Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông

  • 14:28 | Thứ Ba, 25/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là một trong những địa phương có hệ thống mạng lưới trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh từ cấp học mầm non đến bậc đại học. Đặc biệt, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh…, chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên và công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN), định hướng phân luồng học sinh (ĐHPLHS) trong giáo dục phổ thông cũng đã có những chuyển biến tích cực...
 
Những thuận lợi bước đầu…
 
Theo đánh giá của ngành GD-ĐT, những năm gần đây, nhận thức của xã hội, cũng như của phụ huynh và học sinh (HS) trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai đã có nhiều chuyển biến tích cực, xu hướng học nghề phù hợp với năng lực, sở trường được HS quan tâm nhiều hơn.
 
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phổ thông đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình GDHN theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho HS; tích hợp các chủ đề GDHN trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
 
Nhiều trường phổ thông đã chủ động phối hợp với các trường trung cấp, trung tâm giáo dục-dạy nghề (GD-DN) trên địa bàn trong công tác GDHN; lồng ghép thực hiện các chủ đề GDHN trong chương trình giáo dục phổ thông với các hoạt động tư vấn tuyển sinh.
  Các trường phổ thông tăng cường giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho HS.
Các trường phổ thông tăng cường giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho HS.
Cùng với đó, mạng lưới trường học phổ thông toàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Ở bậc giáo dục trung học có 199 trường (THCS: 167 trường; THPT: 32 trường), 2.398 lớp (THCS: 1.626 lớp, THPT: 784 lớp) với 86.895 HS (THCS: 55.054 HS, THPT: 31.841 HS). Có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN), trong đó có 1 trường đại học (ĐH), 3 trường cao đẳng (CĐ)...
 
Tổng số ngành, nghề trung cấp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động GDNN là 88 ngành, nghề (trung cấp 61 ngành/nghề, CĐ 27 ngành/nghề). Trong các CSGDNN, có 560 nhà giáo thuộc biên chế và 182 nhà giáo hợp đồng trên 12 tháng, ngoài ra, còn huy động được số lượng lớn giáo viên thỉnh giảng là cán bộ kỹ thuật, thợ giỏi, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn… cơ bản đáp ứng yêu cầu GDNN sau phân luồng của HS toàn tỉnh.
 
Còn lắm khó khăn…
 
Trước xu thế hội nhập quốc tế, nhận thức về định hướng nghề nghiệp của HS và phụ huynh đã nhiều chuyến biến tích cực…, song xu hướng tiếp tục học lên các bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp THCS và THPT vẫn là chủ yếu, ít HS lựa chọn vào các CSGDNN. Nhất là HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các CSGDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp còn rất thấp.
 
Bên cạnh đó, các trường phổ thông thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ công tác GDHN, chưa có giáo viên chuyên trách giáo dục, tư vấn hướng nghiệp cho HS. Các CSGDNN chưa đáp ứng được nhu cầu của học viên về nghề nghiệp đào tạo, về cơ sở vật chất phục vụ dạy học…, nên chưa thu hút được học viên tham gia học tập, đào tạo nghề.
 
Các trường phổ thông chưa có giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp chuyên biệt, giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo bài bản, công tác tư vấn hướng nghiệp do nhà trường tự tổ chức hoặc phối hợp với trung tâm GD-DN trên địa bàn hay các trường CĐ, ĐH trong mùa tuyển sinh. Hoạt động GDHN thực hiện 9 tiết/năm học theo yêu cầu chương trình của Bộ GD-ĐT... nên khó đáp ứng được các chỉ tiêu đặt ra trong GDNN.
 
Theo thống kê từ ngành GD-ĐT, số HS tốt nghiệp THCS tham gia học tập tại các CSGDNN có trình độ sơ cấp, trung cấp là 5,31%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra (mục tiêu đặt ra đến năm 2020: phấn đấu ít nhất 15% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các CSGDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các đơn vị có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 8%).
 
Số học HS nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các CSGDNN đào tạo trình độ CĐ là 17,89%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra (mục tiêu đặt ra đến năm 2020: phấn đấu ít nhất 30% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các CSGDNN đào tạo trình độ CĐ; đối với các đơn vị có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 20%). Toàn tỉnh duy nhất thị xã Ba Đồn đạt mục tiêu đặt ra, đạt 30,37%.
 
Quyết tâm đạt mục tiêu phân luồng HS phổ thông
 
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng khẳng định: Trong thời gian qua, công tác GDHN và ĐHPLHS phổ thông bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng, một số chỉ tiêu đã đạt thậm chí vượt so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên kết quả đó chưa bền vững và có nhiều chỉ tiêu chưa đạt.
 
Việc duy trì và từng bước hoàn thành kế hoạch vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; các ban, ngành, đoàn thể; các lực lượng xã hội và ngành GD-ĐT còn phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ vững những kết quả đã đạt được và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra, từng bước nâng cao tỷ lệ HS tham gia học nghề trong những năm tiếp theo.
 
Để đạt được điều đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Trong thời gian tới, cần chú trọng nâng cao nhận thức về GDHN và ĐHPLHS phổ thông; đưa nhiệm vụ GDHN và ĐHPLHS phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
 
Ngành GD-ĐT cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN trong trường phổ thông; vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi HS, tăng cường dạy học thông qua thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục với các CSGDNN trong hoạt động GDHN và HS phổ thông sau khi tốt nghiệp vào học tại các CSGDNN.
 
Đồng thời, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý, giáo viên các CSGDNN, các doanh nhân... tham gia làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS phổ thông.
 
Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với GDHN trong giáo dục phổ thông; thực hiện chính sách đối với HS đi học nghề, hỗ trợ kinh phí cho HS dân tộc thiểu số, HS nghèo, HS thuộc diện chính sách, HS sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các CSGDNN; huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia GDHN, ĐHPLHS phổ thông.
 
Điều quan trọng nữa là phải làm tốt công tác tuyển sinh, huy động HS tốt nghiệp THCS, THPT vào học tại các CSGDNN. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các CSGDNN với các trường phổ thông trong các hoạt động tư vấn tuyển sinh, ngày hội việc làm…, tập trung hơn vào các đối tượng học cuối cấp. Đa dạng các hình thức tư vấn, giải quyết thấu đáo các thắc mắc, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin tuyển sinh cần thiết cho HS; liên kết với các cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp… để đào tạo các ngành nghề phù hợp, bảo đảm đầu ra cho học viên ổn định việc làm và thu nhập.
 
Nội Hà