Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hang Văn Công

  • 15:01 | Thứ Tư, 25/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong chuyến công tác cùng đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa tại huyện Lệ Thủy, chúng tôi có dịp đến hang Văn Công, xã Ngân Thủy. Hang đẹp như một cung điện giữa đại ngàn Trường Sơn với hệ thống thạch nhũ muôn hình muôn vẻ. Khoảng không gian trong hang rộng, là "sân khấu" để các đơn vị bộ đội tổ chức hội họp và diễn văn nghệ trong những ngày tháng kháng chiến chống Mỹ. Có lẽ cái tên hang Văn Công cũng bắt nguồn từ đặc điểm này. 
 
“Cung điện” giữa đại ngàn
 
Hang Văn Công cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 50km, ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy). Để đến được hang, chúng tôi đi bộ chừng 20 phút xuyên qua cánh rừng nguyên sinh còn nhiều gỗ quý được bà con bảo vệ. Theo giới thiệu của người dẫn đường, hang có chiều dài khoảng 1km, có hai cửa ra, vào nằm ở hai hướng. Cuộc khám phá của đoàn bắt đầu từ cửa hướng đông.
 
Cửa hang nằm ở lưng chừng núi đá vôi rất hẹp, chỉ đủ cho một người lọt qua. Khi vào bên trong, hang càng rộng và rất tối, đoàn chúng tôi phải dùng đèn mới có thể ngắm thạch nhũ muôn hình vạn trạng trong hang. Vào sâu khoảng 30m, hang hẹp lại, chỉ đủ cho một người đi qua.
 
Rẽ trái, đi thêm khoảng 100m, một cảnh tượng tráng lệ đến ngỡ ngàng. Hang rộng thênh thang như một cung điện được trang trí bởi môn vàn thạch nhũ, đủ màu sắc huyền ảo.
Hệ thống thạch nhũ trong hang Văn Công rất lộng lẫy
Hệ thống thạch nhũ trong hang Văn Công rất lộng lẫy
Từ đây đi khoảng 150m và rẽ trái, một không gian rộng lớn hiện ra. Vòm hang ở đoạn này cao khoảng 10m, rộng chừng 20m. Dưới chân là những viên đá với nhiều kích cỡ khác nhau trông rất bắt mắt.
 
Xung quanh khu vực này được trang trí bởi muôn vàn khối thạch nhũ lộng lẫy, nhiều hình dạng khác nhau. Hang có 7 cột thạch nhũ dựng lên đến trần hang, được tạo hóa chạm trổ đủ hình thù và hiện ra lung linh dưới ánh đèn pin mờ ảo. Gần cột thạch nhũ này có một hố rất sâu, ánh đèn rọi xuống vẫn không thấy đáy. Điều đặc biệt là khu vực này có một hang thông gió nên tạo không gian cảm giác mát lạnh và thoáng đãng.
 
Tiếp tục cuộc hành trình khoảng 200m, chúng tôi bắt gặp một thác nước. Dù thời điểm đó là mùa khô, bên ngoài rất nóng nhưng trong hang đọng lại những vũng nước trong vắt. Về mùa mưa lũ, thác nước chảy từ trên cao xuống tạo thành những “ruộng bậc thang” trong lòng núi, đá dưới những bậc thang có màu vàng óng rất đẹp.
 
Càng vào sâu, hang càng rộng, có chỗ vòm cao hàng chục mét được trang trí bằng những mảng thạch nhũ như những chiếc đèn chùm nhiều màu sắc. Đây này còn là nơi trú ngụ của hàng nghìn con dơi lớn, nhỏ.
 
Phía cuối hang chính là sân khấu được các lực lượng vũ trang tạo dựng trong những năm chống Mỹ để tổ chức hội họp và diễn văn công, văn nghệ. Khu vực sân khấu có diện tích hàng trăm mét vuông, đủ cho khoảng 200 người ngồi theo dõi.
 
Sân khấu được kết bằng đá, mặt trước rộng khoảng 10m, hai bên cánh gà chừng 7m khá bằng phẳng. Trên vòm sân khấu cũng có rất nhiều thạch nhũ, đa dạng màu sắc. Khán đài cũng được kết lại bằng đá tạo thành những bậc từ thấp lên cao. Từ mặt sân khấu nhìn ra thấy cửa hang hướng tây với cánh rừng nguyên sinh còn nhiều cây gỗ quý.
 
“Địa chỉ đỏ” trong lòng núi
 
Ông Đoàn Thị, sinh năm 1947, nguyên cán bộ Đoàn văn công của Tỉnh đội Quảng Bình là người đã từng vào hang Văn Công để diễn phục vụ bộ đội, nhân dân nhớ lại: Khu vực đường 10 qua xã Ngân Thủy ngày đó có nhiều lực lượng vũ trang đóng quân và hành quân qua. Sau năm 1965, giặc Mỹ ném bom xuống đây rất nhiều nên các hang núi đá vôi là điểm lý tưởng để quân và dân trú ẩn.
 
Hang Văn Công có nhiều đơn vị từ đóng quân, trong đó chủ yếu là của Đoàn 559. Hang có thể làm nơi trú ẩn cho hàng trăm người. Cứ mỗi dịp có hội họp, đơn vị thường cử một đội lên để biểu diễn. Trang phục biểu diễn thời đó chủ yếu là quần áo bộ đội. Hệ thống âm thanh gồm bình ắc quy đấu vào một cái loa 25 và pi cớp (mích) để hát. Ánh sáng sân khấu là những cái đèn bóng song hoặc đuốc Cà Bong lấy từ Lào về.
 
Ông Nguyễn Văn Tơi, 78 tuổi, ở xã Ngân Thủy tiếp lời: “Cứ mỗi lần nghe có đoàn nào về diễn văn công, văn nghệ trong hang là dân làng quanh đây đốt đuốc đến xem nhiều lắm. Mọi người ai cũng vui, hớn hở như đi trẩy hội. Cũng vì cái hang này thường có đoàn về diễn văn công nên người dân và bộ đội gọi là hang Văn Công”.
 
Thời đó, gia đình ông Tơi sống cách hang chừng 1km. Khu vục này đất đai khá màu mỡ nên người dân theo bộ đội vào sống khá đông. Hàng ngày, đồng bào lao động sản xuất, trồng lúa, ngô, sắn để tự túc lương thực và nuôi bộ đội.
 
Ông Nguyễn Dương, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: “Hang Văn Công rất đẹp và có giá trị lịch sử. Đó được xem như là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, là nơi để các lực lượng vũ trang tìm đến, ôn lại những kỷ niệm hào hùng của dân tộc, đất nước trong những năm chiến tranh”.
 
Xuân Vương