Diêm dân cần mẫn làm muối dưới tiết trời nắng gắt

  • 05:53 | Thứ Ba, 27/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày này, dưới cái nắng cháy da, cháy thịt, hàng trăm diêm dân Phú Lộc, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) vẫn cần mẫn sản xuất muối. Năm nay nắng nhiều, diêm dân Quảng Phú đang kỳ vọng có một vụ muối bội thu “được mùa, được giá”.
 
Làng Phú Lộc nổi tiếng với nghề làm muối thủ công, là kế sinh nhai của hàng nghìn người dân trong vùng. Trải qua bao thăng trầm, Phú Lộc hiện là địa phương duy nhất trong tỉnh vẫn còn mặn mà với nghề muối.
 
Vụ muối ở thôn Phú Lộc thường kéo dài từ tháng 3-7 hàng năm, công việc này chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, nắng càng gắt thì hạt muối làm ra càng đẹp, càng mặn mòi và trắng tinh khôi. Với diêm dân, họ thích nhất là trời nắng gay gắt và sợ những trận mưa rào bất chợt.
 
Giữa cái nắng gần 40 đôj C của những ngày tháng 6, trên cánh đồng muối xã Quảng Phú, hàng trăm diêm dân đang hối hả làm việc mặc cho sức nóng dưới mặt đất bốc lên oi nồng. Bởi theo kinh nghiệm của diêm dân, trời càng nắng to, sản lượng muối thu về được càng cao và chất lượng muối càng bảo đảm.
Cánh đồng muối Phú Lộc.
Cánh đồng muối Phú Lộc.
Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm vì cháy nắng, diêm dân Phạm Ngọc Chính (SN 1969, thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú) cho hay, nghề muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên trong suốt thời gian mùa vụ, những diêm dân trong thôn luôn thấp thỏm canh nắng, canh mưa, túc trực ngoài ruộng ngay giữa trưa hè nắng gắt.
 
“Gia đình tôi sống nhờ vào hơn 1.000 mét vuông ruộng muối, những ngày nắng gắt thu được hơn 1 tấn muối khô, cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Nghề làm muối tuy vất vả, mệt nhọc nhưng đã gắn bó và nuôi sống gia đình qua bao thế hệ nên không bỏ được”, ông Chính chia sẻ.
 
Theo lời ông Chính, để làm ra được một mẻ muối phải trải qua nhiều công đoạn vất vả và tốn công sức. Bắt đầu từ việc chuẩn bị ruộng, đầm đất, lấy nước mặn vào ruộng, phơi cát, ngâm cát, cho đến lắng lọc nước rồi múc đưa lên ô nại phơi. Đến chiều, nước biển bốc hơi để lại những hạt muối tinh khiết trên nền bê tông, người dân sẽ dùng các dụng cụ tự chế để thu hoạch muối rồi chở về nhà kho.
 
Tuy nhiên, với nghề muối ở Quảng Phú, diêm dân thay vì dùng nước biển làm muối như những địa phương khác, họ lại dùng nước từ cửa sông Loan (con sông bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn đổ ra biển), vì vậy hạt muối Quảng Phú chứa nhiều khoáng chất, độ mặn vừa phải, không có vị chát.
Diêm dân làm muối dưới cái nắng gay gắt.
Diêm dân làm muối dưới cái nắng gay gắt.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Nguyễn Ngọc Minh cho biết, nghề làm muối là một nghề truyền thống của địa phương có từ lâu đời, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện, cánh đồng muối của xã có diện tích khoảng 72ha, với trên 260 hộ dân đang sản xuất, sản lượng mỗi năm ước tính đạt khoảng 5.000-7.000 tấn.
 
“Năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, dự kiến sản lượng muối sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái. Với giá muối gần 2.000 đồng/kg, nhiều hộ làm muối có thu nhập từ 1-2 triệu đồng/ngày. Đặc biệt năm nay, bà con diêm dân đã tận dụng hết diện tích đất để làm muối chứ không bỏ hoang như trước.
 
Hiện, chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực để kiến thiết lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là nghề muối, góp phần xây dựng thương hiệu, chất lượng muối Phú Lộc và tạo thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân”, ông Minh cho biết thêm.
Phan Phương
 

tin liên quan

Đại hội đại biểu Hội Thủy sản lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028

(QBĐT) - Sáng 26/6, Hội Thủy sản tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028.

Suối Bang - Sản phẩm du lịch độc đáo

(QBĐT) - Nằm ở địa bàn xã Kim Thủy (Lệ Thủy), cách TP. Đồng Hới theo hướng tây nam khoảng 45km, suối Bang được xem là con suối nước nóng "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam với nhiệt độ sôi lên đến 105oC. 

Đổi mới, sáng tạo và cầu thị, đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư

(QBĐT) - Với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đóng góp quan trọng của các chuyên gia, nhà khoa học, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, ngày 12/4/2023, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.