Minh Hóa: Chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

  • 11:00 | Thứ Ba, 12/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, những năm qua, huyện Minh Hóa đã chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.
 
Theo đó, đối với công tác giống, huyện Minh Hóa đã tiến hành khảo nghiệm, chọn lựa, đưa vào sản xuất nhiều giống lúa, ngô, cây ăn quả, rau màu, hoa mới theo công nghệ sinh học, như: lúa lai (Hương Việt 3, lúa lai KH336, ADI28, Thái xuyên 111, Hà Phát...); ngô lai (PAC339, CP511, NK6410, NK6101...); ổi lê Đài loan, bưởi da xanh, mít Thái.
 
Đồng thời, huyện mạnh dạn sử dụng các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, như: NPV, V-BT, chế phẩm vi khuẩn huỳnh quang, thuốc trừ sâu sinh học Dylan 10 EC, tinh dầu Neemnin..., để phòng trừ các loại sâu, bệnh hại cho cây lúa, rau, lạc...; chế phẩm bả diệt chuột sinh học, Biorat được sử dụng để diệt chuột bảo vệ sản xuất; sử dụng phân bón vi sinh trong canh tác lúa, hoa màu nhằm giảm lượng phân bón vô cơ, giảm ô nhiễm môi trường.
 
Trong chăn nuôi, một số mô hình đã thử nghiệm giống mới thành công, như: bò lai Sind, lợn ngoại, dúi, lợn rừng lai và hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo, mô hình trồng ngô thức ăn gia súc, cỏ voi… 
Mô hình trồng cây ăn quả tại thị trấn Quy Đạt phát huy hiệu quả.
Mô hình trồng cây ăn quả tại thị trấn Quy Đạt phát huy hiệu quả.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nuôi cá lồng trên các lòng hồ đập được triển khai rộng rãi, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Các mô hình nuôi cá diêu hồng, cua đồng, cá lóc đầu nhím, cá rô phi đơn tính kết hợp nuôi trong ruộng lúa cũng phát huy hiệu quả.
 
Một số mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thu gom chế biến và sử dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, như: ủ xanh thức ăn, xử lý rơm rạ bằng urê... Qua đó, người nông dân sớm tiếp cận với công nghệ sinh học, con giống mới, những mô hình tiến bộ để áp dụng và nhân rộng.
 
Việc triển khai ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời, góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ lạc hậu, thủ công thay đổi dần bằng tập quán canh tác hiện đại, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
 
Thùy Linh
Đài TT-TH Minh Hóa