.
Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2018):

Ký ức ngày toàn thắng

.
08:28, Thứ Hai, 30/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đại tá Trương Quang Siều (71 tuổi, quê ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) là một trong những người lính có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 lịch sử. Ngày ấy, ông mới 25 tuổi nhưng đã là một Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 anh hùng) chỉ huy một đoàn quân trong đội hình binh đoàn thọc sâu tiến vào Sài Gòn…

Đã 43 năm trôi qua, từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc sống đổi thay với nhiều thăng trầm biến cố, nhưng cựu chiến binh Trương Quang Siều vẫn nhớ như in từng giây phút hào hùng của ngày đại thắng. Trong suốt buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Quảng Bình, nụ cười luôn nở trên gương mặt người cựu binh đã ngoài 70 tuổi.

Có lẽ niềm hạnh phúc chiến thắng vẫn đang rạo rực như ngày ông cùng đồng đội chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng cũng có nhiều lần ông rơi nước mắt vì xúc động nghẹn ngào, đó là lúc ông nhớ đến những người đồng đội đã nằm xuống, có những người hy sinh chỉ cách ngày toàn thắng mấy giờ đồng hồ…

Trong đội hình binh đoàn thọc sâu

Giống như bao thanh niên khác lớn lên khi đất nước còn chiến tranh loạn lạc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 12-1966, lúc mới 17 tuổi, chàng trai Trương Quang Siều rời làng Tân Lý (nay là xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, ông được cử đi học ở Trường sỹ quan lục quân (Sơn Tây). Tháng 10-1972, ông tốt nghiệp và được biên chế về Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, đóng quân ở Quảng Trị.

Chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 66 (Sư 304 anh hùng), ông tham gia nhiều trận đánh, chiến dịch như: giải phóng Quảng Trị năm 1973, giải phóng quận Thuận Đức (Quảng Nam-Đà Nẵng) năm 1974, giải phóng Đà Nẵng tháng 3-1975.

 “Sau khi giải phóng Đà Nẵng, đơn vị của tôi đang đóng quân và huấn luyện bổ sung quân thì ngày 7-4-1975, chúng tôi nhận được bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!".

Đại tá Trương Quang Siều, người cựu Tiểu đoàn trưởng 25 tuổi có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975
Đại tá Trương Quang Siều, người cựu Tiểu đoàn trưởng 25 tuổi có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975

Bức điện như một mệnh lệnh lịch sử để các cánh quân, trong đó có chúng tôi tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng của quân thù. Chúng tôi vừa hành quân vừa đánh địch, tham gia giải phóng Hàm Tân (Bình Thuận), Căn cứ Nước Trong (Đồng Nai). Sau khi chiếm Căn cứ Nước Trong, đơn vị chúng tôi tập kết tại Đồn điền Ông Quế (Đồng Nai) để bổ sung quân, nhận thêm vũ khí chuẩn bị đánh vào Sài Gòn.

Tại đây Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) và Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 của Quân đoàn 2 được tổ chức thành binh đoàn thọc sâu có nhiệm vụ đánh thẳng vào 4 mục tiêu: Dinh Độc Lập, Tổng Nha Cảnh sát, Đài Phát thanh và Thương cảng Sài Gòn. Lúc đó tôi là Tiểu đoàn trưởng, được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng Đại đội 8 cùng với lực lượng của Lữ đoàn 203 đánh vào Dinh Độc Lập”, ông Siều kể lại.

Vượt qua 2 “cánh cửa sinh tử” tiến vào Sài Gòn

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Siều vẫn nhớ như in cảm giác thôi thúc rạo rực vào chiều ngày 29-4-1975. Và đêm đó cũng là đêm ác liệt nhất, đêm mấu chốt quyết định chiến thắng toàn vẹn của quân và dân ta.

Theo ông Siều, trong cuộc tấn công tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, lực lượng thọc sâu phải đối mặt với 2 “cánh cửa sinh tử” là vượt cầu sông Buông và vượt qua sông Sài Gòn. “Đêm 29 rạng sáng ngày 30-4, trên đường tiến công của lực lượng thọc sâu, khi đến cầu sông Buông thì cầu bị sập, địch rút chạy phá cầu. Lúc đó các lực lượng quân ta phải tìm cách bắc cầu, vượt sông, công việc bắt đầu từ 20giờ đêm đến 3giờ sáng cầu mới hoàn thành.

Tại cầu Sài Gòn, trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, quân địch trong tâm lý không còn gì để mất nên còn bao nhiêu đạn đều xả hết và đó cũng là giây phút “một mất, một còn” tranh giành nhau giữa sự sống và cái chết. Nhưng quân ta vẫn “thẳng đường mà tiến” không hề có chút sợ hãi. Chúng tôi đã thắng bằng ý chí kiên cường, địch phải rút lui, cũng là thời khắc quyết định để quân ta đánh vào Dinh Độc Lập”, ông Siều nhớ lại.

“Trong đoàn quân chiến thắng, chúng tôi tiến thẳng vào chiếm Dinh Độc Lập đúng vào trưa 30-4-1975 lịch sử. Trên đường vào thấy người dân rất phấn khởi, kéo ra hết ngoài đường vẫy chào đoàn xe của quân giải phóng. Trong thời khắc lịch sử thiêng liêng đó, nhiều lần nước mắt chúng tôi tuôn trào. Để có ngày đại thắng hôm nay, biết bao đồng đội của chúng tôi đã nằm xuống, có người hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn, cách ngày toàn thắng chỉ vài giờ đồng hồ…”, ông Siều kể tiếp.

Giữ trọn phẩm chất người lính

Sau ngày chiến thắng, ông Siều và đơn vị của ông được lệnh hành quân lên Lâm Đồng để truy quét Phun-rô. Tháng 8-1976, ông là một trong 3 người của Quân đoàn 2 được cử đi Liên Xô học trường quân sự cao cấp. Tuy nhiên cũng năm đó, bố ông mất nên ông xin không đi học để về quê chịu tang. Sau đó, ông được cử đi học ở Học viện quân sự Đà Lạt, đến năm 1986 ra trường.

Trong năm 1986, ông được phong quân hàm thượng tá, được bổ nhiệm làm Sư phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 304, lúc đó mới 35 tuổi, là một trong những cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn trẻ nhất lúc bấy giờ. Đến tháng 5-1992, ông được phân công về công tác tại Bộ CHQS tỉnh giữ chức Chỉ huy phó. Tháng 3-2007, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu với quân hàm đại tá.  Trở về quê hương người cựu binh ấy vẫn luôn hăng say trong lao động sản xuất và các hoạt động ở địa phương.

Khi nói đến ông Siều, bà con ở xã Minh Hóa (Minh Hóa) đều bày tỏ sự kính trọng, mến mộ một người cựu binh đầy nhiệt huyết, đã dành trọn tuổi thanh xuân để chiến đấu bảo vệ quê hương, giải phóng miền Nam. Khi về hưu ông đã đóng góp rất nhiều cho địa phương qua các phong trào do Hội Cựu chiến binh phát động. Ông Siều có 5 người con, trong đó có 2 người con trai theo nghiệp bộ đội của ông, 3 người còn lại thì đều theo nghề giáo viên. Đó cũng là điều mà ông Siều thấy mãn nguyện nhất.

“Tôi được Đảng, Nhà nước và Quân đội đào tạo. Niềm hạnh phúc và tự hào của bản thân tôi không chỉ là được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mà trong hàng chục năm phục vụ trong quân đội bản thân đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được Đảng và Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương như: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì…và không vi phạm bất kỳ một kỷ luật nào. Tôi cũng rất tự hào về những đứa con của mình, tất cả 5 đứa đều có ý thức tự rèn luyện, vươn lên trong học tập, công tác mà không hề cậy thế, ỷ lại vào ai…”, ông Siều tự hào tâm sự.

Phan Phương

 

,
  • Chiến sỹ đặc công giữa đời thường

    (QBĐT) - Chúng tôi về thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch)  gặp Anh hùng LLVTND Trịnh Xuân Bảng, người chiến sỹ đặc công từng nổi tiếng với những trận đánh oai hùng.  Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi ba năm ,nhưng kỷ niệm về một thời hào hùng ấy vẫn sống mãi  trong ký ức của ông và đồng đội.

    30/04/2018
    .
  • Ba Đồn, những ngày tháng tư...

    (QBĐT) - Toạ lạc bên bờ Bắc sông Gianh, phường Ba Đồn (trước kia là thị trấn Ba Đồn, thuộc huyện Quảng Trạch), thị xã Ba Đồn, không chỉ lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống quý giá, mà còn là miền quê cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

    30/04/2018
    .
  • Tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng

    (QBĐT) - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) là nơi sơ tán các cơ quan, xí nghiệp và hậu cứ tập kết của nhiều đơn vị, binh chủng trước khi vào chiến trường.

    30/04/2018
    .
  • "Áo mới" Quảng Châu

    (QBĐT) - Từ một vùng đất từng bị bom đạn chiến tranh cày xới hoang tàn, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực kiến thiết quê hương của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) nay đã khoác lên mình "tấm áo mới" ...

    29/04/2018
    .
  • Trần Bình Ngũ, vị quan thanh liêm Triều Nguyễn

    (QBĐT) - Xuất thân là một thợ rèn bình dị tại làng quê nghèo Phan Xá thuộc tổng Khang Lộc, phủ Tân Bình (nay là xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Trần Bình Ngũ còn có các tên gọi khác là Trần Bình Năm, Trần Bình Phủ hay Trần Trung Hầu.

    26/03/2018
    .
  • Đình làng Lệ Sơn

    (QBĐT) - Đình làng Lệ Sơn nằm trên một khu đất bằng phẳng, thuộc thôn Trung Làng, ở vị trí trung tâm của xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đình làng là di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của làng Lệ Sơn xưa.

    21/04/2018
    .
  • Di tích lịch sử trong lòng Di sản

    (QBĐT) - Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi hiện còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử oai hùng từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    21/03/2018
    .
  • Sẵn sàng cho Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng Ba

    (QBĐT) - LTS: Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng Ba huyện Minh Hóa năm 2018 diễn ra từ ngày 25 đến 30-4-2018 (tức từ ngày 10 đến 15-3 âm lịch) nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn...

    18/04/2018
    .