Minh Hóa: Cẩn trọng tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

  • 08:12 | Thứ Ba, 20/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau hơn 2 tháng bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện Minh Hóa, đến nay, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, bệnh dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Đối với người chăn nuôi, đây là một nỗi lo lớn, vì kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi, đầu tư chuồng trại hàng trăm triệu đồng, tình trạng không nuôi được lợn hoặc nuôi mà không xuất bán được đang đẩy nhiều hộ lâm vào cảnh tăng nợ. Do đó, một số hộ dân đang nôn nóng để đầu tư tái đàn và tăng đàn.

Gia đình bà Đinh Thị Quế ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa là hộ chăn nuôi đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn huyện Minh Hóa. 108 con lợn đã bị tiêu hủy sau khi có kết quả dương tính với dịch bệnh. Gia đình bà Quế đã đầu tư nuôi lợn gần 15 năm nay, trước khi xảy ra dịch tả, gia đình luôn duy trì 20 mẹ lợn nái, trên 300 con lợn thịt, mỗi năm thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Thời điểm tiêu hủy đàn lợn, gia đình bà đang nợ tiền thức ăn cho lợn gần 400 triệu.

Hơn hai tháng nay, hệ thống chuồng trại bị bỏ trống, gia đình bà thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất để xử lý chuồng trại, tiêu diệt mầm bệnh. Sau 30 ngày công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại xã Xuân Hóa, bà Quế đã mua gần 300 con gà về để nuôi. Bà Quế dự kiến qua tháng 8 âm lịch sẽ mua 3-5 con lợn thịt về tái đàn, nhưng vẫn đang phân vân vì sợ mầm bệnh vẫn chưa hết.

Bà Quế cho biết, bà cũng rất lo lắng dịch bệnh quay trở lại, nhưng không nuôi lợn thì để trống chuồng trại rất lãng phí, không có thêm thu nhập để trả nợ. Gia đình sẽ mạnh dạn nuôi tái đàn, mới đầu sẽ nuôi ít, sau đó nếu thấy ổn định sẽ đầu tư mua thêm con giống.

Gia đình bà Đinh Thị Quế ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa) tạm thời chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gà.
Gia đình bà Đinh Thị Quế ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa) tạm thời chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gà.

Cũng trong đợt dịch này, gia đình ông Đinh Xuân Nghị ở thôn Yên Thắng, xã Yên Hóa có 17 con lợn bị chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Nghị mới đầu tư nuôi lợn hơn 1 năm nay, vay mượn và dồn hết vốn vào chăn nuôi, bây giờ trắng tay. Sau khi xã công bố hết dịch, gia đình ông Nghị cũng nôn nóng để tìm cách tái đàn.

Huyện Minh Hóa có 4 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trong đó, xã Xuân Hóa tiêu hủy 108 con, xã Dân Hóa tiêu hủy 18 con, xã Yên Hóa tiêu hủy 14 con và xã Trọng Hóa tiêu hủy 1 con. Tính đến ngày 12-8-2019, hai xã Xuân Hóa và Yên Hóa công bố hết dịch.

Ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa cho biết, ngoài các xã đã công bố hết dịch, huyện vẫn còn hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa có nguy cơ tiềm ẩn và có thể bùng phát trở lại. Qua theo dõi, ở các xã trên, do bà con chăn nuôi theo hình thức thả rong, rất khó kiểm soát dịch bệnh, hơn nữa thỉnh thoảng lại có lợn ốm nên chưa thể công bố hết dịch trên địa bàn toàn huyện.

Trước nguy cơ như vậy, huyện vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch. Ðồng thời, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát các xã còn dịch cũng như đã công bố hết dịch để tránh việc dịch bệnh bùng phát trở lại.

Việc người dân khó khăn nên mong muốn nhanh chóng tái khôi phục sản xuất sau thiệt hại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn vẫn chưa khuyến khích việc tái đàn vào thời điểm này do những diễn biến chung của dịch bệnh trên địa bàn và các khu vực lân cận còn nhiều phức tạp.

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc xin và thuốc đặc trị, mầm bệnh do virus dễ phát tán và lây lan trong môi trường. Việc nóng vội tái đàn sẽ khiến người chăn nuôi đứng trước nhiều rủi ro và nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát là khó tránh khỏi.

Bởi lẽ, người dân tái đàn vào lúc này thì việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc, phế phẩm nông nghiệp... giữa các vùng với nhau rất dễ khiến cho dịch bệnh lây lan trở lại, khiến cho vốn đầu tư, công sức của người dân trở nên lãng phí. 

Huyện cũng khuyến cao các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy, trước mắt có thể chuyển đổi sang một số vật nuôi khác để cắt đứt môi trường lây truyền bệnh, tránh những thiệt hại không đáng có, bảo đảm sản xuất an toàn, bền vững.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)