.

Tầm quan trọng của bảo hiểm y tế trong đời sống người dân

.
07:55, Thứ Ba, 25/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhiều bệnh nhân ở Quảng Bình như trút được gánh nặng “cơm áo gạo tiền” khi đau ốm, mắc bệnh, đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh (KCB) đã được Quỹ Bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả viện phí.
 
“Lựa chọn” cần thiết
 
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn bảo hiểm y tế (BHYT) toàn cầu diễn ra cuối năm 2017 tại Nhật Bản, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kể lại câu chuyện về một người bạn của mình.
 
Đó là người dân của một quốc gia có thu nhập cao, nhưng do không có BHYT, nên sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, người bạn của ông đã lựa chọn việc không điều trị, bởi cân nhắc rằng, quá trình điều trị bệnh của mình có thể làm tiêu tan hết số tiền cả gia đình đã dành dụm để bảo đảm cho tương lai.
 
Trước đó, người đứng đầu WHO cũng từng có một câu chuyện khác. Đó là cuộc gặp giữa ông với một sinh viên y khoa trẻ bị suy thận ở Cộng hòa Đô-mi-ni-ca, người cần phải chạy thận ba lần mỗi tuần. “Việc điều trị của bạn tốn bao nhiêu tiền?”- ông Ghebreyesus hỏi, để rồi nhận được câu trả lời: Tôi không biết. Chính phủ trả tiền cho việc điều trị của tôi. “Không điều trị, anh ta sẽ chết. Nhưng vì có được những dịch vụ cần thiết, cho nên, anh ấy đang chuẩn bị cho sự nghiệp giúp đỡ người khác. Đây là sức mạnh của BHYT toàn dân”,  ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
 
Có lẽ, từ hai câu chuyện của nhà lãnh đạo WHO, ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của BHYT. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện nay, vẫn còn hàng triệu người mỗi năm buộc phải lựa chọn giữa cái chết và những khó khăn về tài chính vì không có BHYT. 
Một ca mổ cho bệnh nhân có BHYT tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa.
Một ca mổ cho bệnh nhân có BHYT tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa.
Ở Việt Nam, BHYT được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những chính sách quan trọng, là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua ngày 14-11-2008 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Để đánh dấu sự kiện Luật BHYT có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định lấy ngày 1-7 là “Ngày BHYT Việt Nam”. Ngày 13-6-2014, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
 
Theo đó, BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật.
 
Trong những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y  tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí khám chữa bệnh tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau.
 
Giảm bớt gánh nặng
 
Những ngày cuối năm 2018, có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa, chứng kiến cảnh những bệnh nhân từ nhiều nơi đổ về KCB tại bệnh viện, chúng tôi nhận thấy mỗi người một tâm trạng, nhưng dường như họ đã vơi bớt đi phần lo lắng khi có BHYT hỗ trợ. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết bệnh nhân đến KCB tại bệnh viện đều có thẻ BHYT, dường như mọi người đã nhận thức được giá trị của việc tham gia BHYT.
 
Bác sỹ Đinh Viễn Anh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa cho biết: Thời gian gần đây, tỷ lệ người dân trên địa bàn đến KCB tại bệnh viện hầu hết đều có thẻ BHYT và được hưởng chính sách ưu đãi của BHYT. Nếu như trước đây, nhiều gia đình gặp khó khăn phải lao đao với chi phí KCB thì giờ đây họ có thể yên tâm khi có Quỹ BHYT hỗ trợ. Đó là một tín hiệu mừng, bởi người dân đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT đối với bản thân và gia đình.
Theo BHXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 833.831 người có thẻ BHYT. Trong đó, có 68.176  tham gia BHYT bắt buộc, 765.655 người có thẻ BHYT hộ gia đình đạt tỷ lệ 94% dân số.  Ngành BHXH đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHYT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Dù nằm điều trị tại bệnh viện hơn một tuần nay nhưng bà Nguyễn Thị Phải, 68 tuổi, ở xã Hóa Tiến (Minh Hóa) rất yên tâm chữa bệnh, vì mọi chi phí, thuốc thang đều được Quỹ BHYT hỗ trợ. Theo bác sỹ Đinh Viễn Anh, bà Phải là bệnh nhân bị suy thận và đái tháo đường, phải thường xuyên vào điều trị tại bệnh viện. Nếu như bệnh nhân Phải không có thẻ BHYT mà phải vào điều trị thường xuyên, dài ngày như thế thì số tiền viện phí phải lên đến hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Với một người dân có điều kiện kinh tế bình thường như gia đình bà Phải thì chắc chắn chi phí KCB của bà sẽ làm kiệt quệ kinh tế gia đình.
 
Bà Nguyễn Thị Cúc, 66 tuổi, ở thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch), 68 tuổi, đang điều trị bệnh dạ dày tại Bệnh viện đa khoa TP.Đồng Hới tâm sự: “Hơn 10 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng mua thẻ BHYT tự nguyện. Tôi nghĩ mỗi người cũng nên mua cho mình một chiếc thẻ BHYT, coi đó là “bùa hộ thân”, bởi không ai biết trước được ốm đau sẽ đến lúc nào, với ai và không ai lường trước được mức độ nguy hiểm của bệnh tật. May là lần này tôi có bảo hiểm nên cũng bớt lo, bác sỹ nói phải nằm viện hai tuần thì tốn kém lắm. Đầu năm nay, tôi nghĩ bụng “phòng hơn chữa” nên đã giục các con sớm đi mua BHYT đề phòng, không ngờ giờ lại dùng đến nó”.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, ngành Y tế đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền để những người bệnh đến khám và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh hiểu được giá trị, ý nghĩa của BHYT, từ đó, tự nguyện tham gia. Bên cạnh đó, Sở Y tế còn yêu cầu các bệnh viện, cơ sở KCB tích cực cải cách hành chính, giảm thời gian làm thủ tục để người dân được KCB một cách nhanh và chất lượng nhất”.
 
Phan Phương
,