Tạo sinh kế với măng khô Mã Liềng

  • 08:55 | Thứ Ba, 24/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) cùng với Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình đã hỗ trợ tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa thu mua, chế biến sản phẩm măng khô xuất bán ra thị trường.
 
Thời gian qua, rừng tự nhiên ở xã Lâm Hóa đã được giao cho cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ, trong rừng ngoài đa dạng cây rừng còn có rất nhiều nứa, tre tự nhiên, đây là nguồn măng phong phú dồi dào và ổn định.
 
Mùa mưa thường là mùa măng rừng sinh sôi, nảy nở, thời gian này, đồng bào Mã Liềng tại các bản Kè, Chuối, Cáo (xã Lâm Hóa) thường đi hái măng rừngvề ăn, phơi khô hoặc bán cho thương lái để tăng thu nhập. Tuy nhiên, các hộ dân trong bản vất vả đi gùi măng về chỉ bán lại cho thương lái với giá rẻ, đầu ra không ổn định, chưa biết cách sấy măng để mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Sản phẩm măng khô Mã Liềng đã được khẳng định chất lượng và mẫu mã.
Sản phẩm măng khô Mã Liềng đã được khẳng định chất lượng và mẫu mã.
Trước thực trạng đó, CIRD đã hỗ trợ người dân hệ thống nhà sấy chạy bằng điện và năng lượng mặt trời; xây dựng nhà xưởng sơ chế măng tươi; đồng thời, tập huấn cho tổ hợp tác cách vận hành sấy măng để tạo ra sản phẩm măng khô bán ra thị trường tiêu dùng.
 
Sau khi được hỗ trợ hệ thống cơ sở vật chất để sản xuất măng khô, tháng 11-2019, UBND xã Lâm Hóa cũng đã chỉ đạo người dân thành lập tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng gồm 40 thành viên, chia thành hai nhóm, gồm: nhóm khai thác và nhóm sơ chế, chế biến sản phẩm; trong đó, nhóm sơ chế và chế biến có 5 thành viên. Măng tươi sau khi được thu mua từ các hộ dân trong tổ hợp tác và người dân trong, ngoài bản, tổ hợp tác sẽ tiến hành phân loại, chọn lọc, cắt nhỏ đưa vào lò luộc kỹ, sau đó, măng sẽ được phơi ráo và đưa vào giàn sấy tiệt trùng, đóng gói và xuất bán ra thị trường.
 
Chị Cao Thị Vân, tổ trưởng tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng cho biết, hiện nay, 1kg măng tươi được tổ hợp tác thu mua với giá từ 7-10 nghìn đồng, cao hơn và ổn định hơn so với trước đây bán cho thương lái.Từ khi có lò sấy khô, bà con sáng sớm vào rừng, trưa về là đã có từ 20 đến 30kg măng tươi, không lo đầu ra nên bà con rất vui mừng. Đặc biệt, sản phẩm măng sấy khô được Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây (thị trấn Đồng Lê) cam kết bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Măng khô Mã Liềng”. Mô hình có nhiều triển vọng giúp bà con nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
 
Măng khô Mã Liềng được làm từ những gùi măng rất tươi của bà con mang về và sấy khô trong ngày, được làm thủ công và không dùng hóa chất để ngâm, bảo quản nên bước đầu đã được người tiêu dùng đánh giá cao. Đặc biệt, sản phẩm đã được khẳng định chất lượng và mẫu mã, hiện sản phẩm đang tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2020 và đang tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định trong khu vực. Đây là tín hiệu vui để tổ hợp tác tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp ra thị trường sản phẩm măng khô an toàn, chất lượng. 
   Măng khô Mã Liềng được làm thủ công và không dùng hóa chất để ngâm, bảo quản
Măng khô Mã Liềng được làm thủ công và không dùng hóa chất để ngâm, bảo quản
Theo ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa, nhờ cây măng, đời sống của các hộ dân đồng bào Mã Liềng ngày càng ổn định. Tuy nhiên, mô hình vẫn còn nhiều hạn chế. Do công suất sấy vẫn còn thấp (300kg/ngày) nên chỉ mới ưu tiên thu mua cho các thành viên tổ hợp tác chứ chưa mở rộng ra cho người dân toàn xã.
 
Trong quá trình khai thác, người dân vẫn theo phương thức truyền thống, tự nhiên mà chưa có biện pháp tích cực để chăm sóc, trả lại dinh dưỡng cho rừng, giữ lại một số măng để phát triển thành tre giữ khóm lâu dài. Vì vậy, chính quyền địa phương cũng mong muốn cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật khai thác, chăm sóc, nhân giống, mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, góp phần phát triển bền vững nghề sản xuất măng khô của địa phương.
 
Thành công của mô hình đã giúp người dân Mã Liềng tiếp cận khoa học kỹ thuật, làm quen với chuỗi sản xuất từ khâu khai thác đến khâu tiêu thụ, là một giải pháp rất hữu hiệu để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Kỳ vọng mô hình sẽ được duy trì bền vững và nhân rộng.
 
Thanh Hoa
.