5 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW: Chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động

  • 08:32 | Thứ Tư, 21/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau 5 năm triển khai, Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hội đoàn thể nhận ủy thác trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH tỉnh về vấn đề này.

PV: Thưa ông, Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư đã có những tác động tích cực nào đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương?

Ông Trần Văn Tài: Có thể thấy rất rõ việc ra đời của Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân mạnh dạn chăn nuôi, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân mạnh dạn chăn nuôi, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Trên cơ sở đó, NHCSXH được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; cụ thể, được quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị làm việc; xác nhận đối tượng vay vốn, chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng tín dụng; bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện và nhất là quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, bảo đảm an ninh, an toàn đối với các buổi làm việc của NHCSXH tại điểm giao dịch xã.

Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH, UBND các cấp phối hợp điều tra rà soát đối tượng tham gia vay bảo đảm chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, ban hành quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo làm cơ sở để thực hiện các chế độ chính sách và để NHCSXH có căn cứ triển khai cho vay vốn tín dụng chính sách.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo, bền vững, góp phần ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế.

PV: Vậy, kết quả trên thực tế như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Tài: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 38,5 tỷ đồng, chiếm 69,9% tổng số nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH trong 17 năm hoạt động.

Doanh số cho vay đạt 5.027 tỷ đồng, chiếm 56,6% tổng doanh số cho vay giai đoạn từ năm 2003đến tháng 6-2019; doanh số thu hồi nợ đạt 3.988,8 tỷ đồng, chiếm 67,8% tổng doanh số thu nợ giai đoạn 2003 đến tháng 6-2019. Tổng dư nợ đạt 3.179,4 tỷ đồng, tăng 1.007,2 tỷ đồng so với năm 2014. Chất lượng tín dụng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,32% (năm 2014) xuống 0,14% (30-6-2019), giảm 0,18%.

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH đã giải ngân cho vay hơn 169 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giúp 44,9 nghìn hộ thoát nghèo vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh; trên 3,6 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho 11,4 nghìn lao động.

Đặc biệt, vốn tín dụng NHCSXH đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,23% (năm 2014) xuống còn 6,14% (30-6-2019), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 18,24% (năm 2014) xuống còn 8,2% (30-6-2019), góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Với những kết quả trên, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã được UBND tỉnh, các bộ, ngành, Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, năm 2018, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình là đơn vị đầu tiên trong toàn hệ thống được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng nhất.

P.V: Theo ông, những khó khăn, vướng mắc nào cần được khắc phục để việc triển khai Chỉ thị đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới?

Ông Trần Văn Tài: Theo tình hình thực tế hiện nay, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Một số chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài, nhu cầu vay vốn lớn nhưng chưa bố trí nguồn lực tương ứng, như: cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay giải quyết việc làm cho người dân khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển theo Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, nhu cầu vay vốn để tạo việc làm của người lao động rất lớn nhưng nguồn Quỹ quốc gia về việc làm từ Trung ương phân bổ hàng năm rất ít và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cũng còn thấp (Quảng Bình là tỉnh có nguồn vốn ủy thác ngân sách thấp nhất khu vực miền Trung).

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa hoạt động tín dụng chính sách với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa phát huy hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.

Cán bộ tín dụng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của người dân.
Cán bộ tín dụng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của người dân.

Vì thế, NHCSXH tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, như: cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ và cho vay giải quyết việc làm theo Quyết định 12/QĐ-TTg.

Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng cho vay đối với một số chương trình, như: cho vay học sinh sinh viên đối với hộ có mức sống trung bình; cho vay nước sạch và vệ sinh ở địa bàn phường, thị trấn; cho vay hộ gia đình thuộc diện khó khăn (không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo) vùng nông thôn.

Cần xem xét các hộ gia đình tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để họ tiếp tục được sử dụng nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thêm một thời gian sau khi đạt chuẩn nông thôn mới để bảo đảm tính bền vững.

Đối với Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, quan tâm tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Tổ chức chính trị xã hội cần gắn chất lượng tín dụng nhận ủy thác với tiêu chí thi đua trong hệ thống của tổ chức chính trị xã hội nhằm tạo động lực phấn đấu trong việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hiền Phương (thực hiện)