.

Di tích lịch sử trong lòng Di sản

.
08:40, Thứ Tư, 21/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi hiện còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử oai hùng từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Do vậy, Phong Nha-Kẻ Bàng, bên cạnh là điểm đến hấp dẫn của du lịch sinh thái, du lịch khám phá hang động, còn được nhiều du khách đặc biệt quan tâm bởi nét riêng có của các di tích lịch sử chiến tranh.

 

Bia tưởng niệm bến phà B Nguyễn Văn Trỗi.
Bia tưởng niệm bến phà B Nguyễn Văn Trỗi.

Trên tuyến đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, khởi phát và xuyên qua lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Nằm trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, di tích dốc Ba Thang tại Km 16 là 1 trong 37 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Dốc Ba Thang nổi tiếng về hiểm trở và khó khăn trong giai đoạn mở đường 20 mùa xuân năm 1966, gắn với chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” của Trung đoàn 10 công binh.

Những chiến sĩ công binh của Trung đoàn 10 treo mình trên vách đá, mồ hôi ướt đẫm vai áo, phải đứng trên đỉnh ba chiếc thang tre nối với nhau để đục lỗ, phá mìn và mất 9 tấn thuốc nổ mới xuyên thủng được dốc Ba Thang.

Sau 15 ngày đêm liên tục thi công với choòng tay và thuốc nổ, các chiến sĩ đã làm nên kỳ tích “san phẳng” dốc Ba Thang. Đến giữa tháng 4-1966, đoạn đường qua đỉnh dốc Ba Thang đã thông. Để làm được điều đó, gần 8.000 người đã tham gia mở đường, phần lớn họ đều đang ở tuổi 20, mồ hôi và máu của họ đã đổ trên mỗi thước đường.

Cũng là 1 trong 37 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt của hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn, hang Thông Tin tại Km 4 đường 20 Quyết Thắng, nằm trong phân khu hành chính Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Nơi đây gắn liền với sự hy sinh, gian khổ của các cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A70, Tiểu đoàn 133 thông tin-Bộ Tư lệnh 559.

Trạm cơ vụ A70 hoạt động trong thời gian 8 năm với nhiệm vụ bảo đảm mạch máu thông tin thông suốt, kịp thời chính xác. Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ địch, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A70 vẫn chiến đấu kiên cường nhằm bảo đảm thông tin liên lạc trên toàn tuyến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trạ Ang là một trong những trọng điểm, mục tiêu oanh tạc của không lực Hoa Kỳ. Trọng điểm Trạ Ang ở điểm cao 150m, dài 5km, lòng đường hẹp, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu.

Nơi đây là yết hầu quan trọng trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, nên kẻ địch ra sức bắn phá, ngăn chặn tàn khốc. Có đợt, chúng đánh phá 87 ngày đêm liên tục với 793 trận đánh, có ngày chúng đánh đến 27 lần chiếc B52 và 30 lần chiếc máy bay khác, ném bom toạ độ làm hàng trăm người bị thương và hy sinh.

Dù cho mưa bom, bão đạn, khó khăn và nguy hiểm chồng chất nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng”, tại suối Trạ Ang, quân và dân ta vẫn quyết tâm để vận chuyển xăng phục vụ cho tiền tuyến.

Để vận chuyển 60 phuy xăng tới điểm tập kết phải mất 6 ngày (25-9-1968 đến 1-10-1968), nhưng tới nơi chỉ còn 30 phuy xăng và đã có tới 29 người hy sinh, máu đã nhuốm đỏ cả dòng suối Trạ Ang. Suối Trạ Ang trở thành “huyền thoại xăng và máu” của bộ đội Trường Sơn. Với những kỳ tích đi vào huyền thoại lịch sử vẻ vang của dân tộc, trọng điểm Trạ Ang đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cùng với trọng điểm Trạ Ang, trong lòng di sản Phong Nha-Kẻ Bàng còn chứa đựng rất nhiều những địa danh lịch sử, nơi một thời quân và dân ta đã làm nên bao chiến công anh hùng, vẻ vang, như: trọng điểm A.T.P (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích), bến phà Xuân Sơn, bến phà B Nguyễn Văn Trỗi, hang Y Tá, Khe Ve, Cổng Trời, đồi Cha Quang, đèo Mụ Giạ, sân bay Khe Gát..

Đặc biệt, hang Tám TNXP, di tích quốc gia đặc biệt, một trong những trọng điểm bị bom đạn Mỹ đánh phá ngày đêm nhằm chặt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Để giữ cho tuyến đường chi viện luôn được thông suốt, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã nỗ lực hết sức mình, ngày đêm làm đường, lấp hố bom để bảo vệ cung đường.

Ngày 14-11-1972, một tổ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường này thì bị máy bay Mỹ bắn làm sập một tảng đá lớn (khoảng 100 tấn), lấp kín luôn cửa hang. Sau đợt ném bom của địch, đồng đội đã tập trung dốc hết sức, tìm đủ mọi cách nhưng vì khối đá quá lớn, dẫu biết các anh, các chị còn sống nhưng đành bất lực để đồng đội hy sinh.

Hang Trạ Ang ngày nay được Công ty TNHH Jungleboss đưa vào khai thác du lịch hiệu quả.
Hang Trạ Ang ngày nay được Công ty TNHH Jungleboss đưa vào khai thác du lịch hiệu quả.

Cả 8 thanh niên xung phong cùng quê Thanh Hoá, cùng nhập ngũ một ngày và 5 đồng chí bộ đội pháo phòng không đã anh dũng hy sinh. Cái chết bi hùng của các anh, các chị làm xúc động lòng người, thôi thúc quyết tâm chiến đấu thắng giặc Mỹ của những người ở lại.

Ngày nay, các di tích lịch sử nơi đây đã trở thành những địa danh lịch sử văn hoá lưu niệm, khắc sâu bao sự kiện, chiến công hiển hách của bộ đội Trường Sơn, là biểu tượng cao cả của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, xả thân, hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Hằng ngày, những di tích lịch sử này đón hàng trăm, hàng nghìn lượt người đến tham quan, dâng hương tưởng niệm. Tuy nhiên, bên cạnh những di tích lịch sử đã được gìn giữ và phát huy tốt giá trị thì vẫn còn đó những di tích chưa được xây dựng bia tưởng niệm, bảo tồn tôn tạo, như: di tích hang Thông Tin, dốc Ba Thang...

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp để bảo vệ, tôn tạo lại những di tích lịch sử đã bị hư hỏng nhằm trả lại giá trị vốn có của nó.

Cát Nhiên-Mai Thùy

 

,
  • Độc đáo cung đường bích họa

    (QBĐT) - Trải qua gần 375 năm hình thành và phát triển, hiện nay, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) là một trong những địa phương có hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn tốt nhất ở tỉnh Quảng Bình.

    25/02/2018
    .
  • Danh sỹ Huỳnh Côn một đời tài trí

    (QBĐT) - Những ngày cuối năm, bên bàn thờ tiên tổ nghi ngút khói hương, gia tộc họ Hoàng xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) lại tề tựu bên nhau. Với dòng tộc nơi làng biển này, ông là niềm tự hào truyền đời, là tấm gương của tài trí, đỗ đạt để đời đời con cháu noi theo. Ông là danh sỹ Huỳnh Côn (1850 – 1925).

    25/02/2018
    .
  • Hai vị tướng với công trạng khai khẩn đất Quảng Bình

    (QBĐT) - Nếu Thượng thư Đại hành khiển Trần Bang Cẩn là người có công mở mang miền đất sông Gianh thì vị tướng Hồ Cưỡng, ngoài việc đánh giặc giữ yên biên cõi, ông còn khai canh vùng đất ven biển Quảng Bình. Cả hai vị danh tướng thời nhà Trần được người dân trong vùng tôn là Thành hoàng và thờ phụng rất tôn kính.

    18/03/2018
    .