Lệ Thủy:

Gồng mình chống hạn

  • 08:14 | Thứ Năm, 15/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nắng nóng kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều diện tích lúa vụ hè-thu và tiêu trên địa bàn huyện Lệ Thủy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ cây trồng “khát” nước, người dân nhiều xã cũng đang đối mặt với khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.

Vụ hè-thu năm nay, toàn huyện Lệ Thủy gieo trồng trên 1.000 ha lúa, gần 40 ha ngô, 290ha khoai lang, 87 ha lạc, 429 ha rau, 118 ha đậu các loại, 22 ha vừng và tiếp tục chăm sóc trên 8.500 ha lúa tái sinh. Do nắng nóng kéo dài, lượng nước tưới không đáp ứng được nên hầu hết diện tích các loại cây trồng đều không đạt kế hoạch, một số diện tích đất canh tác vẫn còn bỏ hoang.

Hiện ngoài diện tích lúa tái sinh đã thu hoạch, các loại cây trồng khác vẫn đang trong quá trình chăm sóc. Tuy nhiên, do nắng nóng khốc liệt, nền nhiệt độ luôn ở mức cao từ cuối tháng 5 đến nay nên nhiều loại cây trồng có nguy cơ mất trắng. Các địa phương thiếu nước nhiều nhất là xã An Thủy, Mai Thủy, Thái Thủy, Phú Thủy, Ngân Thủy.

Xã Thái Thủy có tất cả 7 hồ chứa nước phục vụ cho nông nghiệp, trong đó có 6 hồ do xã quản lý và 1 hồ do tỉnh quản lý. Do thiếu nước nên vụ hè-thu năm nay bà con trong xã chỉ gieo trồng được 135 ha/kế hoạch 155 ha lúa. Các hồ chứa nước trên địa bàn gần như đã khô cạn, phơi đáy khiến 19/32 ha lúa ở thôn Nam Thái và 9 ha rau, màu, đậu, vừng của toàn xã gần như mất trắng. Số diện tích còn lại hiện cũng đang thiếu nước vì hồ Dạ Lam phục vụ nước tưới đã cạn.

Hồ Dạ Lam ở xã Thái Thủy đang cạn đáy, bà con phải tìm mọi cách tận dụng lượng nước ít ỏi còn lại.
Hồ Dạ Lam ở xã Thái Thủy đang cạn đáy, bà con phải tìm mọi cách tận dụng lượng nước ít ỏi còn lại.

Hồ Dạ Lam được bà con trong thôn góp công sức, tiền của làm từ năm 1988. Hơn 30 năm sử dụng, hồ đã bị vùi lấp khá nhiều nên lượng nước chứa không còn được như trước. Bờ đê, cống xả nước cũng bị xuống cấp khiến lượng nước rò rỉ khá nhiều.

Ông Võ Văn Đình, thôn Nam Thái lo lắng: “Chưa bao giờ tôi thấy nắng nóng và hạn hán như năm nay. Nếu những ngày sắp tới không có mưa chắc toàn bộ lúa nhà tôi sẽ mất trắng hết”. Nhà ông Đình có 8 sào ruộng, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 2 tấn lúa. Tuy nhiên, vụ mùa này thiếu nước nên lúa chưa thể trổ bông và cháy lá rất nhiều.

Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết: “Hiện trên địa bàn xã đang thiếu nước sản xuất nghiêm trọng do các hồ chứa đã cạn kiệt. Nắng hạn không những làm hàng chục ha lúa có nguy cơ mất trắng mà 3.400 ha rừng trồng của bà con cũng đang có nguy cơ cháy rất cao.

Ngoài ra, hàng chục ha tiêu cũng đang bị khô héo có nguy cơ chết. Để giải quyết vấn đề này, xã chỉ đạo bà con trong thôn nạo vét kênh mương, lòng hồ, sử dụng các máy bơm tận dụng lượng nước còn lại dưới lòng hồ để tưới cho lúa. Về lâu dài, xã cũng đang nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn tốt, đồng thời đề xuất xin kinh phí nạo vét lại các hồ, kênh mương, tu sửa đê điều để phục vụ cho sản xuất vụ sau”.

Tại xã Mai Thủy, nắng nóng kéo dài khiến hàng nghìn gốc tiêu của bà con bị khô héo. Những cây tiêu mới trồng khoảng 2 năm trở lại đây đã chết hoàn toàn. Những cây lớn hơn thì lá đã vàng úa và rụng nên không thể ra hoa, quả. Cùng với các loại cây trồng bị ảnh hưởng do nắng hạn, hàng nghìn hộ dân trong xã cũng đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Hiện trên địa bàn xã có 2 công trình nước sạch và nhiều giếng khoan, giếng khơi nhưng vẫn không đủ cấp nước cho người dân. Bởi do địa hình của xã tương đối cao nên nước không thể chảy về những hộ dân ở cuối nguồn. Mặt khác, nhiều giếng khoan trên địa bàn có độ sâu hàng chục mét vẫn không có nước, trong khi các giếng khơi cũng đang phơi đáy.

Chị Võ Thị Bốn, thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy cho biết: “Nhà tôi có 3 cái giếng nhưng giờ vẫn đi xin nước về sinh hoạt. Tôi ở đây cả mấy chục năm giờ mới thấy hạn hán như thế này”.

Trước đó, giếng khơi nhà chị Bốn đào đã cạn, chị khoan tiếp 2 giếng nữa nhưng vẫn không có nước. Chị bắt thêm nước máy nhưng cũng chỉ có nước vào mùa mưa, còn mùa hạn thì nước không chảy được do nhà chị gần cuối nguồn. Để có nước sinh hoạt, chị phải mua thêm một bồn chứa 0,75m3 và xin nước nhà người quen.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Thủy cho hay: “Những ngày sắp tới không có mưa chắc tiêu của bà còn sẽ còn chết nhiều. Còn về nước sinh hoạt, xã sẽ tiến hành cấp nước luân phiên cho từng khu vực để mọi người dân đều có nước, đồng thời tuyên truyền bà con sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ nguồn nước trong lúc khó khăn”.  

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Để đối phó với hạn hán, chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện, chính quyền các địa phương tiến hành nạo vét kênh mương, lòng hồ, bơm nước lên tưới cho đồng ruộng; phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh xả nước ở các hồ, tận dụng nguồn nước ở sông Kiến Giang để bơm vào kênh mương phục vụ cho việc tưới. Nếu diện tích đất trồng lúa nào không có khả năng tưới thì sẽ nghiên cứu, chuyển đổi trong thời gian tới”.

Xuân Vương