Xã Phú Định: Lối mở sau thời "hoàng kim" cao su

  • 09:00 | Thứ Bảy, 06/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xã Phú Định, huyện Bố Trạch từng được mệnh danh là “thủ phủ” của cây cao su với thu nhập của mỗi hộ dân có ngày lên đến vài triệu đồng. Nhưng bỗng chốc, thứ “vàng trắng” mang lại ấm no cho người dân vùng gò đồi này lại bị quật đổ bởi thiên tai, khiến cho đời sống của họ điêu đứng. Nay, trên vùng gò đồi gãy đổ ngày nào ấy, những cây trồng mới đã dần được thay thế và người dân bắt đầu thu được những “quả ngọt”…
 
Những triệu phú vùng đồi…
 
Vùng gò đồi Lòi Nghè ở thôn Tân Định, xã Phú Định đã được gia đình anh Nguyễn Thông Minh (SN 1986) khai hoang từ nhiều năm qua. 7ha cây cao su mà gia đình anh vun xới, chăm sóc chưa được hưởng thành quả bao lâu thì bỗng chốc, cơn bão năm 2013 đã cướp đi hơn một nửa diện tích (4ha-PV).
 
“Ngày ấy, cả gia đình tôi như kiệt quệ. Cuộc sống của gia đình chủ yếu nhờ vào cây cao su, nay, đổ xuống sông, xuống biển. Nhưng trong giai đoạn khó khăn ấy, gia đình tôi đã chuyển hướng cây trồng phù hợp cho vùng gò đồi này. Các anh nhìn xem, từ 4ha cao su gãy đổ ngày xưa, bây giờ đã thay thế bằng cây sắn, cam, dưa hấu lên xanh tốt và cho thu nhập đáng kể”, anh Minh chia sẻ.
 
Theo anh Minh, gia đình anh đã tận dụng lợi thế vùng gò đồi để đưa vào trồng những giống cây phù hợp. Trên tổng diện tích hơn 20ha đất gò đồi của mình, gia đình anh đã trồng hơn 14ha sắn, trồng gần 10 ha cao su. Thu nhập của gia đình khoảng 400 triệu đồng/năm.
 
“Mới đây, tôi đã phải nhổ bỏ 1ha sắn sắp đến kỳ thu hoạch có giá hơn 30 triệu đồng để lấy diện tích trồng cây cam. Đây là quyết định táo bạo của tôi, vì tôi nghĩ mình cần phải thay thế những cây trồng mới trên đất vùng đồi Lòi Nghèn này. Giống cam này cùng với hệ thống phun tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật được Sở Nông nghiệp-PTNT hỗ trợ, hy vọng vài năm nữa sẽ có những quả ngọt đầu tiên”, anh Minh hào sảng nói.   
 Cây hồ tiêu mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân Lê Quang Lợi.
Cây hồ tiêu mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân Lê Quang Lợi.
Khác với anh Nguyễn Thông Minh, ông Lê Quang Lợi (SN 1957) ở thôn Tân Định, từng cùng gia đình lập nghiệp tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1994, ông cùng gia đình khăn gói trở về quê hương Phú Định để phát triển kinh tế gia đình. Hai năm sau, ông nhận hơn 2ha đất của dự án 327 để trồng cao su-một loại cây trồng chủ lực của vùng gò đồi Phú Định và cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Nhưng thời gian gặt hái thành quả lao động chưa được bao lâu thì vườn cao su bị quật đổ trong cơn bão năm 2013, cả gia đình trắng tay và bắt đầu lại từ con số không tròn trĩnh.
 
Theo chia sẻ của ông Lợi, khi thứ “vàng trắng” không giữ mãi thế độc canh, thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa cây được gia đình lựa chọn và chú trọng. Đến nay, trên tổng diện tích đất gò đồi rộng hơn 2ha, ông đã phát triển được hơn 1.200 gốc tiêu, 700 gốc na dai, vải thiều 1ha và trồng các loại nông sản theo từng mùa vụ, như: sắn, dưa hấu…Thu nhập của gia đình cũng hơn 1 trăm triệu/năm.
 
“Phương châm của tôi là lấy ngắn nuôi dài và không để tấc đất nào bỏ hoang. Trước đây, gia đình chỉ tập trung vào những cây trồng chủ lực của địa phương, như: tiêu, cao su, sắn…Nhưng, bây giờ, gia đình đã đưa nhiều loại cây trồng mới, như: na dai, dưa hấu, vải thiều, một số loại cây ăn quả để tạo ra những giống cây trồng mới và tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình”, ông Lợi cho biết.
 
Cần những định hướng lớn cho vùng gò đồi…
 
Vùng gò đồi Phú Định hiện có tiềm năng rất lớn, đến nay, tại địa phương đã có hàng trăm hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế gò đồi cho thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế gò đồi tại Phú Định cần có những định hướng lớn và dài hơi hơn nữa.
 
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định cho biết rằng, trước năm 2013, Phú Định được mệnh danh là “thủ phủ” của cây cao su ở vùng phía Tây của huyện Bố Trạch với thu nhập của mỗi hộ dân từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/hộ/ngày từ cây cao su. Nhưng, do ảnh hưởng của thiên tai, từ 1.100ha cao su ngày ấy, đến nay, địa phương chỉ còn lại khoảng 300-400ha cao su.
 
Cũng theo ông Hội, những năm qua, cùng với toàn huyện, xã Phú Định đã tích cực thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng phù hợp trên vùng gò đồi. Ngoài các cây trồng chủ lực của vùng đồi, như: cao su, hồ tiêu, cây ăn quả…, địa phương đã tích cực chuyển đổi được gần 560ha sắn, 112ha dưa hấu, 22ha cây ớt… Việc tập trung chuyển đổi cây trồng, tăng năng suất, sản lượng cây trồng đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
 
“Nói thật với các anh, thế mạnh của vùng gò đồi Phú Định là cây cao su, nhưng bây giờ người dân không mặn mà trồng vì lo sợ thiên tai, hơn nữa, giá cả cao su lại bấp bênh nên hiện nay, thu nhập từ cây cao su cũng chỉ lấy công làm lãi mà thôi. Địa phương thì đang loay hoay tìm những cây trồng mới phù hợp với vùng gò đồi để đem lại thu nhập cho người dân nhưng lại vướng rất nhiều khó khăn…”, ông Hội chia sẻ.
 
Theo lý giải của ông Hội, thực tế khó khăn về phát triển kinh tế vùng gò đồi của Phú Định vẫn là định hướng cây trồng cho phù hợp, chứ địa phương không thể đưa một hay nhiều loại cây vào trồng đại trà trên vùng đồi rồi khiến cho bà con nông dân “dở khóc, dở cười” vì tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
 
Hơn nữa, địa phương rất cần tỉnh, huyện hỗ trợ, định hướng các chính sách lớn về cây trồng, đặc biệt là xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng cho vùng gò đồi, như: chú trọng các cây trồng dược liệu, xây dựng các nhà máy để bao tiêu, chế biến sản phẩm cho bà con. Đặc biệt, tỉnh, huyện cần có chính sách hỗ trợ vốn vay, lãi suất cho người dân để họ có cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất…
 
“Tiềm năng kinh tế vùng gò đồi ở Phú Định đã được đánh thức và đang vươn mình mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để vùng gò đồi thực sự mang lại “quả ngọt” cho người dân thì rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, đặc biệt là các chính sách lớn, chiến lược về cây trồng để nâng cao giá trị thu nhập từ nông nghiệp cho người dân địa phương…”, ông Hội cho biết.
 
Ngọc Hải