Cánh đồng lớn gắn với chuỗi liên kết sản xuất: Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

  • 07:54 | Chủ Nhật, 28/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với những ưu thế, như: thuận lợi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và ổn định đầu ra cho nông sản, mô hình cánh đồng lớn (CĐL) đang được các địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện. Nhờ xây dựng mô hình CĐL gắn với chuỗi liên kết sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh từng bước được nâng cao giá trị.
 
Giảm chi phí, tăng năng suất
 
Về xã An Thủy (Lệ Thủy) hôm nay, có thể thấy rõ bức tranh về một nền nông nghiệp mới theo xu hướng hiện đại hóa. Khắp các cánh đồng của xã, thay vì những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, chằng chịt bờ thửa như trước đây là hình ảnh những thửa ruộng “thẳng cánh cò bay”. Những con đường giao thông nội đồng lầy lội mỗi khi mưa gió đã được nâng cấp, các loại máy móc phục vụ nông nghiệp vào đến tận bờ ruộng.
 
Ông Ngô Mậu Lợi, thôn Mỹ Lộc Hạ, xã An Thủy chia sẻ: “Nhà tôi làm gần 2ha lúa, trước kia khi chưa xây dựng CĐL, thửa ruộng nhà tôi và các hộ khác bờ ruộng rất to, cỏ mọc um tùm, vận chuyển lúc thu hoạch rất khó khăn. Nhưng từ khi có CĐL, chúng tôi phấn khởi lắm, chăm bón thuận tiện hơn nhiều, phân bón có thể chở đến tận đầu bờ, chỉ việc vác xuống ruộng bón, gặt bằng máy cũng chỉ mất khoảng một tiếng là xong. Chi phí canh tác thì giảm, mà năng suất lúa lại cao hơn”. 
Cánh đồng lớn gắn với chuỗi liên kết sản xuất xã An Thủy (Lệ Thủy).
Cánh đồng lớn gắn với chuỗi liên kết sản xuất xã An Thủy (Lệ Thủy).
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh (SXKD) Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Lộc Hạ là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện CĐL gắn với chuỗi liên kết sản xuất ở huyện Lệ Thủy. Vụ đông-xuân 2019-2020, HTX liên kết với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (trực thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình) và Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh sản xuất hơn 200ha lúa.
 
Theo ông Bùi Văn Phúc, Giám đốc HTX Mỹ Lộc Hạ, mô hình CĐL giúp bà con nông dân giảm chi phí trong sản xuất. Khi quy hoạch thành vùng tập trung, các hộ dân đều gieo cùng một loại giống nên hạn chế được sâu bệnh. Người dân luôn tuân thủ sự quản lý điều hành và lịch chăm sóc của HTX, như: sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước tưới vào ruộng. Tất cả đều đồng loạt nên rất thuận tiện. Vụ đông-xuân năm ngoái, hầu hết các hộ dân trong HTX đều được mùa, năng suất cao 7-7,5 tấn/ha.
 
Vụ đông-xuân năm nay, HTX tiếp tục liên kết với Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh và Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình thực hiện mô hình CĐL gắn với chuỗi liên kết sản xuất trên 258ha. Các giống lúa chủ lực là: Lai Nhị Ưu 0838, P6, IR13/2...
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Lệ Thủy cho biết, năm 2021, Lệ Thủy thực hiện mô hình CĐL gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích trên 3.400ha lúa tại các xã: An Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, Xuân Thủy… Điểm khác biệt của mô hình CĐL so với các mô hình sản xuất lúa trước đây là ngoài việc đổi mới kỹ thuật trong gieo trồng, người dân còn ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản và gắn với bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh những hiệu quả kinh tế, CĐL được đánh giá là mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả xã hội và môi trường cao; từng bước hiện thực hóa sự liên kết 4 nhà “Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp”.
 
Đầu ra ổn định
 
Chỉ tay về phía cánh đồng ngô rộng lớn thôn Hòa Trạch, xã Nam Trạch (Bố Trạch), chị Ngô Thị Bích hồ hởi chia sẻ: “Tham gia mô hình CĐL gắn với liên kết chuỗi sản xuất, gần 1,5ha ngô sinh khối của gia đình tôi đều được các doanh nghiệp thu mua, không còn phải lo được mùa mất giá. Năm vừa rồi, tôi bán hơn 130 tấn ngô, thu về hơn 120 triệu đồng”.
 
Không chỉ đứng ra liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn, UBND xã Nam Trạch còn đứng ra liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân các xã lân cận.
 
Ông Đoàn Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho biết: “Năm 2021, xã Nam Trạch liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hơn 120ha ngô và 447ha sắn cho người dân. Nhờ có sự liên kết bao tiêu sản phẩm nên bà con yên tâm đầu tư vào sản xuất vì đầu ra luôn ổn định, không còn tình trạng bị thương lái ép giá như trước đây. CĐL gắn với chuỗi liên kết sản xuất sẽ là hướng phát triển bền vững mà người dân và chính quyền xã Nam Trạch hướng tới”. 
Cán bộ nông nghiệp huyện Bố Trạch hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích ngô nằm trong mô hình cánh đồng lớn gắn với chuỗi liên kết sản xuất.
Cán bộ nông nghiệp huyện Bố Trạch hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích ngô nằm trong mô hình cánh đồng lớn gắn với chuỗi liên kết sản xuất.
Năm 2020, các địa phương trên toàn tỉnh thực hiện mô hình CĐL gắn với chuỗi liên kết sản xuất trên 7.348ha. Cụ thể: 3.624ha cây sắn (Bố Trạch) liên kết với Công ty CP FOCOSEV; 3.436ha lúa (Lệ Thủy 3.346ha, Quảng Ninh 60ha, Bố Trạch 30ha) thực hiện ở 14 cánh đồng với sự tham gia của 7 doanh nghiệp cam kết tiêu thụ sản phẩm; 165ha lạc (Bố Trạch) liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty CP chế biến nông sản Tamico; 45ha ngô (Bố Trạch) liên kết với Công ty TNHH Lê Dũng Linh; 40ha sả (Quảng Ninh) liên kết với Công ty TNHH Lộc Việt; 30ha dưa hấu (Quảng Ninh) với sự tham gia của HTX Hàm Hòa xã Hàm Ninh; 8ha khoai lang (Quảng Ninh) liên kết với Công ty Gia Hưng. Sản lượng, diện tích CĐL được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết bao tiêu đạt 90%, lợi nhuận tăng 16-20% so với diện tích không thực hiện CĐL.
 
Ông Cao Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh chia sẻ: “Tham gia mô hình CĐL gắn với chuỗi liên kết sản xuất, công ty sẽ đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu mua sản phẩm cho người dân với giá tối thiểu bằng giá thị trường. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân, công ty sẽ thu mua lúa tươi ngay trên cánh đồng”.
 
Theo ông Nguyễn Hương Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, mô hình CĐL gắn với chuỗi liên kết sản xuất ngày càng phát huy hiệu quả và được nhiều địa phương nhân rộng.
 
Để tiếp tục thúc đẩy hình thành, phát triển các CĐL gắn với chuỗi liên kết sản xuất, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
 
Tại các CĐL, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xác định sản phẩm trồng trọt có lợi thế trên thị trường để định hướng phát triển sản xuất một cách hợp lý theo nhu cầu, chú trọng phát triển các loại cây trồng sản xuất có hợp đồng để tránh tình trạng sản xuất dư thừa, gây thiệt hại cho người sản xuất; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu linh hoạt trên đất trồng lúa, hướng tới giống lúa cho năng suất cao…
 
                                                                                                           Lan Chi