Những luống sa sâm được trồng thẳng tắp, ngay ngắn, từ lớp cát mịn hàng nghìn cây sa sâm vươn màu xanh ngát.
 
Nghiên cứu mới nhất về tác dụng của cây sa sâm đã được công bố tại hội thảo khoa học về cây sa sâm Việt Nam được tổ chức vào tháng 6/2023 tại Hà Nội. Các nghiên cứu của các nhà khoa học đã xác định dược liệu sa sâm có các hoạt chất mang hoạt tính sinh học, như: Chống ô xy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống đau thắt ngực, chống ưng thư, chống dị ứng... Các nhà khoa học cũng tìm thấy các hợp chất trong sa sâm làm giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường và có tác dụng bảo vệ gan.

Trong câu chuyện khi đến tham quan vườn ươm giống sa sâm tại thôn Tân Định, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hải Ninh Nguyễn Thị Nhâm giới thiệu, cây sa sâm mọc rất nhiều tại các đồi cát ven biển, người dân thường gọi là rau chân vịt. Cây có màu xanh thẫm, hoa vàng, mọc bò trên mặt cát.

Trước đây, người dân xã Hải Ninh thỉnh thoảng vẫn hái lá sa sâm về nấu canh thay cho những loại rau thông thường. Khi biết được đây là cây dược liệu quý, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển (HTPNPT) tỉnh đã đề xuất dự án “Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình” và đã được Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Quỹ bảo tồn GreenViet. Nhờ đó, cây sa sâm đã được bảo tồn và nhân rộng trên địa bàn xã Hải Ninh.
Người dân Hải Ninh thu hoạch lá sa sâm.
Người dân Hải Ninh thu hoạch lá sa sâm.
Trên bãi cát trắng, bà Nguyễn Thị Hợp, thôn Tân Định trồng hơn 2.600 cây sa sâm. Lúc chúng tôi đến, bà Hợp đang tranh thủ chăm sóc những luống sa sâm đang kỳ thu hoạch. Nhanh tay rải đều lớp cát mịn, bà Hợp phấn khởi chia sẻ: “Cát biển như là chất dinh dưỡng của cây, luống nào được phủ đủ cát thì luống đó tươi tốt, cây bậm hơn. Cây sa sâm là cây bản địa mọc hoang trên cát nên khi nhổ về trồng trong vườn nhà, chỉ cần chăm tưới nước và thường xuyên vun cát thì cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, không phải bón bất kỳ một loại phân nào”.
Không chỉ là món ăn dân dã, sa sâm còn là loài thảo dược quý được người dân ưa chuộng.
Không chỉ là món ăn dân dã, sa sâm còn là loài thảo dược quý được người dân ưa chuộng.
Theo bà Hợp, trên diện tích này trước đây bà bỏ hoang, sau khi được Hội LHPN xã vận động trồng cây sa sâm và tham gia các lớp tập huấn do Quỹ HTPNPT tỉnh tổ chức, bà đã tìm và đưa cây sa sâm mọc ven biển về trồng trong vườn nhà. Trên diện tích 100 mét vuông ban đầu, bà trồng thử nghiệm 1.300 cây sa sâm.
 
Để cây phát triển tốt, bà Hợp đóng cọc làm giàn mái che bằng lưới chống nóng cho cây. Những ngày đầu mới bắt đầu trồng, bà thường xuyên túc trực để tưới nước và chăm sóc cây. Là giống cây bản địa, nên sa sâm phát triển rất tốt, chỉ sau 2 tháng đã có thể bán cây giống cho các hộ dân trong vùng và sau 3 tháng, bà Hợp bắt đầu thu hoạch lá sa sâm. Thông qua sự kết nối của dự án, lá sa sâm được nhập về bán tại các cửa hàng nông sản sạch của Công ty TNHH MTV An Nông (TP. Đồng Hới) với giá bán 60.000-80.000 đồng/kg.
 
Không chỉ là món ăn dân dã, sa sâm còn là loài thảo dược quý được người dân ưa chuộng.
Không chỉ là món ăn dân dã, sa sâm còn là loài thảo dược quý được người dân ưa chuộng.
Những ngày này đang là thời điểm thu hoạch lá sa sâm nên bà Mai Thị Quýt, thôn Cừa Thôn luôn túc trực ngoài vườn vừa chăm sóc cây vừa cắt tỉa lá nhập cho các cửa hàng. Theo bà Quýt, trồng cây sa sâm không có mùa vụ, chỉ cần chăm sóc tốt, cây sẽ cho lá quanh năm. Trên diện tích 300 mét vuông, bà Quýt trồng hơn 4.000 cây sa sâm, số cây giống này được gia đình bà nhổ dọc bờ biển Hải Ninh đem về trồng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cây phát triển tốt, chỉ trong một thời gian ngắn, bà đã thu hoạch lá để bán.
 
“Lá sa sâm có thể ăn sống hoặc nấu canh rất ngon và mát nên được nhiều người ưa chuộng. Tôi thường nhập cho các nhà hàng tại địa phương và bán cho khách hàng ở TP. Đồng Hới. Từ khi trồng đến nay, tôi đã bán hơn 80kg lá sa sâm, đem lại thu nhập gần 6 triệu đồng. Không chỉ bán lá tươi, các hộ trồng sa sâm còn phơi khô lá và thân cây sa sâm để bán cho nhiều người dân trong và ngoài tỉnh”, bà Quýt chia sẻ.
 
Khát vọng vươn xa…
 
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sa sâm là loại thảo dược quý, được ví là cây “nhân sâm” và dùng nhiều trong y học cổ truyền. Toàn bộ thân, rễ, lá của cây đều được sử dụng. Sa sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ, mát phổi, giảm ho, long đờm, lợi sữa, nhuận tràng, lợi tiểu...
Sản phẩm lá sa sâm được bày bán tại các cửa hàng nông sản sạch của Công ty TNHH MTV An Nông.
Sản phẩm lá sa sâm được bày bán tại các cửa hàng nông sản sạch của Công ty TNHH MTV An Nông.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Ninh Nguyễn Thị Nhâm cho biết, được sự hỗ trợ của dự án, Hội LHPN xã đã thành lập Tổ hợp tác (THT) phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng cát xã Hải Ninh với 35 thành viên. Tham gia THT, các thành viên được tập huấn nâng cao kiến thức về giá trị của cây sa sâm, nắm vững kỹ thuật trồng sa sâm trên cát theo hướng hữu cơ; hỗ trợ kinh phí xây dựng vườn ươm, mở rộng diện tích trồng thí điểm và kết nối tiêu thụ sản phẩm… Hiện tại, có 8 thành viên trong THT đã tham gia trồng cây sa sâm trên cát với diện tích 1.200m2.
Lá, thân cây sa sâm còn được phơi khô làm nước uống để giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.
Lá, thân cây sa sâm còn được phơi khô làm nước uống để giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.
Sản phẩm cây sa sâm của THT đã có bao bì nhãn mác và được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện, sản phẩm lá sa sâm được bày bán tại các cửa hàng nông sản sạch của Công ty TNHH MTV An Nông và được rất nhiều khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Không chỉ được bày bán trong tỉnh, sản phẩm lá sa sâm còn được Công ty TNHH MTV An Nông cung cấp cho các khách hàng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Từ khi bắt đầu thu hoạch cho đến nay, THT cung ứng cho Công ty TNHH MTV An Nông hơn 50kg lá sa sâm. Dự kiến, thời gian tới, THT sẽ kết nối đưa sản phẩm lá sa sâm Hải Ninh vào siêu thị Co.opmart Quảng Bình.
 
“Hiện, xã Hải Ninh đã xây dựng khu bảo tồn cây sa sâm bản địa tại thôn Cừa Thôn. Từ hiệu quả của mô hình trồng sa sâm trên cát, xã dự kiến sẽ mở rộng diện tích lên 1.500m2 với 15 hộ dân tham gia. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ vận động hội viên tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm với quyết tâm đưa thương hiệu sa sâm Hải Ninh tiếp cận và vươn tới những thị trường mới”, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Ninh Nguyễn Thị Nhâm cho biết thêm.
 
Dự án “Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình” được Quỹ HTPNPT tỉnh thực hiện từ tháng 1/2023 nhằm nâng cao ý thức bảo vệ giống cây sa sâm bản địa, bảo tồn đa dạng sinh học trên vùng đất cát Hải Ninh; hướng dẫn kỹ thuật trồng sa sâm trên cát theo tiêu chuẩn hữu cơ, gắn bảo tồn với phát triển sinh kế bền vững. Mục tiêu của dự án là mở rộng diện tích trồng sa sâm tại xã Hải Ninh trên 1.500m2 sau đó nhân rộng thêm 2.500m2 trong vụ mùa tiếp theo, kết hợp hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, chế biến để tạo tính bền vững của mô hình. Dự án hướng đến ít nhất 1.000 người dân được hưởng lợi, trong đó phụ nữ 70%, nam giới 30%.
Lan Chi
 

tin liên quan

"Tinh hoa" núi rừng Trường Sơn

(QBĐT) - Tuy mô hình không mới nhưng nuôi ong ở đại ngàn Trường Sơn (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng mật là hướng đi mới, góp phần tạo dựng thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên-môi trường

(QBĐT) - Chiều 7/7, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Đề xuất giá điện sinh hoạt dự kiến cao nhất hơn 3.450 đồng/kWh

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy ý kiến nhân dân.