.

Lan tỏa phong trào phụ nữ thi đua làm kinh tế giỏi

.
08:34, Thứ Năm, 18/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu là phong trào phụ nữ thi đua làm kinh tế giỏi. Phong trào đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương phụ nữ điển hình, tiêu biểu trong lao động, sản xuất, tạo động lực thúc đẩy phụ nữ toàn tỉnh thi đua phát triển kinh tế.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ, chị em không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, điều hành.

Nhiều chị đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mở mang các ngành nghề, dịch vụ theo hướng quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, đưa sản phẩm của đơn vị mình trở thành sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ ở địa phương.

Tiêu biểu trong phong trào này là chị Hoàng Thị Sửu, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tàu biển Bảo Ninh (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới). Từ năm 2011, chị Sửu đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng sửa chữa, đóng mới tàu cá và mở rộng quy mô thành Công ty TNHH dịch vụ tàu biển Bảo Ninh vào năm 2015.

Chị Hồ Thị Thanh (Trọng Hóa, Minh Hóa) một trong những tấm gương phụ nữ điển hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của người dân tộc Bru Vân Kiều.
Chị Hồ Thị Thanh (Trọng Hóa, Minh Hóa) một trong những tấm gương phụ nữ điển hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của người dân tộc Bru Vân Kiều.

Hiện nay, công ty đã có một đội thợ lành nghề lên tới hàng chục người, với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hoàng Thị Sửu còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Ngoài ra, còn có các chị: Phan Thị Quyên (Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tâm Quyên ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch), Phạm Thị Luyện (chủ xưởng may Hồng Luyện  ở xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn), Nguyễn Thị Hằng (chủ cơ sở may công nghiệp ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh)… đã năng động, sáng tạo trong việc đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập khá cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Trong sản xuất nông nghiệp, chị em đã năng động, sáng tạo, tiếp thu và ứng dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Điển hình là chị Hồng Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang (Lệ Thủy) với mô hình trồng dưa lùn, dưa lưới, trồng sim, nuôi lợn rừng… theo hình thức nông nghiệp sinh thái nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch, bảo đảm về an toàn thực phẩm; chị Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc HTX sản xuất nấm sạch xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) với mô hình trồng nấm sạch, cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Sương, Chủ tịch hội đồng quản trị HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Hưng Phát xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) với mô hình “thức ăn xanh trong chăn nuôi công nghiệp” để nuôi thỏ, cho doanh thu mỗi tháng đạt 130 triệu đồng; chị Trương Thị Lược, Giám đốc điều hành HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến xã Hiền Ninh, Quảng Ninh đã đầu tư mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ đơn thân và người khuyết tật tại địa bàn…

Nhiều điển hình tiên tiến khác được các cấp, các ngành biểu dương, khen ngợi, như: chị Lê Thị Thanh Thủy (Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nông, xã Hòa Trạch, Bố Trạch), Lê Thị Nghĩa, (kinh doanh dịch vụ du lịch homestay ở xã Sơn Trạch, Bố Trạch), Trần Thị Minh, chủ cơ sở sản xuất nem chua ở phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn), Nguyễn Thị Hiến, (tổ trưởng tổ hợp tác tinh dầu tràm xã Quảng Hưng, Quảng Trạch), Đinh Thị Mai Hoa, (Giám đốc HTX nông sản Trường Thủy, xã Quảng Trường, Quảng Trạch), Đinh Thị Phương, (Giám đốc Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản xuất khẩu Phương Bắc, thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa), Đinh Thị Hà (Xuân Hóa), Hồ Thị Thanh (Trọng Hóa, Minh Hóa) chủ mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp... Họ là những hạt nhân tiêu biểu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các phong trào thi đua yêu nước.

Phải nói rằng, trong thành tựu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh có sự đóng góp tích cực, bền bỉ, sáng tạo của các cấp Hội Phụ nữ. Các phong trào “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo’’, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, phong trào “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”... đã khơi dậy được tiềm năng to lớn, sức sáng tạo của phụ nữ. Với ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, chị em đã nỗ lực lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế nên ngày càng có nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng bằng sức lao động và nghị lực của chính mình.

Các chị không chỉ là người trực tiếp quản lý, sản xuất, kinh doanh giỏi để làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn đóng góp tích cực trong phong trào giúp phụ nữ nghèo bằng vốn, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, giải quyết việc làm và đóng góp các nguồn quỹ nhân đạo, từ thiện để giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực những người gặp hoàn cảnh khó khăn và các gia đình chính sách.

Thi đua phát triển kinh tế đã tác động tích cực và mang lại hiệu quả rõ nét trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế, giảm ghèo của tỉnh. Kết quả này chính là nền tảng quan trọng để các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Nh.V
 

,