Cô giáo bản Sắt

  • 08:59 | Chủ Nhật, 29/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên cắm bản ở bản Sắt, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) vừa trải qua một ngày lễ kỷ niệm 20-11, không hoa, không quà, nhưng đầy tình thương và trách nhiệm với những đứa học trò nghèo nơi đầu nguồn cơn lũ. Với cô giáo Yến, món quà đáng mơ ước nhất lúc này có lẽ là 15 em học sinh của mình sớm có một mái trường, không còn phải học trong căn nhà bạt tạm bợ bên bìa rừng…
 
Lớp học trong nhà bạt
 
Trận lũ lịch sử vào cuối tháng 10-2020 nhấn chìm bản Sắt, xã Trường Sơn trong biển nước. Cả 34 hộ dân, hơn 150 nhân khẩu người Bru-Vân Kiều của bản Sắt phải chạy lên ngọn đồi phía đối diện để tránh lũ. Lũ bắt đầu rút, người dân bản Sắt rục rịch trở về nhà thì quả đồi phía sau lưng bản xuất hiện sạt lở, chực chờ đổ sập.
 
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng phải dựng tạm những chiếc nhà bạt bên bìa rừng, di dời bà con đến ở chờ ngày lập bản mới.
 Nắn nót từng con chữ với học trò lớp 1.
Nắn nót từng con chữ với học trò lớp 1.
Cuộc sống của người dân bản Sắt tạm bợ trong những căn nhà bạt, nhưng việc học của các cháu nhỏ nơi đây thì vẫn phải tiếp tục. Thế nên, ngoài những ngôi nhà bạt cho bà con ở, chính quyền điạ phương, Bộ đội Biên phòng và dân bản đã dựng tạm một lớp học cho các cháu nhỏ nơi đây. Lớp học được dựng từ những khung sắt và phủ bạt lên để che mưa, che nắng. Nền lớp học là những tấm ván tháo ra từ nhà văn hóa mang về đây lắp ghép lại.
 
Cắm bản dạy chữ ở điểm trường tiểu học bản Sắt là cô giáo Nguyễn Thị Yến. Cô cho biết, chỉ một tuần sau khi lũ rút là cô đã đón học sinh trở lại để dạy học. Học sinh bản Sắt có hết cả 15 em từ lớp 1 đến lớp 3 (lớp 4 và lớp 5 các em được chuyển ra trường nội trú ngoài trung tâm xã để học) do một mình cô dạy theo kiểu lớp ghép. Trước lũ, ở bản Sắt cũng có cả lớp mầm non do một cô giáo nữa đảm trách, nhưng do cơ sở vật chất cho mầm non phức tạp hơn nên đến nay vẫn chưa thể dựng lại lớp học để đón các cháu trở lại.
 
Không trống, không kẻng…, lớp học của cô Yến những ngày sau lũ cũng không diễn ra theo giờ hành chính mà phải theo thời tiết. Những ngày nắng thì lớp học được tiến hành sớm hơn vào buổi sáng và muộn hơn vào buổi chiều để cô và trò tránh được cái nóng hầm hập, bức bí của nhà bạt; còn những ngày trời mưa lạnh thì lớp phải học xuyên trưa mới đủ ánh sáng.
 
Có chứng kiến mới biết nỗi khổ của những giáo viên dạy lớp ghép. Để không bị gián đoạn giờ học, lớp này tập đọc thì các lớp còn lại làm bài tập; lớp nọ học bài mới thì lớp kia luyện viết… Cứ thế liên tục, cô Yến không một phút nghỉ ngơi, hết cầm tay bạn này luyện viết, lại sang bạn khác hướng dẫn cộng, trừ, nhân, chia…
 
Tận tâm cống hiến
 
Con đường từ nhánh Tây đường Hồ Chí Minh vào bản Sắt dài 8km, sau lũ vẫn đang ngập ngụa bùn đất, trơn trượt, chỉ có những chiếc xe ô tô địa hình 2 cầu mới có thể đi được. Vì thế, từ sau lũ đến nay, dân bản khi muốn ra ngoài và đi nhận quà cứu trợ phải mất gần nửa ngày đường lội bộ qua những con dốc lầy lội bùn.
 
Chúng tôi vào thăm bản Sắt đúng dịp Ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Nhưng khác với không khí nhộn nhịp ở miền xuôi, cô giáo Yến đón ngày 20-11 không hoa, không quà... Với cô giáo Yến, món quà đáng mơ ước nhất lúc này có lẽ là các em học sinh của mình sớm có một mái trường, không còn phải học trong căn nhà bạt tạm bợ bên bìa rừng…
  “Cô giáo như mẹ hiền”.
“Cô giáo như mẹ hiền”.
Cô Yến sinh năm 1988, quê ở Hà Tĩnh nhưng theo cha mẹ vào Gia Lai lập nghiệp từ nhỏ. Về học đại học Sư phạm ở Huế, cô gặp bạn trai “đồng môn” người Bru-Vân Kiều Nguyễn Văn Quang, ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn, yêu và lấy nhau rồi theo về quê chồng. Chồng cô dạy THCS nên được ở trung tâm xã, còn cô dạy tiểu học nên luôn phải cắm bản. Việc nuôi hai con nhỏ gần như do chồng cô đảm trách. Cô Yến cho biết, hơn 10 năm được phân công làm giáo viên cắm bản, những khó khăn, gian khổ, cô Yến đều đã trải qua, nhưng chưa lúc nào, việc dạy học của cô lại khó khăn như lúc này.
 
Trận lũ lịch sử đã “lấy” đi mái trường thân yêu của cô và trò ở bản Sắt. Dạy học và ở trong những ngôi nhà bạt ngày thì rất nóng, đêm lại lạnh như cắt đã làm cho cả 15 học trò của cô Yến em nào cũng bị cảm, ho hen suốt ngày. Vậy nhưng, ở mái trường tạm bợ này, tình yêu thương mà cô Yến đã dành cho những đứa học trò nghèo còn thơ dại vẫn lớn hơn tất cả.
 
Sau lũ, người lớn trong bản đôn đáo kiếm cái ăn bỏ mặc bọn trẻ lăn lóc trong những ngôi nhà bạt tạm bợ. Vậy là sau mỗi buổi dạy, cô giáo Yến phải thay cha mẹ học sinh nấu nướng, chăm sóc từng bữa ăn cho các em. “Cô ăn gì thì trò ăn nấy. Không nấu cho chúng ăn là chúng chạy theo cha mẹ ra ngoài đường cái nhận quà hoặc vào rừng săn bắt, hái lượm không chịu đến lớp học. Cũng may đợt này có hàng cứu trợ, cô giáo cắm bản như em cũng được vài suất quà nên còn đỡ đôi chút, chứ một mình lương của em thì không đủ nuôi cô trò nửa tháng.”, cô Yến tâm sự.
 
Nói về người đồng nghiệp cấp dưới của mình, cô Từ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trường Sơn nhận xét: “Cô giáo Nguyễn Thị Yến là giáo viên có kinh nghiệm cắm bản nhiều năm qua. Trong trận lũ lịch sử vừa qua, điểm trường bản Sắt là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Mặc dù phải dạy học trong nhà bạt tạm bợ, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng thời gian qua, cô Yến đã luôn cố gắng duy trì tốt lớp học, không dán đoạn chương trình dạy học của nhà trường và các em học sinh…”
 
Phan Phương