Quảng Trạch: Khuyến khích phát triển kinh tế vùng gò đồi

  • 08:07 | Thứ Năm, 24/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định kinh tế vùng gò đồi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua, huyện Quảng Trạch đã có chủ trương khuyến khích người dân phát triển sản xuất vùng gò đồi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. 
 
Cách đây hơn 20 năm, bằng sự cần cù chịu khó, gia đình ông Phan Xuân Chiệu ở xã Quảng Tiến đã biến vùng gò đồi đất cằn sỏi đá ở Hải Lưu thành vùng đất tiềm năng với nhiều loại cây trồng có giá trị.
 
Ông Chiệu cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhưng hai vợ chồng đã động viên nhau khai hoang, phát triển vùng gò đồi thành trang trại vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt và lấy ngắn nuôi dài. Đặc biệt, thời gian qua, gia đình tôi được UBND huyện và xã Quảng Tiến quan tâm, động viên, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi và cây, con giống để phát triển sản xuất. Qua đó, đã tạo điều kiện giúp gia đình tôi phát triển kinh tế ngày càng bền vững".  
 
Với diện tích đất trang trại gần 22ha khai hoang từ vùng gò đồi, ông Chiệu đã trồng các loại tràm, bạch đàn, keo. Sau khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, ông đã mạnh dạn phá bỏ hơn 10ha để cải tạo thành khu vườn và trồng cây ăn quả có giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường, như: xoài, vải, nhãn, bơ, bưởi, cam, mít, na...
 
Để tăng hiệu quả kinh tế, ông còn mạnh dạn phá bỏ 2ha diện tích đất trồng dứa chuyển sang trồng giống sâm Bố Chính. Nhờ đó, vụ vừa rồi, gia đình ông đã thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ giống sâm quý này. Chưa dừng lại ở đó, tận dụng diện tích trang trại, gia đình ông còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thả nuôi các loại cá nước ngọt, như: trắm, mè, rô phi.
 
Đặc biệt, năm nay, ông đã mạnh dạn thả nuôi 4.500 con cá lăng, một trong những loài cá đang được thị trường ưa chuộng, hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao. Với mô hình trang trại tổng hợp này, mỗi năm, gia đình ông Chiệu có nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng. Trang trại của ông cũng tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương theo mùa vụ. 
 
Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cho biết: “Xã Quảng Tiến có hơn 70% diện tích đất gò đồi. Để phát huy hiệu quả của đất gò đồi mang lại, thời gian qua, chúng tôi đã khuyến khích người dân trên địa bàn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây có năng suất thấp, sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: mít, ổi, bưởi, vải thiều, nhãn, na Đài Loan, sâm Bố Chính... nhằm nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản của địa phương. Đặc biệt, trong chăn nuôi, bà con đã nâng cao được chất lượng đàn bò, đàn lợn, chú trọng các mô hình, như: chim trĩ, lợn rừng, gà thả đồi..., góp phần tăng hiệu quả kinh tế hộ gia đình, ổn định kinh tế của địa phương".
 
Ngoài xã Quảng Tiến, hiện nay, một số địa phương trên địa bàn huyện cũng đã tập trung cải tạo vùng gò đồi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện Quảng Trạch có khoảng 28.000ha diện tích gò đồi và là một trong những địa phương có diện tích đất vùng gò đồi khá lớn của tỉnh. 
Mô hình kinh tế trại của ông Phan Xuân Chiệu (Quảng Tiến, Quảng Trạch) cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình kinh tế trại của ông Phan Xuân Chiệu (Quảng Tiến, Quảng Trạch) cho hiệu quả kinh tế cao.
Đây là tiềm năng để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình trang trại, gia trại. Huyện Quảng Trạch cũng đã tích cực chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch để chuyển đổi kinh tế vườn đồi, phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
 
Đến nay, huyện Quảng Trạch đã chuyển đổi được hàng trăm héc ta diện tích đất vùng gò đồi sang trồng các loại cây có giá trị. Tiềm năng mà kinh tế vùng gò đồi mang lại đã giúp các địa phương trên địa bàn huyện mở rộng, phát triển các khu vực trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn như trang trại, gia trại. Một số mô hình đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó, tạo chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị. 
 
Để tạo động lực giúp người dân các địa phương có tiềm năng về đất đai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, huyện Quảng Trạch đã có các chính sách thiết thực trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là sử dụng các nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ cho các xã, hộ gia đình.
 
Hàng năm, UBND huyện đã trích ngân sách 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình, cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, các địa phương vùng gò đồi, như: Quảng Tiến, Quảng Thạch, Quảng Lưu, Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Kim... có điều kiện phát triển các loại cây ăn quả, đa dạng hóa các loài vật nuôi, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. 
 
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết: "Trên cơ sở kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện giai đoạn 2021-2025, phòng đã tham mưu cho UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hưởng ứng, tích cực đầu tư phát triển, cải tạo các vùng gò đồi. Đặc biệt, cần bố trí các khu vực sản xuất tập trung quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ để tạo sự đột phá, nâng cao giá trị kinh tế từ sản xuất trên các vùng gò đồi. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục sử dụng các nguồn vốn hiện có và bằng các nguồn vốn thu hút khác tiếp tục hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân cải tạo vườn tạp và xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp tập trung ở các địa phương có vùng gò đồi, tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của huyện trong thời gian tới".
 
                                                                                                                                          Đ.N