Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện làng nón

  • 10:26 | Thứ Bảy, 10/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong một chuyến điền giả về các làng quê, nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian (NCVHVNDG) Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã bị cuốn hút bởi những câu dân ca của làng Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn). Đó là điệu hát phường nón, gắn với nghề truyền thống làm nón lá của làng.
 
Nghe qua, giai điệu của hát phường nón có đôi chút gần giống với dân ca Nghệ Tĩnh, nhất là phần nhịp điệu cuối mỗi câu hát. Các bậc cao niên trong làng cho rằng, sở dĩ, làn điệu hát phường nón có phần giống với dân ca Nghệ Tĩnh là bởi những người đầu tiên đến khai canh lập làng là người Hà Tĩnh. 
Nhắc đến Thổ Ngọa người ta thường nghĩ ngay đến vùng quê có làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Nhắc đến Thổ Ngọa người ta thường nghĩ ngay đến vùng quê có làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Theo một số tài liệu tộc phả thì ông Nguyễn Khống, tự Khắc Nhượng (1 võ tướng thời vua Lê Thánh Tông) quê ở xã Thổ Vượng (có tài liệu ghi Thổ Vọng), huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) được xem là ông tổ của làng. Ông đã đưa vợ (quê ở làng Ngọa Kiều, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và một số người bà con, họ hàng của mình vào mảnh đất mới cùng nhau khai khẩn lập làng.
 
Để luôn nhớ tới quê hương, ông Nguyễn Khống ghép hai chữ đầu của quê ông và quê vợ ông để đặt tên cho vùng đất mới là Thổ Ngọa. Và có lẽ, chính những người đầu tiên khai canh lập làng đã mang theo câu hò, điệu hát của quê hương xứ Nghệ, dần dà có sự giao thoa văn hóa nên mới có điệu hát phường nón. Tuy điệu hát này có phần giống với dân ca xứ Nghệ nhưng cũng có sự khác nhau rõ rệt: Nếu điệu hát ví, dặm của dân ca vùng Nghệ An, Hà Tĩnh thường bắt đầu bằng: “ơ ơ ơ…” hay “hò ơ, hò…” thì điệu hát phường nón thường bắt đầu bằng cụm từ: “Ơi nữa ai ơi rồi”, hay “Rứa nữa ai ơi rồi”.
 
Ví dụ: nam: “Ơi nữa ai ơi rồi/Trước tôi xin đưa lời chào ôông, chào mệ trong nhà/Sau tôi chào phường nam nữ toàn gia/Cho anh em tôi đàn ca, xướng hát, giao hòa chung vui”; Nữ đáp lại: "Ơi nữa ai ơi rồi/Đưa lời chào khách đường xa/Chào người quân tử đổ bảng khoa mới về…”. So với dân ca xứ Nghệ, lời hát phường nón có yếu tố “nói” nhiều hơn. Đôi khi để diễn tả hết ý của mình, người hát thường sử dụng nhiều vế hát nói trong một câu.
 
Người Thổ Ngọa xưa có hình thức làm nón “chùm”, gồm nhiều nhà tập hợp nhau lại để tập trung làm nón cho một nhà và cứ luân phiên từ nhà này đến nhà khác. Sau này, dù không làm nón “chùm” nữa nhưng người làng Thổ Ngọa vẫn giữ nguyên thói quen tập hợp nhau vừa làm nón vừa trò chuyện, vừa hát đối đáp qua lại theo điệu phường nón. Ngày nay, hát phường nón vẫn giữ nguyên giai điệu cổ, song phần lời được làm mới cho phù hợp với thời đại như ca ngợi Đảng, ca ngợi quê hương, đất nước, sự đổi mới của làng quê…
 
Nghề làm nón, không gian diễn xướng của hát phường nón có một thời hưng thịnh nhưng ngày nay đang đứng trước những khó khăn, thử thách. Trước đây, làng có trên 90% hộ dân tham gia làm nghề, nhiều người có cuộc sống ổn định nhờ vào nghề làm nón thì hiện tại, số người còn gắn bó với nghề rất ít, chủ yếu là phụ nữ cao tuổi. Điệu hát phường nón của làng dù đã được khôi phục song để duy trì hoạt động như những câu lạc bộ văn nghệ quần chúng của các địa phương khác lại là vấn đề khá nan giải.
Người dân làng Thổ Ngọa mang điệu hát phường nón lên sân khấu biểu diễn văn nghệ dân gian.
Người dân làng Thổ Ngọa mang điệu hát phường nón lên sân khấu biểu diễn văn nghệ dân gian.
“Nghề nón của làng không còn phát triển như xưa. Người dân khó sống được với nghề làm nón nên ngày càng nhiều người chuyển sang nghề mới. Chúng tôi rất muốn bảo vệ, gìn giữ nghề truyền thống, muốn khôi phục các làn điệu dân ca nhưng thực tế là chúng tôi còn gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan…”, ông Trần Đình Lập, Trưởng làng Thổ Ngọa trải lòng.
 
Trao đổi về những khó khăn trong việc duy trì, phát triển điệu hát phường nón làng Thổ Ngọa, nhà NCVHVNDG Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho hay: "Sắp tới, chúng tôi sẽ có những việc làm cụ thể, sẽ tiếp tục về cơ sở, trong đó có làng Thổ Ngọa để động viên, khích lệ người dân tiếp tục nỗ lực, cố gắng phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa VNDG ở địa phương."
 
Thực tế cho thấy, mặc dù là vùng đất có bề dày về truyền thống văn hóa và có loại hình VNDG phong phú, song hiện tại, số người thuộc và hát hay điệu hát phường nón ở làng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhà thơ Đỗ Thành Đồng, một trong ít người thuộc và hát tốt các điệu hát phường nón kể rằng: Từ nhỏ, anh đã nhiều lần được nghe cha và mẹ của mình hát phường nón.
 
Lớn lên, anh cũng tham gia làm nón cùng các thành viên trong gia đình và tìm hiểu, sưu tầm các điệu hát phường nón của làng từ cha, mẹ rồi yêu điệu hát này từ lúc nào không hay. Thỉnh thoảng, anh vẫn ngân nga vài câu hát để con cháu, bè bạn biết rằng, quê hương mình có điệu hát độc đáo và mộc mạc đến vậy.
 
Điều khó khăn nhất trong việc duy trì và phát triển câu lạc bộ hát phường nón tại làng Thổ Ngọa là do thiếu kinh phí hoạt động, chưa có nghệ nhân để truyền dạy và rất ít người trẻ “mặn mà” với điệu hát quê hương trong khi lớp người nắm giữ lại đang ở độ tuổi “xưa nay hiếm”…
 
Vì vậy, hát phường nón ở Thổ Ngọa dù đã được khôi phục nhưng chưa xây dựng được các chương trình biểu diễn có quy mô, chưa có hình thức sinh hoạt thường xuyên như các làng quê khác, chưa có các hoạt động bảo tồn, gìn giữ đúng nghĩa để hát phường nón được lan tỏa, đi vào trong đời sống của người dân nơi đây.
 
Người làng nón Thổ Ngọa, nhất là lớp người cao tuổi ngày nay vẫn luôn đau đáu trong lòng một nỗi lo là nghề nón sẽ mai một, thất truyền và điệu hát phường nón của làng sẽ chỉ còn trong trí nhớ của những người cao tuổi nếu không có các biện pháp bảo tồn, gìn giữ.
 
Nhà thơ Đỗ Thành Đồng cho hay: “Tôi tin, dù nghề nón của làng có bị mai một nhưng những gì thuộc về văn hóa làng vẫn tồn tại mãi trong lòng mỗi người dân quê tôi. Và chúng tôi mong rằng, mỗi người dân Thổ Ngọa, những chủ nhân của các giá trị văn hóa trên quê hương sẽ bằng tâm huyết, bằng tình yêu với mảnh đất này mà quyết tâm gìn giữ để những giá trị văn hóa làng sống mãi với thời gian."                                                                                        
Nh.V