Bố Trạch: Nâng tầm sản phẩm OCOP

  • 08:27 | Chủ Nhật, 07/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, Bố Trạch còn chứa đựng nhiều tiềm năng, lợi  thế trong phát triển nông sản, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và xây dựng các đặc sản chất lượng cao. Để các sản phẩm OCOP bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường, Bố Trạch tiếp tục đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, nâng tầm chất lượng “mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn toàn huyện.
 
Tạo dựng thương hiệu từ nông sản
 
Trên hành trình phát triển kinh tế bền vững, huyện Bố Trạch tạo bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành. Đặc biệt, huyện xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp và đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết, trong năm 2020, huyện Bố Trạch có thêm 12 sản phẩm được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh (OCOP 3 sao) thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Qua đó, nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh trên địa bàn huyện Bố Trạch lên 19 sản phẩm. Đây là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh.
 
Nhiều nông sản trên địa bàn đã tạo được thương hiệu, như: cao cà gai leo Thanh Bình (HTX sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm), trà túi lọc cà gai leo HNT (Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Quảng Bình), hạt tiêu Phú Quý (HTX Nông nghiệp Phú Quý), các loại nấm (HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh)... Bên cạnh đó, một số sản phẩm mới dần làm quen và bước đầu tạo uy tín, như: tinh dầu sả Như Oanh (Nam Trạch), miến gạo sâm Bố Chính (Mỹ Trạch), muối Kosal (Vạn Trạch), nước mắm chay Tuấn Linh...
 
Thông qua các hội chợ trên địa bàn, các sản phẩm OCOP của Bố Trạch đã được trưng bày giới thiệu, người dân địa phương và một số người dân vùng lân cận tin dùng, đánh giá cao về cả mẫu mã và chất lượng.
Dây chuyền đóng gói các sản phẩm trà tại HTX Tuấn Linh.
Dây chuyền đóng gói các sản phẩm trà tại HTX Tuấn Linh.
Đi vào hoạt động được 6  năm, HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (HTX Tuấn Linh) ở xã Sơn Lộc đã thành công trong việc ứng dựng tiến bộ kỹ thuật để trồng các loại nấm và sản xuất sản phẩm từ nấm theo chuỗi.
 
Bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc điều hành HTX cho biết: “Chúng tôi thực hiện dự án phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu giữa HTX với các hộ dân, tổ hợp tác trồng nấm trong tỉnh. Qua đó, tạo việc làm cho hơn 400 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng người/tháng. Hiện nay, ngoài các sản phẩm chế biến từ nấm, như: nấm mộc nhĩ khô, nấm sò khô, nấm hoàng đế, rượu nấm linh chi, HTX đã sản xuất trà xanh và cả nước mắm chay... HTX đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nấm thương phẩm và sản phẩm chế biến từ nấm với hệ thống siêu thị Co.opmart các tỉnh miền Trung, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, một số sản phẩm của HTX đã xuất khẩu sang các nước, như: Thái Lan, Nga...”.
 
Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của nông nghiệp Bố Trạch đạt 3,6%/năm. Tính riêng trong năm 2020, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt 2.310 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2015. Có hàng nghìn lao động được giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập trung bình của người dân Bố Trạch năm 2020 lên 48,1 triệu đồng (tăng 4,5 triệu đồng so với năm 2019).
 
Phát triển “mỗi xã một sản phẩm” gắn với du lịch
 
Một trong những kết quả quan trọng nhất của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Bố Trạch là huyện đã hoạch định nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Bố Trạch đã phát huy tối đa lợi thế du lịch của Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trong quá trình xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm OCOP.
 
Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng Bố Trạch đã nỗ lực thực hiện một số chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm gắn với phát triển du lịch tại Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. Qua đó, nhiều đặc sản nổi tiếng, đạt chất lượng cao với đa dạng các dịch vụ kèm theo đến tay người tiêu dùng, tạo ấn tượng khó quên với du khách khi đến tham quan miền di sản.
 
Với động lực đó, trong giai đoạn 2021-2025, Bố Trạch phấn đấu có ít nhất 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tập trung vào 5 nhóm sản phẩm, trên cơ sở nâng cấp các nhóm sản phẩm đã có và các sản phẩm có tiềm năng của các địa phương. Ngoài nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí, Bố Trạch ưu tiên phát triển nhóm dịch vụ du lịch nông thôn gồm: farmstay, homestay tại địa bàn các xã: Hưng Trạch, Phúc Trạch, Cự Nẫm và thị trấn Phong Nha…
 
Nâng tầm sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên ngày càng phát triển, được người tiêu dùng lựa chọn, nhất là đối với du khách bốn phương, Bố Trạch sẽ đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, huyện tích cực hỗ trợ, khuyến khích đầu tư công nghệ để nâng tầm sản phẩm đạt được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa cũng như vươn ra các thị trường nước ngoài. 
Cơ sở sản xuất tinh dầu sả Như Oanh đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất theo dây chuyền công nghệ.
Cơ sở sản xuất tinh dầu sả Như Oanh đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất theo dây chuyền công nghệ.
“Trước mắt, huyện hỗ trợ cho các cơ sản xuất có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, mức hỗ trợ từ 5 đến 15 triệu đồng/sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng đối với các cơ sở kinh doanh (như: siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi...), có diện tích kinh doanh từ 70m2 trở lên. Bố Trạch cũng khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng Trung tâm OCOP để phục vụ tiêu thụ các sản phẩm...”, ông Nguyễn Cẩm Long trao đổi thêm.
 
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn huyện đã trăn trở, nỗ lực đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất theo dây chuyền công nghệ, cho ra đời những sản phẩm tinh túy hơn, bảo đảm các yêu cầu khắt khe của vệ sinh an toàn thực phẩm, có thời gian bảo quản được lâu hơn.
 
Ông Hoàng Duy Hải, Giám đốc Chi nhánh Quảng Bình (Công ty TNHH Bio Korea Việt Nam), cho rằng, sản phẩm muối Kosal (sản xuất tại xã Vạn Trạch) hiện đang được thị trường Hàn Quốc tin dùng vì có chất lượng cao, nhưng nếu đầu tư công nghệ để sản xuất dây chuyền đóng gói thành phẩm các loại muối (muối chanh, muối tiêu...), sản phẩm sẽ có giá trị thiết thực hơn trong cuộc sống. Khoản đầu tư dây chuyền này tương đối lớn đối với ông cũng như cơ sở sản xuất, tuy vậy, thời gian tới, ông và các cộng sự sẽ cố gắng nhằm tinh chế đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng tốt hơn để người tiêu dùng trên các địa bàn ưu tiên lựa chọn. Qua đó, khẳng định nhiều sản phẩm OCOP trên quê hương Bố Trạch bảo đảm tốt các tiêu chuẩn quốc tế.
 
Hương Trà