.

Bảo tồn và phát triển giống cây, con bản địa

.
13:15, Chủ Nhật, 30/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong bối cảnh nông nghiệp hữu cơ đang là mục tiêu hàng đầu của nhiều địa phương, việc phục tráng, bảo tồn và hướng tới phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa không chỉ tạo động lực trong việc lưu giữ nguồn gen quý của địa phương, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc đưa vào sản xuất quy mô hàng hoá các giống cây, con bản địa giàu tiềm năng...

Tỉnh ta vốn có nhiều giống cây, con được ví như là "đặc sản" nổi tiếng gắn liền với những địa danh cụ thể, như: cam mật Hiền Ninh (Quảng Ninh), lợn khùa Minh Hoá, gà ri Lạc Sơn (Tuyên Hoá), nếp Cau, gạo Nước Hai -hay còn gọi là gạo đỏ (Bố Trạch)...

Sản phẩm gạo Nước Hai (gạo đỏ) của huyện Bố Trạch được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sản phẩm gạo Nước Hai (gạo đỏ) của huyện Bố Trạch được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, các giống cây, con bản địa này đã bị thoái hóa, phân ly, giảm phẩm cấp và chất lượng vốn có. Để từng bước bảo tồn và hướng đến nhân rộng các giống cây, con bản địa này, những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng đến công tác phục tráng, bảo tồn và phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa truyền thống nhằm lưu giữ nguồn gen quý.

Trong đó, nguồn gen lợn khùa Minh Hóa được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai phục tráng, bảo tồn từ năm 2008-2010; nguồn gen cây cam mật Hiền Ninh do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh triển khai phục tráng, bảo tồn từ năm 2013-2016; sau khi phục tráng thành công đã được khai thác và phát triển nhân rộng vào sản xuất.

Hiện tại, người dân các địa phương, như: Trường Thủy, Mai Thủy (Lệ Thủy), Hòa Trạch, TT.Nông trường Việt Trung (Bố Trạch), Hiền Ninh, Vạn Ninh (Quảng Ninh)... đã mở rộng diện tích trồng cây cam mật Hiền Ninh lên vài chục héc-ta và đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa để phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của bà con, đây là giống cây ăn quả bản địa đặc sản có chất lượng, giá trị không kém gì các giống cam Vinh, cam bù, cam canh. Còn đối với giống lợn khùa Minh Hóa, sau khi được phục tráng và bảo tồn nguồn gen thành công, giống lợn này đã được người dân vùng miền núi Minh Hoá đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, một số nguồn gen bản địa của địa phương vẫn đang tiếp tục được triển khai phục tráng, bảo tồn và phát triển theo hướng hàng hóa, như: gà ri Lạc Sơn, nếp cau, gạo Nước hai…

Theo chị Đặng Thị Thu Giang, cán bộ Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, hiện Trung tâm đang phối hợp với Viện Chăn nuôi thực hiện đề tài bảo tồn và phát triển, thời gian thực hiện từ năm 2018-2021, với mục tiêu là phục tráng nguồn gen giống gà ri.

Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ đánh giá hiện trạng tình hình chăn nuôi gà ri Lạc Sơn về cơ cấu đàn giống, mức độ đồng nhất về đặc điểm ngoại hình, khả năng sản xuất, sức kháng bệnh, từ đó chọn lọc và xây dựng quy trình chuẩn để phát triển giống gà này trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

Hiện tại, Trung tâm đang thực hiện phục tráng nguồn gen, từ đàn gà bố mẹ thu mua trong dân đã cho thu trứng và ấp nở được 1.000 gà con; sau khi nuôi 3-4 tháng sẽ tiếp tục tuyển lựa và thải loại những con không đạt yêu cầu về độ thuần chủng.

Còn đối với giống lúa bản địa Nước Hai và nếp Cau, từ vụ đông-xuân 2017-2018, các xã Vạn Trạch, Phú Trạch (Bố Trạch) đã đưa vào thực hiện gieo trồng được 6ha, năng suất khoảng 20 tạ/ha. So với con số chừng vài chục sào mà người dân 2 xã trồng trước đây, kết quả này là nỗ lực lớn của địa phương trong việc khuyến khích bà con trồng lại giống lúa bản địa này.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch chia sẻ, hiện tại, tỉnh ta đã phê duyệt danh mục dự án bảo tồn và phát triển giống lúa bản địa theo chuỗi giá trị giai đoạn từ 2018-2020 đối với hai giống lúa này.

Trong vụ sản xuất 2018-2019, xã sẽ quy hoạch vùng trồng tập trung và hỗ trợ bà con mở rộng diện tích trồng lúa Nước Hai và nếp Cau với diện tích khoảng 10ha, đồng thời, liên kết với Công ty TNHH MTV An Nông để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con. Với giá bán lúa từ 30-35 nghìn đồng/kg, dù năng suất không cao, nhưng hiệu quả kinh tế đạt khá so với sản xuất các giống lúa khác.

Có thể nói, việc bảo tồn và phát triển các giống cây, con bản địa thời gian qua đã mở ra hướng đi mới cho nông dân tỉnh ta trong việc đưa vào sản xuất quy mô hàng hoá đối với các giống cây, con giàu tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh ta đang hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở cần được tháo gỡ, bởi việc phát triển nhân rộng các giống cây, con bản địa đang là bài toán khó, nguyên nhân chính là do các giống cây, con đặc sản này có giá thành sản phẩm cao, năng suất hạn chế, khung thị trường hẹp...

Sau khi phục tráng thành công, nông dân một số địa phương đã phát triển diện tích cây cam mật Hiền Ninh.
Sau khi phục tráng thành công, nông dân một số địa phương đã phát triển diện tích cây cam mật Hiền Ninh.

Chia sẻ những khó khăn trong việc phục tráng, bảo tồn nguồn gen gà ri Lạc Sơn, chị Đặng Thị Thu Giang cho biết, hiện tại, số lượng cá thể gà ri thuần chủng quá ít, quá trình nuôi giữ, chăm sóc có nhiều khó khăn, nguồn kinh phí thực hiện đề tài còn hạn hẹp...

Trong khi đó, việc tiến hành chọn lọc, nhân đàn để tạo ra đàn hạt nhân gà ri Lạc Sơn, tiến tới xây dựng quy trình chăn nuôi, thú y với mục đích nâng cao năng suất và sử dụng hiệu quả nguồn gen của giống gà này nhằm phục vụ nhu cầu thị trường là rất cấp thiết.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Phú Trạch Nguyễn Ngọc Phương, toàn xã hiện có khoảng 50ha diện tích phù hợp để sản xuất 2 giống lúa Nước Hai và nếp Cau, tuy nhiên, xã chỉ quy hoạch trồng 10ha để bảo đảm đầu ra cho bà con. Nếu phát triển diện tích lớn, cần phải có sự liên kết theo chuỗi và xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững để tránh việc bị rớt giá.

Trước mắt, xã đang quy hoạch vùng tập trung chỉ dành riêng cho việc trồng 2 giống lúa này, còn về lâu dài cũng cần phải thành lập Hợp tác xã để đứng ra hỗ trợ bà con trong khâu sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Một vấn đề nữa là việc bảo tồn và phát triển các giống cây, con bản địa nếu chỉ dừng lại ở việc thu thập, phục tráng nguồn gen mà không kết hợp nhiều giải pháp song hành khác trong tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu thì hiệu quả của công tác bảo tồn khó được phát huy.

Do đó, rất cần sự chung tay của các ngành chức năng và địa phương trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu các giống cây, con bản địa của địa phương nhằm phục vụ có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị...

Ngọc Lan
 

,
  • [Infographics] 9 tháng của năm 2018, Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD

    So với cùng kỳ năm 2017, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2018 tăng 15,4%, trong khi nhập khẩu tăng 11,8%. Trong 9 tháng cả nước xuất siêu 5,39 tỷ USD.

    29/09/2018
    .
  • 10 năm Nghị quyết "Tam nông" đi vào thực tiễn

    (QBĐT) - Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), bộ mặt nông thôn huyện Tuyên Hóa đã có nhiều đổi thay...

    29/09/2018
    .
  • 30 năm thu hút FDI: Nền tảng để ngành dầu khí "cất cánh"

    Kể từ khi hai hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí đầu tiên được Chính phủ Việt Nam ký với nhà thầu AGIP (Italy) vào năm 1978 cho đến nay, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí Việt Nam không chỉ giúp mang về nguồn thu từ dầu mỏ lớn cho đất nước mà còn đặt nền tảng quan trọng để ngành dầu khí Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

    29/09/2018
    .
  • Xây dựng thương hiệu sản phẩm khoai lang vùng cát Thanh Thủy

    (QBDT) - Ngày 28-9, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với dự án SNV tổ chức lễ ra mắt Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ (HTX SXKD và DV) khoai lang Lâm Hường (trụ sở tại xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy).  

    29/09/2018
    .
  • Hoạt động thương mại phát triển ổn định

    (QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, thị trường giá cả ổn định. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ có quy mô lớn, tạo điểm nhấn thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ của địa phương.

    28/09/2018
    .
  • Bố Trạch: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

    (QBĐT) - Ngày 27-9, huyện Bố Trạch tổ chức hội nghị hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trên địa bàn. 

    28/09/2018
    .
  • Nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại biên giới

    (QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động thương mại biên giới nói chung và xuất nhập khẩu (XNK) nói riêng qua các cửa khẩu biên giới Việt-Lào trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả khả quan.

    28/09/2018
    .
  • 30 năm FDI: "Gạn đục, khơi trong" và giữ chân các nhà đầu tư

    Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những nguồn lực phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, bất động sản nói riêng và đang có xu thế tăng dần trong những năm qua.

    27/09/2018
    .