Ngọn đèn "mở biển"

  • 06:26 | Thứ Sáu, 01/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, với tần suất và mức độ ngày càng ác liệt hơn. Thời điểm này, quân và dân Quảng Bình đã dũng cảm đương đầu, vừa sẵn sàng đánh địch lập công, vừa sản xuất và chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong bối cảnh đó, nghề cá Quảng Bình cũng gặp phải vô vàn khó khăn.
 
Lực lượng khai thác toàn ngành lúc này có một cơ sở là Xí nghiệp đánh cá Nhật Lệ, biên chế thành hai đội: Đội khơi gồm 10 tàu giã đôi vỏ thép 90CV; đội lộng gồm 8 tổ mành dắt ánh sáng (thường gọi đánh cá đèn), với 8 tàu vỏ gỗ 23CV và gần 30 thuyền gỗ các loại. Ngoài ra, hầu hết các xã vùng biển đều có HTX ngư nghiệp, mỗi HTX thường từ có 3-5 tổ sản xuất, nghề chủ yếu vẫn là đánh cá đèn. Mỗi tổ được trang bị 3 thuyền gỗ, gồm một thuyền mẹ là nơi thao tác chính; một thuyền dây; một thuyền đèn, nơi phát điện để thu hút luồng cá. Phần lớn các tổ đều được trang bị tàu vỏ gỗ 23CV để lai dắt đoàn thuyền. Tính ra, toàn tỉnh có trên 100 tổ đánh cá đèn, tại thời điểm ấy, lực lượng như vậy là khá mạnh.
 
Để chuẩn bị tiếp nhận hàng tại đảo La, theo kế hoạch mang mật danh “KHR1” do Thường vụ Tỉnh ủy triển khai, ngày 7/4/1972, lãnh đạo Ty Thủy sản điều 10 tàu 90CV của xí nghiệp tập kết tại sông Gianh, sẵn sàng đợi lệnh cấp trên. Đánh hơi thấy tàu ta xuất hiện, hai tàu khu trục của Mỹ tiến vào cách bờ chừng 15 hải lý, cấp tập pháo kích vào đoàn tàu.
 
Phía ta mở hết tốc lực, 9 tàu đã vào cửa sông Gianh an toàn, 1 tàu bị trúng đạn của địch, 3 thuyền viên bị thương, trong đó thuyền trưởng Đào Xuân Nghĩ đang cầm lái bị thương khá nặng. Cũng từ ngày này, số lượng các đợt đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ liên tục hơn. Ven biển Quảng Bình, chúng thả rất nhiều thủy lôi, bom từ trường phong tỏa các cửa sông, nhất là sông Gianh và sông Nhật Lệ. Trên biển, bóng những con tàu Mỹ cứ lởn vởn, án ngữ phía ngoài ngư trường của ta, khiến các tổ chưa thể rời bến đi đánh bắt.
Ông Đậu Thanh  Hương, người thợ máy phát điện trong chuyến
Ông Đậu Thanh Hương, người thợ máy phát điện trong chuyến "mở biển" năm xưa.

Đang giữa mùa cá nam nhưng toàn tuyến biển Quảng Bình không hề có con thuyền nào, ngọn đèn nào… Không thể phó mặc cho kẻ địch lộng hành, Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng giao nhiệm vụ cho Xí nghiệp đánh cá Nhật Lệ đi tiên phong rà phá thủy lôi và thắp lên ngọn đèn “mở biển” để bà con cùng ra khơi. Đảng ủy, Ban Giám đốc xí nghiệp họp, thành lập “Đội cảm tử”, thống nhất phương án dùng thuyền thúng kéo thùng phuy để rà phá thủy lôi, đồng thời quyết định giao cho tổ sản xuất của Đoàn Thanh niên (thường gọi là "Thuyền đoàn") làm nhiệm vụ “mở biển”. Biên chế của tổ gồm 16 người, do ông Trần Thanh Xuân làm thuyền trưởng, ông Nguyễn Văn Hữu làm thuyền phó kỹ thuật, Nguyễn Văn Nhung phụ trách máy tàu lai dắt, Đậu Thanh Hương phụ trách máy điện.

Nhận nhiệm vụ do cấp trên giao, toàn tổ "Thuyền đoàn" khẩn trương chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng ra khơi. Phương án do lãnh đạo xí nghiệp đưa ra đã cho kết quả đáng mừng. Chiếc thuyền thúng với hai tay dầm lực lưỡng, cách 200m phía sau, chiếc thùng phuy lướt tới đâu, tử thần lập tức lộ diện, những tiếng nổ làm tung những cột nước lên cao hàng chục mét, ai nấy thở phào. Vùng biển cửa Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú… đã được khơi thông nhưng câu hỏi: “Liệu bà con mình ra đánh bắt, kẻ địch có động thái gì không?”, còn chờ câu trả lời từ chuyến đi của Xí nghiệp đánh cá Nhật Lệ.     
 
Một đêm đầu tháng 5/1972, không dùng tàu lai dắt, anh em chèo tay để tránh sự nhòm ngó của địch. Ba con thuyền từ bờ Bắc lao nhanh sang bờ Nam cửa Nhật Lệ, rồi cứ thế vượt sóng ra làn nước 18-20m. Ngoài kia, mấy con tàu Mỹ cũng đã lên đèn. Thuyền trưởng cho đội hình thả neo phân tán để bảo đảm an toàn. Con thuyền chở chiếc máy phát điện chỉ có hai người: Nguyễn Văn Hữu, thuyền phó và Đậu Thanh Hương, thợ máy Sau khi đấu 4 cụm pha cắm lên mạn thuyền, Đậu Thanh Hương bình tĩnh cho xăng vào bình nhiên liệu rồi đạp cần khởi động. Chiếc máy phát điện UD2 của Liên Xô (cũ) chạy xè xè, ánh sáng từ 4 cụm đèn pha làm sáng rực cả một vùng biển, chỉ ít phút sau cá mực đã bơi đến đặc kín, mặt nước hai bên con thuyền như đang sôi lên.
 
Đêm đó, họ đã hai lần tung lưới, trên 1 tấn cá được thu về, gồm cá trích, bạc má, nục mộng và mực cơm… Suốt đêm ấy, cả cơ quan và các tổ thuyền bạn gần như không ngủ. Họ hồi hộp dõi theo ngọn đèn vẫn rực sáng trên biển. Tất cả thở phào, khi bình minh vừa lên thì đoàn thuyền cũng lần lượt trở về cập bến. Chuyến mở biển thành công đã “bật đèn xanh” cho nghề cá Quảng Bình. Ngay hôm sau, tỉnh phát động ra quân, hầu hết các địa phương vùng biển chủ động mở đường, ra khơi đánh bắt. Thuyền đi, thuyền về tấp nập trên biển quê hương. Cá gửi ra chiến trường, cá đến với từng bữa cơm ngay bên mâm pháo của bộ đội đang giữ biển, canh trời; các đơn vị thanh niên xung phong ngày đêm nối liền mạch máu giao thông… Tất cả vì ngày toàn thắng.
 
Tròn 50 năm, tôi gặp lại nhân chứng của những ngày khói lửa ấy. Ở tuổi 73, người thợ máy Đậu Thanh Hương, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) vừa giới thiệu tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì đang gắn trên tường, vừa cho hay: “Dù biết rằng, nơi phát ra ánh sáng là mục tiêu của pháo kích địch, liều lĩnh hơn chúng có thể cho xuồng cao su bắt cóc chúng tôi. Song, điều tôi lo lắng nhất là làm sao giữ tiếng máy nổ giòn, để chuyến mở biển được trọn vẹn”.
                                                                        Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

UBKTW xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ KHCN trong vụ Việt Á

Từ ngày 28 đến ngày 31/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra TW đã họp Kỳ thứ 13. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW chủ trì Kỳ họp.
 

Khánh thành bia ghi dấu nơi Đại hội đầu tiên của Đảng bộ phường Đồng Phú

(QBĐT) - Chiều 31/3, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) tổ chức lễ khánh thành bia ghi dấu nơi Đại hội đầu tiên của Đảng bộ phường Đồng Phú vào năm 1964. Dự lễ khánh thành có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Sơ kết Quy chế phối hợp giữa 4 cơ quan trong khối Nội chính Trung ương

(QBĐT) - Sáng 31/3, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.