Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ngày hội võ thuật cổ truyền ở quê lúa Lệ Thủy

  • 08:44 | Chủ Nhật, 09/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ có những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh, làn điệu hò khoan mượt mà, sâu lắng, về Lệ Thủy trong những ngày xuân, du khách thập phương còn được chiêm ngưỡng các thế võ cổ truyền và tinh thần thượng võ của ngày hội võ thuật cổ truyền bên dòng Kiến Giang…
 
Giữ gìn tinh thần thượng võ
 
Ngày xuân về quê lúa Lệ Thủy, ngoài thưởng thức những điệu hò khoan mượt mà, sâu lắng, du khách còn được chiêm ngưỡng những thế võ cổ truyền của các môn phái ở trên quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ nhiều năm qua, biểu diễn võ thuật cổ truyền ở Lệ Thủy đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong dịp đầu xuân. Đây là hoạt động không chỉ nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, mà còn lưu giữ, trao truyền, nêu cao tinh thần thượng võ của cha ông để lại.
 
Hiện ở Lệ Thủy có các môn phái võ thuật cổ truyền đang truyền dạy gồm: Thiếu Sơn Phật Gia (do lương y, võ sư cao cấp Hoàng Đại Khoa làm chưởng môn), Thiếu Lâm Mai Hãn (do võ sư cao cấp Nguyễn Xuân Du làm chủ nhiệm), Thiếu Lâm Đại Tâm (do huấn luyện viên (HLV) Dương Công Hùng làm chủ nhiệm), Võ Kinh Vạn An (do chuẩn võ sư Trần Ngọc Vũ làm chủ nhiệm)…
Đoàn võ thuật cổ truyền Lệ Thủy giành giải nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII.
Đoàn võ thuật cổ truyền Lệ Thủy giành giải nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII.
Một ngày đầu xuân Canh Tý, chúng tôi gặp võ sư cao cấp Nguyễn Xuân Du và chuẩn võ sư Trần Ngọc Vũ ngay bên dòng Kiến Giang. Nói về mục đích tổ chức ngày hội biểu diễn võ thuật cổ truyền đầu xuân ở Lệ Thủy, các võ sư chia sẻ, từ mùa xuân năm 2015 đến nay, nhằm cổ vũ phong trào tập luyện sức khỏe và tạo sân chơi cho các võ sinh, hàng năm, cứ vào ngày mồng 6 Tết Nguyên đán, luân phiên nhau, 3 CLB Võ Kinh Vạn An (thầy Vũ), Võ đường Hạ Sơn (thầy Hiệp), Võ đường Thiếu Lâm Mai Hãn (thầy Du) đã tự nguyện bỏ kinh phí để tổ chức biểu diễn võ thuật cổ truyền của các môn phái. Địa điểm diễn ra ngày hội võ thuật cổ truyền hàng năm theo hình thức luân phiên. Bắt đầu từ võ đường Hạ Sơn ở xã Lộc Thủy, tiếp đến là võ đường Thiếu Lâm Mai Hãn ở Cam Thủy và đến năm sau tại võ đường Võ Kinh Vạn An ở Hồng Thủy. Cứ thế xoay vòng trên tinh thần đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài ra, những năm gần đây, nhân dịp đón chào năm mới, các CLB võ thuật cổ truyền ở Lệ Thủy còn biểu diễn chào xuân ở Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện và lễ hội chùa Hoằng Phúc.
 
Tham gia ngày hội, hơn 150 võ sinh và các võ sư ở các môn phái biểu diễn những bài quyền đặc sắc và những trận đấu đối kháng chất lượng. Đây là hoạt động đặc trưng nhằm nâng cao tính cọ xát của người học võ; đồng thời để giao lưu, học hỏi và rèn luyện tinh thần thượng võ trong các võ sinh. Võ sư cao cấp Nguyễn Xuân Du cho biết, năm nào cũng vậy, ngày hội võ thuật cổ truyền đầu xuân không chỉ có những người luyện võ tham gia mà còn thu hút đông đảo người dân ở các làng xã quanh vùng đến xem rất đông. Ai cũng hào hứng, thích thú khi được xem các thế võ cổ truyền gần gũi, được hình thành từ cuộc sống hàng ngày. Trong các màn biểu diễn võ thuật, những nông cụ bao đời gắn bó thân thương với người nông dân như cái cuốc, cái cào, chiếc khăn… đã trở thành những món binh khí hết sức lợi hại…
 
Như thường lệ, buổi chiều sau khi kết thúc ngày hội biểu diễn võ thuật cổ truyền, thầy trò lại quây quần bên ấm nước, khay kẹo, mứt ngày Tết để hàn huyên chuyện võ, chuyện đời. Theo võ sư Nguyễn Xuân Du, học võ không phải là đánh đấm mà phải gắn liền với chữ "đạo", đó chính là đạo lý. Khi một môn sinh theo vào học ở một môn phái thì rất chú trọng đến đạo lý, rèn luyện ý chí, tinh thần chứ không phải là đánh đấm tay chân. Vì vậy, học võ không chỉ giúp rèn luyện về sức khỏe mà còn giúp rèn luyện về tinh thần, về ý chí và về đạo đức của mỗi người…Và có lẽ, từ những màn biểu diễn võ thuật cổ truyền đẹp mắt và những đạo lý về võ học rất gần gũi đó mà các võ đường võ cổ truyền ở Lệ Thủy ngày càng thu hút đông đảo môn sinh; qua đó đã góp phần lưu giữ và phát huy những nét tinh hoa của võ thuật cổ truyền Việt Nam.
 
Lan tỏa phong trào tập võ cổ truyền
 
Thời gian qua, cùng với niềm đam mê võ thuật cổ truyền, các võ sư ở trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã tích cực giảng dạy, trao truyền và nhân rộng phong trào tập luyện trong toàn huyện.
Võ sinh nữ ở Lệ Thủy ra đòn ở nội dung thi đấu đối kháng.
Võ sinh nữ ở Lệ Thủy ra đòn ở nội dung thi đấu đối kháng.
Võ sư cao cấp Nguyễn Xuân Du (xã Cam Thủy) mở võ đường, chiêu mộ môn sinh từ năm 1997 đến nay, nhưng ngoài số tiền thu phí may võ phục đai đẳng ra, trong suốt thời gian theo học, ông không bao giờ thu thêm một đồng học phí nào của võ sinh. Đến nay, lớp võ của thầy Du có hơn 200 võ sinh thường xuyên theo học. Các võ đường khác của võ sư Đặng Hữu Hiệp (Lộc Thủy), chuẩn võ sư Trần Ngọc Vũ (Hồng Thủy)… đã đào tạo ra hàng chục HLV, vận động viên (VĐV) võ thuật xuất sắc của huyện nhà. Tiêu biểu như các võ sinh: Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Thu Hoài (môn phái Thiếu Lâm Mai Hãn), Nguyễn Xuân Khải (môn phái Võ Kinh Vạn An). Đặc biệt, có HLV kiêm VĐV Phạm Duy Út (học trò ưu tú của võ sư Đặng Hữu Hiệp), người đã từng giành huy chương đồng giải vô địch võ thuật cổ truyền toàn quốc năm 2012 tại Đà Nẵng. Anh cũng đã giành nhiều huy chương ở các giải khu vực và 4 huy chương vàng trong liên tiếp hai kỳ đại hội thể dục-thể thao tỉnh Quảng Bình bộ môn võ thuật cổ truyền.
 
Cũng từ những người thầy tâm huyết đó, võ học cổ truyền ở quê lúa Lệ Thủy đã có những bước phát triển vượt bậc, tinh thần thượng võ được phát huy, tinh hoa võ cổ truyền dân tộc được lưu giữ… Hàng năm, các VĐV võ thuật cổ truyền ở Lệ Thủy tham gia thi đấu các giải võ thuật do tỉnh Quảng Bình tổ chức đều đạt kết quả cao. Đơn cử, tại giải võ cổ truyền Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII năm 2018, đoàn võ thuật cổ truyền huyện Lệ Thủy đã thi đấu xuất sắc, giành giải nhất toàn đoàn với 7HCV, 5HCB và 1HCĐ…
 
Mùa xuân Canh Tý 2020, huyện Lệ Thủy đã quyết định đưa biểu diễn võ thuật cổ truyền vào lễ hội chùa Hoằng Phúc. Du khách thập phương và người dân Lệ Thủy đến du xuân, trẩy hội chùa Hoằng Phúc sẽ rất ấn tượng khi được chiêm ngưỡng tinh hoa võ thuật cổ truyền Lệ Thủy biểu diễn ngay tại ngôi chùa cổ nhất ở miền Trung này.
Lâm An