Kỳ họp Quốc hội thứ 9, Quốc hội khoá XIV:

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến

  • 09:16 | Thứ Sáu, 26/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ ngày 13 đến 19-6-2020, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; cho ý kiến về Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và biểu quyết thông qua một số luật, nghị quyết.
 
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp; Luật Xây dựng; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Quốc hội thảo luận tại hội trường một số dự án luật, như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Cư trú (sửa đổi)...  
Kỳ họp thứ 9 thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong cách thức tiến hành tiến hành kỳ họp, được đại biểu và cử tri đánh giá cao. (Ảnh: Quochoi.vn)
Kỳ họp thứ 9 thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong cách thức tiến hành tiến hành kỳ họp, được đại biểu và cử tri đánh giá cao. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tiếp tục tham gia ý kiến để góp ý vào dự thảo một số luật, nghị quyết ở Hội trường.
 
Thảo luận góp ý vào Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ vào sáng ngày 13-6-2020, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương đã khẳng định mặc dù kinh tế thế giới có xu hướng tăng chậm, với nhiều yếu tố rủi ro, xung đột, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã gây không ít khó khăn cho kinh tế-xã hội của cả nước, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cũng như các địa phương trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành nên nền kinh tế-xã hội của nước ta vẫn ổn định.
 
Một số lĩnh vực tạo được niềm tin và dấu ấn trong lòng dân, như: ngành điện lực đã hỗ trợ giá điện cho toàn dân và doanh nghiệp trong cao điểm đợt dịch, ổn định nhu cầu điện trong mùa hè nóng nực; hệ thống ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, đề xuất giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; rà soát, đánh giá mức độ gây hại của dịch, xây dựng các kịch bản hành động và chương trình cụ thể, cho vay xóa đói, giảm nghèo; ngành nông nghiệp đã có những biến đổi mới trong sản xuất và xuất khẩu; báo chí, truyền hình đã làm tốt công tác truyền thông trên nhiều lĩnh vực…
 
Đặc biệt, với phương châm coi “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, kịp thời chi nguồn ngân sách 62 nghìn tỷ hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động, ảnh hưởng của đại dịch. Những việc làm của Chính phủ trong thời gian qua đã khắc họa đậm nét trong lòng dân hình ảnh một Chính phủ hành động, kiến tạo và thực sự vì dân.
 
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tạo sự đồng nhất, tạo đà bứt phá, để đưa nền kinh tế phát triển bền vững. Đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp cụ thể. Một là: tập trung giải pháp phòng, chống, ngăn chặn nạn phá rừng; thẳng thắn đấu tranh với tình trạng phá rừng đang diễn ra ở nhiều nơi và có dấu hiệu một số sai phạm được che chắn, bảo kê. Hai là: Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng, như: điện gió, điện mặt trời để tránh nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần… Những giải pháp này cũng là để bảo đảm nguồn thu của quốc gia không bị giảm sút, nợ xấu tăng…
 
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chung tay thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” và đồng thời cần bổ sung thêm “không để tỉnh nào ở lại phía sau”. Đại biểu đưa ra ví dụ thực tế: các thành phố đã có cơ hội phát triển kinh tế, còn được hỗ trợ thêm bằng các nghị quyết, chế độ đặc thù trong khi tỉnh nào đã khó khăn lại khó khăn hơn trong thu hút, đặc biệt là vốn FDI.
 
Dẫn chứng thêm những khó khăn của các tỉnh có xuất phát điểm thấp, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm, điều chỉnh các định hướng thu hút đầu tư đến các tỉnh còn khó khăn, tạo điều kiện, cơ hội cho các tỉnh phát triển về kinh tế-xã hội.
 
Chiều ngày 18-6-2020, trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến tranh luận tại hội trường về việc xác định thẩm quyền kiểm tra của cơ quan cảnh sát môi trường.
 
Đại biểu đã dẫn chứng một số những khó khăn, bất cập trong công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sự chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng cảnh sát môi trường với thanh tra, kiểm tra của cơ quan thanh tra, cơ quan tài nguyên, môi trường để từ đó khẳng định các quy định của dự thảo luật lần này cần phải có sự phân định lại để khắc phục tình trạng này.
 
Đại biểu cho rằng với chức năng của cảnh sát môi trường là cơ quan có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm trong lĩnh vực môi trường vì vậy chỉ nên giao cho cơ quan này kiểm tra đối với doanh nghiệp trong những trường hợp mà cơ quan này trực tiếp phát hiện các hành vi vi phạm hoặc là khi có tin báo tố giác tội phạm.
 
Còn đối với những hoạt động thanh tra, kiểm tra mang tính chất đột xuất hoặc thường xuyên thì nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan thanh tra, có chức năng, nhiệm vụ và có trình độ chuyên môn tiến hành theo thủ tục của hoạt động thanh tra, với chức danh là thanh tra viên thì bảo đảm tính chuyên sâu hơn và phù hợp hơn…
 
Tại kỳ họp này, một số đại biểu đã đầu tư chuẩn bị những bài phát biểu công phu, kỹ lưỡng để tham gia góp thảo luận đối với một số nội dung quan trọng khác; tuy vậy, do thời gian thảo luận tại hội trường có hạn và đăng ký muộn nên không trực tiếp phát biểu mà phải gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu. Bên cạnh việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật, biểu quyết thông qua luật, các đại biểu tập trung nghiên cứu các dự thảo nghị quyết đã được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để biểu quyết thông qua; tham gia họp Đoàn để thảo luận, góp ý đánh giá về cách thức tổ chức, kết quả kỳ họp.
 
Ngoài các hoạt động trên, một số đại biểu còn tập trung nghiên cứu viết bài đăng báo; trả lời phỏng vấn báo chí; tham dự các phiên họp do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; giao lưu tiếp xúc, trao đổi thông tin với đại biểu các Đoàn để tăng cường mối quan hệ, học hỏi kinh nghiệm công tác; kêu gọi, vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để gây dựng nguồn quỹ làm công tác an sinh xã hội và khuyến học.
 
Chiều ngày 19-6-2020, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV chính thức bế mạc; các đại biểu Quốc hội trở về địa phương để tiến hành các hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.
  
Phong Hồng-Diệu Linh