Chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập huyện Minh Hóa (1-7-1990 - 1-7-2020):

Đảng bộ huyện Minh Hóa: Dấu ấn chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển

  • 08:03 | Thứ Ba, 30/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Minh Hóa đã có nhiều đóng góp to lớn về sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 2000. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, trong chặng đường 30 năm tái lập huyện (1-7-1990), Đảng bộ huyện Minh Hóa đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo,  xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển đi lên.
 
Trưởng thành trong gian khó
 
Ngày 1-7-1990, huyện Minh Hóa được tái lập trên cơ sở chia tách huyện Tuyên Hóa. Tỉnh ủy ra Quyết định số 101-QĐ/TU chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Minh Hóa gồm 15 đồng chí, Ban Thường vụ Huyện ủy 5 đồng chí, đồng chí Cao Văn Đàn được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy lâm thời. Sau khi tái lập huyện, Đảng bộ Minh Hóa có 14 tổ chức cơ sở đảng của 14 xã và 18 tổ chức đảng cơ sở trực thuộc gồm các cơ quan, bệnh viện, trường học...
 
Để nhanh chóng ổn định tình hình, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã có nhiều chủ trương, giải pháp ổn định tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; quyết định thành lập các ban của cơ quan Huyện ủy, Mặt trận và các đoàn thể trong hệ thống chính trị huyện. Ngày 10-7-1990, HĐND huyện Minh Hóa tổ chức kỳ họp bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND huyện. 
Du khách đến du lịch khám phá tại hệ thống hang động Tú Làn.
Du khách đến du lịch khám phá tại hệ thống hang động Tú Làn.
Để bảo đảm quá trình hoạt động liên tục, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, ngay trong tháng 7-1990, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã sắp xếp bố trí đề bạt 35 đồng chí cán bộ cốt cán giữ chức vụ trưởng, phó phòng, ban, ngành cấp huyện; kiện toàn mới 9 đồng chí bí thư đảng ủy và 8 chủ tịch UBND cấp xã. Khối đoàn thể cấp huyện cũng đề bạt thêm 5 đồng chí cấp phó. Phần lớn đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện đều được đề bạt, bổ nhiệm mới nhưng đầy nhiệt tình và trách nhiệm.
 
Những ngày sau tái lập huyện thực sự là thời điểm “khó khăn về mọi mặt”. Khó khăn nổi bật dễ nhận thấy đó là xuất phát điểm nền kinh tế của huyện còn quá thấp, sản xuất mang nặng tính độc canh, tự cung, tự cấp. Hạ tầng cơ sở yếu kém, cơ cấu sản xuất chưa phù hợp. Sự chuyển hướng nhận thức tư tưởng, năng lực quản lý, kiến thức về khoa học kỹ thuật của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Hậu quả của chiến tranh để lại vẫn còn rất nặng nề; tài nguyên thiên nhiên chưa được bảo vệ và khai thác hợp lý.
 
Lúc bấy giờ, toàn huyện với 37.067 người nhưng chỉ có 1 bệnh viện với 1 dãy nhà cấp 4, không có trạm y tế tuyến xã, hệ thống trường học toàn bộ là tranh tre, nứa, lá, học trong nhà dân, học 3 ca, lớp ghép... Đời sống nhân dân khó khăn, tình trạng thiếu đói xảy ra liên tục, nhất là vào thời điểm giáp hạt. Năm 1990, có đến 45% hộ gia đình thiếu ăn 5 tháng/năm, 35% hộ gia đình thiếu ăn 3 tháng/năm, lương thực chủ yếu là khoai, sắn; thiên tai, lũ lụt xảy ra triền miên tàn phá gây thiệt hại làm cho đời sống nhân dân càng khó khăn hơn…
 
Trong điều kiện như vậy, các đồng chí lãnh đạo huyện, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện Minh Hóa vẫn giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện cơ chế quản lý mới, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển sản xuất và kinh doanh, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
 
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và tỉnh, Đảng bộ, nhân dân huyện Minh Hóa đã từng bước vươn lên, vượt qua khó khăn của những ngày đầu tái lập, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng-an ninh.
 
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ huyện Minh Hóa chú trọng trên tất cả các mặt. Qua đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ không ngừng được nâng lên. Phong trào “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh” đã được Đảng bộ huyện Minh Hóa đặt ra với nhiều tiêu chí cụ thể, tập trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên.
 
Gắn việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy đã tích cực xây dựng chương trình kế hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tạo được sự chuyển biến toàn diện trong mỗi đảng bộ, chi bộ.
 
Với phương châm “tập trung hướng về cơ sở”, các cấp ủy đã tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; trọng tâm là tập trung chỉ đạo củng cố những cơ sở yếu kém hoặc yếu kém từng mặt, nhất là những đơn vị có nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn; kiên quyết xử lý các sai phạm. Công tác bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng được chú trọng. Trung bình mỗi năm, Đảng bộ huyện Minh Hóa kết nạp hơn 5% đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ hiện nay lên 4.607 đồng chí. Toàn Đảng bộ hiện có 37 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 22 đảng bộ, 15 chi bộ đảng, không còn thôn, bản “trắng” chi bộ đảng và đảng viên.
 
Lãnh đạo phát triển các ngành kinh tế trọng điểm
 
Sau gần 35 năm đổi mới đất nước, đặc biệt sau 30 năm tái lập, hòa cùng dòng chảy của lịch sử tỉnh Quảng Bình, huyện Minh Hóa đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Với những tiềm năng, lợi thế của một miền quê anh hùng, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức quốc tế, của bạn bè khắp nơi, Đảng bộ, chính quyền huyện Minh Hóa đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng các cấp thành các nghị quyết chuyên đề, lần lượt thực hiện thắng lợi các nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực.
 
Từ sau năm 1990 đến nay, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân gần 10%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng dần hàng năm, luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao; thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể. Diện mạo đô thị, nông thôn đã có sự thay đổi nhanh chóng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng được hoàn thiện.
 
Đặc biệt, trong 2 nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đảng bộ huyện Minh Hóa đã ban hành các chương trình hành động, lãnh đạo thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của huyện gồm: trồng rừng kinh tế, chăn nuôi và du lịch. Cụ thể, chương trình phát triển trồng rừng kinh tế đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân Minh Hóa hưởng ứng và triển khai tích cực. Riêng năm 2019, toàn huyện trồng mới được 1.199,2ha, đạt 119,17% kế hoạch; đưa tỷ lệ độ che phủ rừng 78%...
 
Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, cũng như bảo vệ tốt môi trường, huyện Minh có chủ trương ưu tiên, khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng với cây keo giâm hom thông thường sang trồng rừng với cây bản địa, cây keo lai nuôi cấy mô, cây có chất lượng. Hiện, nhiều mô hình trồng cây gỗ lớn và rừng hỗn loài với các giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao, như: dỗi, lim, huê, keo lai nuôi cấy mô đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương trong huyện đang phát triển rất tốt.
 
Cùng với trồng rừng kinh tế, chăn nuôi cũng được xác định là một chương trình kinh tế trọng điểm của huyện Minh Hóa. Thời gian qua, Huyện ủy Minh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn khuyến khích, hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng tổng đàn. Hiện nay, toàn huyện có 50 trang trại, tăng 18 trang trại so với năm 2015.
 
Ngoài chăn nuôi quy mô lớn, huyện Minh Hóa cũng khuyến khích người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chăn nuôi các loại giống con bản địa, như: lợn bản, lợn rừng, gà kiến, dê theo hướng sạch, hữu cơ vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
 
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, ở Quảng Bình, tiềm năng du lịch của Minh Hóa chỉ đứng sau Bố Trạch và có thể phát triển nhiều loại hình du lịch…Những năm qua, thông qua các hoạt động như Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba, xúc tiến đầu tư, huyện Minh Hóa đã nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Nhiều điểm du lịch đã được đưa vào khai thác, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
 
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, chính sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ huyện trong việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng cùng với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc trong huyện là yếu tố cơ bản làm nên những thành tựu đáng khích lệ, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp để Minh Hóa tiến bước vững chắc trong thời kỳ mới.
 
Bùi Anh Tuấn
Bí thư Huyện ủy Minh Hóa