.

Đảng bộ huyện Minh Hóa: Tập trung lãnh đạo thực hiện 2 chương trình kinh tế trọng điểm

.
08:46, Thứ Tư, 17/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Minh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trên các lĩnh vực mà trọng tâm là đẩy mạnh phát triển 2 chương trình kinh tế trọng điểm của huyện (trồng rừng kinh tế và chăn nuôi)…

Xác định trồng rừng kinh tế và chăn nuôi là hai chương trình kinh tế trọng điểm, quan trọng nhất của huyện, liên tiếp 2 nhiệm kỳ, Huyện ủy Minh Hóa đã ban hành chương trình hành động, có tổng kết, đánh giá cụ thể nhằm đạt được mục tiêu quyết tâm đưa huyện giảm nghèo nhanh và bền vững.

Chú trọng trồng rừng bằng các giống cây bản địa

Theo đánh giá, chương trình phát triển trồng rừng kinh tế được các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân Minh Hóa hưởng ứng và triển khai tích cực. Trên cơ sở những lợi thế và tiềm năng của địa phương, thời gian qua, các xã, thị trấn trên địa bàn đã chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tập trung trồng rừng, thực hiện tốt công tác giao khoán, khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ và đã thu được những kết quả đáng mừng.

Tuy nhiên, sau cơn bão số 10 năm 2017, hơn 4.500ha rừng trồng của người dân Minh Hóa đã bị thiệt hại nặng nề. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại về rừng.

Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã có chủ trương ưu tiên, khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng với cây keo giâm hom thông thường sang trồng rừng với cây bản địa, cây keo lai nuôi cấy mô, cây có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng chống chọi tốt với bão và đem lại hiệu quả kinh tế và năng suất cao.

Thực hiện chủ trương trên, UBND huyện Minh Hóa đã lồng ghép, trích các nguồn kinh phí để hỗ trợ mua giống cây keo lai nuôi cấy mô cho nhân dân với định mức 2.100 đồng/cây. Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Minh Hóa đã thực hiện hỗ trợ với tổng số tiền là 598.758.000 đồng mua 285.123 cây keo lai nuôi cấy mô cho 11 xã, thị trấn.

UBND huyện đã phê duyệt Dự án hỗ trợ từ nguồn kinh phí 30a năm 2017 chuyển sang năm 2018 với tổng số tiền là 700.490.700 đồng cho 3 xã Hóa Hợp, Minh Hóa, Trung Hóa mua 333.567 cây keo lai nuôi cấy mô; phê duyệt Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2017 chuyển sang năm 2018 cho xã Hóa Phúc với tổng kinh phí 8.820.000 đồng để mua 4.200 cây keo lai nuôi cấy mô. Riêng năm 2018, diện tích trồng rừng đạt tỷ lệ 46,36% so với kế hoạch giao 3.300ha.

Một mô hình trồng rừng hỗn loài đem lại giá trị cao ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa).
Một mô hình trồng rừng hỗn loài đem lại giá trị cao ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa).

Đặc biệt, các mô hình trồng cây hỗn loài với các giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao, như: dỗi, lim, huê, keo lai nuôi cấy mô, đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương trong huyện. Năm 2018, huyện Minh Hóa đã thực hiện việc hỗ trợ giống, kinh phí để nhân dân phát triển, mở rộng các mô hình này.

Đến nay, đã thực hiện được 16 mô hình với diện tích 16ha tại 13/16 xã, thị trấn; trồng được 111ha keo lai nuôi cấy mô. Một số mô hình bước đầu phát triển tốt, cây thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao trong những năm tới.

Ông Đinh Thanh Hồng ở thôn Thanh Lâm, xã Hóa Sơn, một trong 16 người được huyện hỗ trợ thực hiện mô hình trồng rừng hỗn loài bằng các giống cây bản địa cho biết: “Do thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại được huyện hướng dẫn kỹ thuật kỹ càng nên mô hình trồng cây hỗn loài của gia đình tôi phát triển rất tốt, cây lên rất đẹp, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại bảo vệ tốt môi trường”.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Hóa cho biết, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện trồng rừng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giá trị, lợi ích của rừng, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa còn đặc biệt chú trọng lãnh đạo công tác tuyên truyền đến tận hộ gia đình, cá nhân, các chủ rừng.

Các cơ quan, ban, ngành, các địa phương đã tổ chức hơn 300 buổi họp dân với hơn 15.000 lượt người tham gia để tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Các cuộc tuyên truyền, tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy rừng,bảo vệ rừng cho mỗi người dân. Nhờ vậy, số vụ vi phạm lâm luật thời gian qua cũng đã giảm hẳn.

Khuyến khích mở các trang trại chăn nuôi tập trung

Cùng với trồng rừng kinh tế, chăn nuôi cũng được xác định là một chương trình kinh tế trọng điểm của huyện Minh Hóa. Thời gian qua, Huyện ủy Minh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện; các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng tổng đàn; từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến tiêu thụ đầu ra, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Theo đó, huyện Minh Hóa đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ nhân dân đầu tư mua các giống vật nuôi chất lượng, có giá trị kinh tế cao, như: bò lai Sind, lợn ngoại. Huyện khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển các mô hình trang trại, gia trại tập trung.

Đến hết tháng 9-2018, toàn huyện có 50 trang trại, tăng 18 trang trại so với năm 2015. Trong đó, có 18 trang trại tổng hợp, 32 trang trại chăn nuôi. Huyện Minh Hóa đã thực hiện hỗ trợ cho 4 trang trại chăn nuôi lợn sau đầu tư 50 triệu đồng. Nhiều trang trại, gia trại phát triển ổn định, tạo thu nhập khá, giải quyết một phần lao động trong nhân dân.

Ngoài chăn nuôi quy mô lớn, huyện Minh Hóa cũng khuyến khích người dân chăn nuôi các loại giống con bản địa, như: lợn bản, lợn rừng, gà kiến, dê theo hướng sạch, hữu cơ vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. Những mô hình này phù hợp với điều kiện ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với số vốn đầu tư không lớn, nhưng thiết thực giúp bà con nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện chính sách dân tộc, thời gian qua, huyện Minh Hóa đã hỗ trợ vốn mua con giống cho bà con ở các xã Thượng Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa và Trọng Hóa để phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo. Từ sự hỗ trợ đó đã có nhiều hộ phát triển chăn nuôi lợn bản, lợn rừng, dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, thoát khỏi danh sách hộ nghèo, như: hộ ông Trần Xuân Tư ở bản Ón, xã Thượng Hóa; bà Hồ Thị Thanh ở bản Hưng, xã Trọng Hóa…

Trong thời gian tới, Minh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện chương trình chăn nuôi. Trong đó, Minh Hóa chú trọng khuyến khích người dân mở rộng các mô hình trang trại, gia trại, chăn nuôi theo hướng tập trung; khôi phục và phát triển một số giống lợn địa phương có chất lượng cao; liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân.

Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục phát triển các loại vật nuôi bản địa, như: lợn bản, lợn rừng, gà kiến, dê…, trên cơ sở phát huy lợi thế không gian của rừng trồng, để hình thành nhóm hàng hóa đặc sản bản địa…

Phan Phương
 

,