Nông thôn mới - 10 năm nhìn lại

  • 11:33 | Chủ Nhật, 10/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 10 năm thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” (NTM), diện mạo nông thôn Quảng Bình đã có những đổi thay ấn tượng. Cùng với đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, sau những bỡ ngỡ ban đầu, người nông dân đã thực sự đóng vai trò “chủ thể” trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào cần được phát huy, công cuộc xây dựng NTM vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức và những bài học kinh nghiệm cần rút ra để duy trì và phát huy giá trị bền vững của NTM trong tương lai.
 
Bài 1: Nông thôn mới, diện mạo mới
 
Bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, nhưng bắng quyết tâm, nỗ lực và nhiều cách làm sáng tạo, đến năm 2019, Quảng Bình đã có 62 xã đạt chuẩn NTM, đạt 45,6%, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 9 xã đạt chuẩn. Xây dựng NTM đã mang lại những bước tiến “nhảy vọt” trong đời sống, xã hội của người dân nông thôn, để đến thời điểm này, nhiều miền quê ở Quảng Bình đã và đang thực sự là “miền quê đáng sống”.
 
Cách đây một thập kỷ, khái niệm “nông thôn mới” vẫn còn xa lạ với hầu hết người dân. Quảng Bình triển khai phong trào xây dựng NTM với xuất phát điểm 3,6 tiêu chí/xã. Để huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng, công tác tuyên truyền được tích cực triển khai bằng nhiều hình thức, trải rộng từ tỉnh đến cơ sở. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhanh chóng lựa chọn những xã có tiềm năng để tiến hành làm điểm xây dựng NTM. 
Xây dựng NTM với sự phát triển của các tổ hợp tác, tổ đoàn kết trên biển đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt hải sản của ngư dân
Xây dựng NTM với sự phát triển của các tổ hợp tác, tổ đoàn kết trên biển đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt hải sản của ngư dân
Tuy nhiên, thời điểm đó, trong suy nghĩ của nhiều người dân và cả cán bộ, xây dựng NTM cũng giống như một số dự án xóa đói giảm nghèo mà các địa phương và người dân sẽ được đầu tư, hỗ trợ các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất, đời sống… Phải mất một thời gian loay hoay, việc xác định vai trò “chủ thể” đồng thời là đối tượng hưởng lợi của người nông dân trong xây dựng NTM để họ tự giác vào cuộc mới được khẳng định và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
 
Vượt qua giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan” với không ít vấp váp và bài học kinh nghiệm, năm 2013, xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới) đã trở thành xã đầu tiên về đích NTM, so với lộ trình, Quang Phú về đích trước 2 năm.
 
Quang Phú đã trở thành một điển hình tiêu biểu khích lệ phong trào “Chung sức xây dựng NTM” của toàn tỉnh. Chứng kiến những đổi thay ngoạn mục của Quang Phú, từ đây, phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa mạnh mẽ và xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo ở nhiều địa phương.
 
Phát huy vai trò chủ thể và là người hưởng lợi, người dân trong tỉnh đã tự giác tham gia, đóng góp tiền của, công sức để xây dựng quê hương. 10 năm qua, người dân đã đóng góp 870,5 tỷ đồng (gồm hiến đất, tài sản, ngày công, công trình quy đổi thành tiền 504,1 tỷ đồng; tiền mặt 366,4 tỷ đồng). 
<img alt="Sự tham gia tích cực của người dân trong xây dựng NTM đã " khoác="" áo="" mới="" "="" cho="" nông="" thôn="" quảng="" bình.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201911/original/images656124_A2B1.JPG" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201911/original/images656124_A2B1.JPG" style="width: 734px; height: 489px;">
Sự tham gia tích cực của người dân trong xây dựng NTM đã "khoác áo mới" cho nông thôn Quảng Bình.
Phong trào xây dựng NTM trở thành “ngày hội” thực sự với khí thế thi đua sôi nổi giữa các địa phương trong toàn tỉnh. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện những cách làm hay, góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả xây dựng NTM. Đó là áp dụng thiết kế mẫu cho các công trình xây dựng hạ tầng ở huyện Bố Trạch, vừa tạo sự đồng nhất vừa giảm tối đa chi phí; là sáng kiến tổ chức “Ngày nông thôn mới-đô thị văn minh” của huyện Lệ Thủy vào các ngày chủ nhật của tuần thứ nhất và tuần thứ ba hàng tháng với các hoạt động trực tiếp liên quan đến các tiêu chí xây dựng NTM; đầu tư các công trình giao thông theo cách thức “cuốn chiếu” trên cơ sở tiềm năng và nguồn lực của các địa phương…
 
Những giải pháp quyết liệt trong việc giảm, tiến tới giải quyết dứt điểm nợ đọng trong xây dựng NTM; việc biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể và nhân rộng những mô hình, điển hình tiêu biểu trong xây dựng NTM 10 năm qua là hành trang quan trọng làm tiền đề cho công cuộc xây dựng NTM trên lộ trình mới với tầm cao mới.
 
Từ những nỗ lực và sự sáng tạo đó, những thành quả trong xây dựng NTM 10 năm qua của tỉnh ta đạt được là rất đáng tự hào. Kết quả đó biểu hiện bằng những con số ý nghĩa, như: thu nhập bình quân của cư dân nông thôn đạt 30,4 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2010, cao hơn 2,5 triệu đồng so với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,14%; nông nghiệp tăng trưởng và phát triển theo hướng toàn diện. Đặc biệt, quá trình xây dựng NTM thông qua việc thực hiện các tiêu chí đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân nông thôn.
Sau một thập kỷ xây dựng NTM, nhiều lễ hội văn hóa được quan tâm phát triển (lễ hội cờ người tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch)
Sau một thập kỷ xây dựng NTM, nhiều lễ hội văn hóa được quan tâm phát triển (lễ hội cờ người tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch)
So với 10 năm trước, vấn đề vệ sinh môi trường đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Môi trường là một tiêu chí khó mà nhiều địa phương phải vất vả mới hoàn thành. Tuy nhiên, cái được lớn nhất mang lại trong quá trình thực hiện tiêu chí này là sự thay đổi tích cực của người dân và vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đang ngày càng nâng cao. Tỷ lệ thu gom rác thải, số hộ dân được sử dụng nước sạch khu vực nông thôn ngày càng tăng.
 
Không dừng lại ở đó, nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động để bảo vệ môi trường, như: hạn chế rác thải nhựa, trồng cây xanh, đường hoa, xây dựng công viên…, tạo cảnh quan và không gian sạch đẹp. Quá trình triển khai những hoạt động này đã thu hút đông đảo sự tham gia của các đoàn thể mà điển hình là những đoạn đường tự quản, đường hoa do hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội nông dân… trồng và chăm sóc. Những khái niệm như hậu quả của hiệu ứng nhà kính, rác thải nhựa, bụi mịn cùng các cách thức để hạn chế và đẩy lùi những tác hại đó đã không còn xa lạ với người dân nông thôn!
 
Trong sản xuất nông nghiệp, sự ra đời của chuỗi giá trị nông sản, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, liên kết “5 nhà” đã trở nên quen thuộc với người nông dân. Đây là một bước tiến mạnh mẽ và là nền tảng quan trọng để nâng cao đời sống người dân nông thôn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của NTM, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao.
 
Hàng nghìn nông dân đã trở thành ông chủ lớn ngay trên đồng đất quê hương. Bằng kiến thức của mình, họ biết "luồn lách" thời vụ thay vì phó thác cho trời, biết xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường qua nhiều kênh thông tin, nâng cao giá trị sản phẩm.
 
Các cấp, ngành, địa phương là bạn đồng hành đắc lực của nông dân thông qua việc hỗ trợ xây dựng các mô hình, chuỗi giá trị, tổ chức các diễn đàn để người nông dân gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối sản xuất, kinh doanh. Sự ra đời của các hợp tác xã đã tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân phát triển kinh tế hộ vươn lên một tầm cao mới.
 
Không chỉ phát huy các thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, trên những miền quê NTM, du lịch, dịch vụ phát triển mạnh mẽ gắn với việc phát huy bản sắc văn hóa của từng miền quê… đã và đang thực sự là “con gà đẻ trứng vàng”, góp phần đưa số lượng những triệu phú, tỷ phú nông dân đang ngày một nhiều lên. Điều này một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của chủ trương xây dựng NTM và vai trò chủ thể của người nông dân trong giai đoạn mới.
Ngọc Mai 
 
Bài 2: Những tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ