Quảng Trạch: Khôi phục nhanh các mô hình sản xuất VietGAP

  • 08:49 | Chủ Nhật, 06/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10 năm 2020, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Quảng Trạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại cho người dân, trong đó có các mô hình sản xuất rau, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi nước lũ rút đi, người dân đã bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất để sớm có sản phẩm đưa ra thị trường.
 
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết, hầu hết các trang trại trên địa bàn huyện đều chịu thiệt hại do lũ lụt gây ra. Đặc thù của các vùng sản xuất rau quả là thường nằm ở vùng thấp trũng, dễ bị ngập lụt, vì thế khi mưa lũ sản phẩm của bà con bị hư hại gần hết, rất khó khăn để khôi phục lại các diện tích rau quả sau lũ, để vừa bảo đảm cung cấp cho bữa ăn mỗi gia đình, vừa xuất bán ra thị trường.
 
Trước thực trạng trên, sau khi rà soát, nắm bắt tình hình, nhu cầu của người dân, ngay sau lũ lụt, huyện Quảng Trạch đã gấp rút trích ngân sách gần 100 triệu đồng mua hạt giống rau màu cấp phát về tận các thôn, xã để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Tiếp đó, huyện tiếp nhận 1,1 tấn giống rau các loại từ các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ và cũng đã cấp ngay về cho người dân đưa vào sản xuất. Các mô hình sản xuất rau, quả trên địa bàn cũng bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất với các sản phẩm chủ lực của mình.
 Giống dưa leo Israel được trồng trong nhà màng ở HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan.
Giống dưa leo Israel được trồng trong nhà màng ở HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan.
Cùng với kỹ sư Phạm Tất Cường, cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch, chúng tôi đến thăm HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan, có diện tích hơn 5ha ở thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng trong lúc cơ sở này đang tập trung nhân lực khôi phục diện tích rau quả bị hư hại sau lũ; đồng thời, mở rộng thêm các diện tích trồng hoa phục vụ thị trường Tết.
 
Chủ cơ sở, ông Võ Trung Tuấn cho biết, 3 năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu thị trường và nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia đình ông đã đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiêu chuẩn VietGAP, trồng các loại cây, như: mướp đắng, dưa leo, các loại rau… và đặc biệt là trồng dưa vàng, dưa lưới trong khu nhà màng diện tích 1.200m2. Bên ngoài khu nhà màng là diện tích trồng hoa và các loại cây ăn quả đã cho thu nhập, đào ao thả cá. Doanh thu của mô hình sản xuất này đạt 1,2 tỷ đồng/năm, bảo đảm việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Khi vào vụ sản xuất, cơ sở thường sử dụng thêm 4-5 lao động mùa vụ.
 Ông Võ Trung Tuấn bên vườn dưa lưới đã được khôi phục sau lũ.
Ông Võ Trung Tuấn bên vườn dưa lưới đã được khôi phục sau lũ.
Ông Võ Trung Tuấn cho biết: "Năm nay lũ lụt, cơ sở mất trắng 1 vụ dưa lưới, trôi ao cá, ngập thối hoa, rau màu, hư hỏng nhà màng, thiệt hại gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nước rút là chúng tôi khắc phục khó khăn, đầu tư giống để khôi phục sản xuất ngay, kịp thời có sản phẩm cung cấp cho thị trường, nhất là vụ Tết sắp tới". Ngoài diện tích dưa lưới, ông Tuấn trồng giống dưa leo (dưa chuột) Israel, hơn 700 chậu hoa cúc cùng nhiều loại hoa khác, chăm sóc 500 gốc ổi dự kiến mang lại nguồn thu nhập khá trong vụ Tết bằng hình thức vừa bán sản phẩm vừa kết hợp thu hút khách hàng tham quan, du lịch sinh thái. 
 
Theo ông Tuấn, cơ sở đang chuẩn bị đầu tư thêm 1 nhà màng diện tích 1.000m2 để trồng các loại rau quả sạch, trong đó, chủ lực vẫn là dưa lưới, vì đây là sản phẩm có đầu ra và giá bán khá ổn định, làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và chủ yếu bán ra thị trường các tỉnh phía Bắc...
 
Chia tay ông chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch năng động Võ Trung Tuấn,  chúng tôi ngược đường ngang qua trung tâm huyện lỵ mới Quảng Trạch để về thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương, nơi cũng có một cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch bị thiệt hại khá nặng trong đợt lũ lụt lịch sử.
 
Ông Nguyễn Đình Thế, chủ cơ sở nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phương về hưu và rất hào hứng với mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn VietGAP. Được sự hỗ trợ sau đầu tư của các ngành chức năng, ông Thế xây dựng khu nhà màng 850m2 để trồng dưa lưới, dưa vàng và rau màu các loại. Đây là vụ đầu tiê ông trồng rau quả trong nhà màng, mới thu hoạch sản phẩm được tầm 20 triệu đồng thì lũ lụt ào về, cây ngập sâu và ngâm trong nước…
Nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn huyện Quảng Trạch đang trồng hoa vụ Tết.
Nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn huyện Quảng Trạch đang trồng hoa vụ Tết.
Ông Thế tâm sự: “Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên mô hình đưa vào sản xuất hơi chậm, không thì đã lách được trận lụt này và gia đình tôi đã có khoảng 60 triệu đồng thu từ dưa lưới, dưa vàng; đó là chưa kể đến 400m2 các loại rau màu đang phát triển xanh tốt cũng sẽ cho thu hoạch, 200 con gà thịt, trọng lượng từ 1,5-2kg/con…, vậy mà rốt cuộc trôi hết theo lũ và ảnh hưởng của cơ bão số 13”.
 
Cũng như các mô hình sản xuất rau quả khác trên địa bàn, gia đình ông Thế đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, tập trung trồng lại vườn dưa lưới và diện tích rau sạch. Đón đầu vụ Tết, ông Thế còn trồng thêm 3.000 gốc hoa cúc, bởi năm ngoái cũng vào vụ Tết, với 1.500 gốc hoa cúc đưa ra thị trường, gia đình ông đã có một khoản kha khá sắm sửa. Các loại giống chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, ông Thế đã sớm lo đủ, với quyết tâm phủ lên một màu xanh rau, quả cho cả khu nhà màng.
 
Kỹ sư Phạm Tất Cường cho biết, hiện tại, toàn huyện Quảng Trạch có 5 mô hình nhà màng sản xuất rau, quả sạch tiêu chuẩn VietGAP được Nhà nước hỗ trợ một phần sau đầu tư, bao gồm chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống vụ đầu và lắp đặt nhà màng. Các mô hình đang từng bước phát huy hiệu quả, sản phẩm làm ra được thị trường tiêu thụ mạnh, đưa lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Thành công của các mô hình này sẽ mở ra một hướng đi mới, vững chắc cho người nông dân trên địa bàn.
 
A.T