.
Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2018):

"Áo mới" Quảng Châu

.
16:06, Chủ Nhật, 29/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ một vùng đất từng bị bom đạn chiến tranh cày xới hoang tàn, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực kiến thiết quê hương của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) nay đã khoác lên mình "tấm áo mới" ...

Chúng tôi trở lại xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch đúng vào dịp cả nước đang hướng tới kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Châu là mảnh đất đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một mô hình kinh tế gia trại ở Quảng Châu cho hiệu quả kinh tế cao.
Một mô hình kinh tế gia trại ở Quảng Châu cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Châu đã tạm gác lại những đau thương mất mát để tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong việc xây dựng và kiến thiết quê hương...

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Châu (tập 1), tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Quảng Châu, máy bay địch đã đánh 4.674 vụ lớn, nhỏ, với hàng chục ngàn quả bom, đạn các loại, làm chết 295 người và hàng trăm người bị thương, 100% số hộ gia đình và các công trình phúc lợi công cộng bị đánh phá gây thiệt hại nặng nề...

Chiến tranh chống đế quốc Mỹ kết thúc, Quảng Châu có 75 gia đình liệt sĩ, 175 thương bệnh binh, 1 anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Văn Lái, 8 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 300 gia đình nhường nhà ở cho Nhà nước cất trữ gạo, lương thực, thực phẩm, súng đạn..., 90% hộ gia đình đã nhường một phần nhà ở, đất ở cho nhân dân trong huyện đến sơ tán giai đoạn 1964-1975...

Để ghi nhận về những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Châu, ngày 24-7-2002, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 466 KT/CTN về việc phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho địa phương.

Nhắc về những năm tháng hào hùng, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Châu không khỏi xúc động bởi chính ông và đồng đội, người thân ruột thịt, bà con trong xã từng một thời đội mưa bom, bão đạn để cùng nhân dân cả nước quyết bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất của quê hương trước sự xâm lăng của giặc Mỹ.

Ông Hùng tự hào kể về quê hương của mình: “Đây là vùng trọng điểm đánh phá của địch nên chiến tranh rất ác liệt. Từng bị máy bay Mỹ đánh phá nhiều lần, nhưng quân và dân xã Quảng Châu vẫn không ngại hy sinh gian khổ, hết mình góp công phục vụ đất nước đánh bại quân xâm lăng.

Dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, quân và dân Quảng Châu vẫn  tổ chức cứu thương, an táng liệt sỹ cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn xã. Ngoài ra, nhân dân địa phương còn tham gia làm trận địa, tổ chức ngụy trang, làm hầm hào để vừa chiến đấu, vừa sản xuất, cất trữ lương thực...

Biết bao lớp người trong xã đã không tiếc máu xương để bảo vệ bình yên cho mảnh đất này, do đó, trách nhiệm của những người còn sống là phải cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, khang trang hơn".

Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của những người lính Cụ Hồ trong thời đại mới, hiện Quảng Châu đã có hàng trăm hội viên cựu chiến binh tích cực tham gia nuôi cá nước ngọt, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ; trên 200 hội viên cựu binh tham gia phủ xanh đất trống đồi núi trọc kết hợp với phát triển kinh tế trang trại, gia trại... Chính nhờ tiên phong trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của cựu binh ở Quảng Châu đã giảm còn 68 hộ (chủ yếu là các trường hợp bệnh tật, già yếu).

Cựu chiến binh Đặng Văn Lệ, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thuỷ sản xã Quảng Châu tâm sự: "Trước đây, khu vực này phần lớn là đất nhiễm mặn, lắm phèn chua nên người dân trong xã chủ yếu bỏ hoang hoặc chỉ trồng được 1 vụ lúa bấp bênh. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi và một số cựu chiến binh trong xã quyết "đánh liều" bỏ tiền túi xin chính quyền xã cho cải tạo đất để nuôi tôm thử nghiệm.

Sau vài lần thất bại do thiếu kinh nghiệm, nhưng với quyết tâm của những người lính Cụ Hồ không thể bỏ cuộc trước mọi khó khăn, cuối cùng chúng tôi cũng biến khu đất này trở thành diện tích nuôi trồng thuỷ sản rất hiệu quả. Từ chỗ ban đầu chỉ có vài hộ nuôi tôm, sau đó phong trào được nhân rộng ra hàng chục hộ khác. Năm 2015, tôi và một số cựu chiến binh trong xã đã đứng ra thành lập tổ hợp tác nuôi tôm nhằm hoạt động thuận lợi hơn.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng là hướng làm giàu mới của nhiều hộ dân xã Quảng Châu.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng là hướng làm giàu mới của nhiều hộ dân xã Quảng Châu.

Đến năm 2017, tổ đã chuyển đổi sang mô hình HTX. Hiện HTX của chúng tôi đã có 85 xã viên (trong đó có khoảng 20 xã viên là cựu chiến binh), tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 20 ha. Chính nhờ có nghề nuôi tôm, bình quân thu nhập mỗi xã viên trong HTX đã đạt trên 50 triệu đồng/năm (cao hơn từ 12 đến 15 lần so với trồng lúa trước đây). Tiêu biểu như cựu chiến binh Nguyễn Minh Tuấn nhờ nuôi tôm mà có lãi ròng chừng 300 triệu đồng/năm, cựu chiến binh Đặng Văn Lệ lãi ròng trên 200 triệu/năm..."

Theo Bí thư Đảng ủy xã Quảng Châu Nguyễn Ngọc Sơn, mặc dù địa hình bán sơn địa, điều kiện kinh tế-xã hội còn lắm khó khăn, hàng năm thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai..., nhưng với quyết tâm xây dựng và kiến thiết quê hương, đến cuối năm 2017, xã Quảng Châu đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới; tổng giá trị sản xuất 197 tỷ đồng; sản lượng lương thực 4.368 tấn; tổng đàn gia súc 11.329 con và đàn gia cầm 40.933 con; thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ gia đình đạt văn hoá trên 74%; tỷ lệ che phủ rừng 53%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,53%...

Về Quảng Châu hôm nay, những con đường nông thôn đang được đầu tư mở rộng, bê tông hoá kiên cố. Dọc theo các trục đường ngày càng mọc lên san sát các ngôi nhà mới khang trang. Quanh xã là những cánh đồng lúa xanh mướt, trải rộng với những vụ mùa bội thu đem lại sự ấm no cho người nông dân. Phía tây của xã, những cánh rừng kinh tế vừa giữ màu xanh cho đất vừa là hướng làm giàu mới của nhiều hộ dân. Các công trình điện, đường, trường, trạm, chợ cũng được đầu tư xây mới, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Văn Minh





 

,
  • Trần Bình Ngũ, vị quan thanh liêm Triều Nguyễn

    (QBĐT) - Xuất thân là một thợ rèn bình dị tại làng quê nghèo Phan Xá thuộc tổng Khang Lộc, phủ Tân Bình (nay là xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Trần Bình Ngũ còn có các tên gọi khác là Trần Bình Năm, Trần Bình Phủ hay Trần Trung Hầu.

    26/03/2018
    .
  • Độc đáo cung đường bích họa

    (QBĐT) - Trải qua gần 375 năm hình thành và phát triển, hiện nay, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) là một trong những địa phương có hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn tốt nhất ở tỉnh Quảng Bình.

    25/02/2018
    .
  • Danh sỹ Huỳnh Côn một đời tài trí

    (QBĐT) - Những ngày cuối năm, bên bàn thờ tiên tổ nghi ngút khói hương, gia tộc họ Hoàng xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) lại tề tựu bên nhau. Với dòng tộc nơi làng biển này, ông là niềm tự hào truyền đời, là tấm gương của tài trí, đỗ đạt để đời đời con cháu noi theo. Ông là danh sỹ Huỳnh Côn (1850 – 1925).

    25/02/2018
    .
  • Đình làng Lệ Sơn

    (QBĐT) - Đình làng Lệ Sơn nằm trên một khu đất bằng phẳng, thuộc thôn Trung Làng, ở vị trí trung tâm của xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đình làng là di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của làng Lệ Sơn xưa.

    21/04/2018
    .
  • Di tích lịch sử trong lòng Di sản

    (QBĐT) - Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi hiện còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử oai hùng từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    21/03/2018
    .
  • Sẵn sàng cho Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng Ba

    (QBĐT) - LTS: Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng Ba huyện Minh Hóa năm 2018 diễn ra từ ngày 25 đến 30-4-2018 (tức từ ngày 10 đến 15-3 âm lịch) nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn...

    18/04/2018
    .
  • Hai vị tướng với công trạng khai khẩn đất Quảng Bình

    (QBĐT) - Nếu Thượng thư Đại hành khiển Trần Bang Cẩn là người có công mở mang miền đất sông Gianh thì vị tướng Hồ Cưỡng, ngoài việc đánh giặc giữ yên biên cõi, ông còn khai canh vùng đất ven biển Quảng Bình. Cả hai vị danh tướng thời nhà Trần được người dân trong vùng tôn là Thành hoàng và thờ phụng rất tôn kính.

    18/03/2018
    .