Tiếp sức để Minh Hóa thoát nghèo bền vững

  • 14:43 | Thứ Bảy, 12/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã tận dụng tối đa nguồn lực từ Chương trình 30a của Chính phủ, tích cực lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu, thực hiện phong phú các mô hình thoát nghèo bền vững… Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững…
 
“Cú hích” từ Chương trình 30a
 
Ngôi nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của gia đình ông Đinh Hữu Ân nổi bật bên con đường 12A, xã Hóa Phúc. Cách đây 10 năm, gia đình ông Ân thuộc diện hộ nghèo của xã. Từ khi có nguồn vốn hỗ trợ sản suất theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 30a), gia đình ông đã được hỗ trợ mua cây, con giống, mạnh dạn đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi và trồng 10ha rừng kinh tế. Nhờ đó, chỉ sau vài năm, gia đình ông đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu. 
 
Tương tự, trước đây, gia đình chị Cao Thị Hà ở xã Hóa Hợp nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 30a, chị Hà được hỗ trợ cây giống, phân bón để thực hiện mô hình trồng cây thanh long.
 
Trên diện tích đất trước đây trồng lạc, chị Hà đã cải tạo để trồng thanh long. Đến nay, gia đình chị đã có trên 220 trụ thanh long ruột đỏ, trong đó có 120 trụ đã cho thu hoạch từ 3 năm nay. Không chỉ thành công từ trồng trọt, năm 2016, chị Hà mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chuồng trại nuôi lợn bản, đào ao nuôi cá. Chị Hà cho biết, đến nay, gia đình chị đã trả hết nợ ngân hàng và có nguồn thu mỗi năm trên 150 triệu đồng.
 
Không riêng gì gia đình ông Ân, chị Hà, thời gia qua hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Minh Hóa đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ từ Chương trình 30a để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Theo UBND huyện Minh Hóa, huyện đã phân bổ vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số tiền là 53.632,5 triệu đồng để thực hiện 248 dự án với 15.954 hộ hưởng lợi.
 
Ngoài hỗ trợ giống cây, con chất lượng cao, huyện Minh Hóa còn hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp nhân dân phát triển sản xuất nhằm tiến tới thoát nghèo.
Tiếp sức để người dân Minh Hóa thoát nghèo bền vững - 30a:Từ nguồn vốn của Chương trình 30a, nhiều người dân Minh Hóa phát triển trồng rừng kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Tiếp sức để người dân Minh Hóa thoát nghèo bền vững - 30a:Từ nguồn vốn của Chương trình 30a, nhiều người dân Minh Hóa phát triển trồng rừng kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Cùng với đó, nhiều công trình thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, bảo đảm phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Đến nay, tất cả các xã ở Minh Hóa đã có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học, nhà sinh hoạt cộng đồng và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện (trong đó có một số xã sử dụng điện năng lượng mặt trời do điện lưới chưa kéo đến). Đặc biệt, hàng nghìn hộ nghèo đã được hỗ trợ làm nhà ở, khám chữa bệnh miễn phí…
 
Có thể nói, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ý thức tự vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của huyện Minh Hóa đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Nếu như cuối năm 2015 toàn huyện có 5.579 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 44,17% thì đến cuối năm 2019 đã giảm còn 2.507 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 18,34%; bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm là 5,16%, đạt chỉ tiêu so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Đặc biệt, trong năm 2019, toàn huyện có 25 hộ tự làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đây được xem là hành động đẹp cho thấy sự thay đổi về nhận thức tự vươn lên, rũ bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Minh Hóa…
 
Khơi dậy thế mạnh của địa phương
 
Theo ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, thời gian qua, nhờ nguồn vốn từ Chương trình 30a, những tiềm năng, thế mạnh của địa phương bước đầu đã được khơi dậy, không chỉ giúp huyện đạt được nhiều kết quả trong công tác xóa đói giảm nghèo mà còn là tiền đề vững chắc để Minh Hóa vươn lên phát triển bền vững.
 
Để thực hiện Chương trình 30a, huyện Minh Hóa xây dựng và tập trung phát triển 2 chương trình kinh tế trọng điểm của huyện là chăn nuôi và trồng rừng kinh tế. Đây cũng là 2 thế mạnh của địa phương cần được khơi mở. Theo đó, từ nguồn vốn Chương trình 30a và các nguồn vốn khác, huyện Minh Hóa đã hỗ trợ người dân đầu tư mua các giống vật nuôi chất lượng, có giá trị kinh tế cao, như: bò lai Sind, lợn ngoại.
 
Với lợi thế là một huyện có nhiều diện tích rừng, nguồn hoa rừng tự nhiên phong phú, Minh Hóa đang khuyến khích và hỗ trợ người dân mua con giống chất lượng cao để đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật để giảm nghèo.
 
Ngoài chăn nuôi, trồng rừng kinh tế đang là một thế mạnh và hướng đi đúng mang lại nguồn thu nhập cao, giảm nghèo bền vững cho người dân Minh Hóa. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, huyện khuyến khích người dân trồng các giống cây lâm nghiệp có tính chống chịu gió bão cao. Hiện nay, huyện Minh Hóa đang tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng theo tiêu chí của Hội đồng quản trị rừng thế giới (chứng chỉ FSC). Chỉ tính riêng 2019, UBND huyện Minh Hóa phê duyệt gần 4,5 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân mua giống trồng rừng.
 
Ngoài việc đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn với giống cây keo lai cấy mô, huyện chú trọng khuyến khích nhân dân trồng rừng bằng cây bản địa, cây hỗn loài có giá trị cao; trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm để hình thành các gia trại và trang trại, từ đó góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng…
 
Cùng với đó, huyện Minh Hóa cũng thực hiện tốt việc hỗ trợ giao khoán, khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Từ năm 2009 đến 2019, UBND huyện Minh Hóa đã phân bổ tổng số tiền 45.699,7 triệu đồng để thực hiện. Việc giao khoán, khoanh nuôi và bảo vệ rừng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát triển rừng, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhận thức, trách nhiệm cũng như năng lực của các xã và người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng cao; giảm thiểu đáng kể tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, hạn chế việc xâm lấn đất rừng…
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Thời gian tới, huyện Minh Hóa tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số hạng mục của Chương trình 30a và Chương trình 135; lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình, dự án khác để hỗ trợ tốt người dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
 
Trong đó, huyện chú trọng hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của địa phương; các mô hình liên kết mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện. Đồng thời, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong việc chung tay thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, quyết tâm đưa Minh Hóa vươn lên phát triển bền vững”.
 
Phan Phương