.

Hiệu quả lớn từ mô hình nhỏ

.
10:00, Thứ Bảy, 20/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Phát huy vai trò, vị trí của mình, Hội Phụ nữ xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) đã triển khai có hiệu quả mô hình “Xây dựng 3 công trình vệ sinh hợp vệ sinh” (giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh). Mô hình đã góp phần hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường, chung tay cùng cộng đồng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Nhằm thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động gắn với phong trào thi đua dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ xã Thuận Đức đã triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng 3 công trình vệ sinh hợp vệ sinh”.

Chị Bùi Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận Đức cho biết, trước đây do thói quen sinh hoạt lạc hậu, việc xây dựng nhà tiêu, nhà tắm không được chú trọng nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xuất phát từ thực trạng đó, Hội Phụ nữ xã đã vận động hội viên phụ nữ (HVPN) và bà con xây dựng nếp sống mới, xây dựng các công trình vệ sinh để bảo đảm sức khỏe cho gia đình và cộng động.

Nhiều hộ dân ở xã Thuận Đức đã lắp đặt hệ thống nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
Nhiều hộ dân ở xã Thuận Đức đã lắp đặt hệ thống nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Hội Phụ nữ Thuận Đức đã gặp phải không ít khó khăn trong quá trình vận động HVPN tham gia thực hiện mô hình. Một phần do đời sống của chị em còn gặp nhiều khó khăn, đa số các chị đều không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu làm nông và buôn bán nhỏ. Phần nữa, nhiều HVPN còn có tư tưởng thờ ơ với việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung.

Để HVPN và bà con trong xã hiểu về tầm quan trọng của mô hình trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường, Hội Phụ nữ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sinh động như: lồng ghép vào các buổi sinh hoạt hội, sinh hoạt CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, tổ chức nhiều hội thi có nội dung bảo vệ môi trường... Cán bộ phụ nữ các chi hội, tổ phụ nữ còn trực tiếp đến tận nhà những hội viên có hoàn cảnh khó khăn để tuyên truyền, vận động.

“Mưa dầm, thấm lâu”, nhiều chị em phụ nữ và bà con trong xã dần hiểu được ý nghĩa của mô hình nên đã tích cực hưởng ứng. Song song với công tác tuyên truyền, Hội Phụ nữ xã cũng trực tiếp chỉ đạo các chi hội, tổ phụ nữ tiến hành khảo sát cụ thể về thực trạng các công trình vệ sinh của các hộ gia đình trên địa bàn toàn xã.

6/6 chi hội đã phối hợp với ban cán sự thôn, các đoàn thể liên quan trực tiếp đến từng hộ gia đình để nắm bắt tình hình. Năm 2012, toàn xã có hơn 1.000 hộ dân, trong đó có 137 hộ chưa có công trình vệ sinh.

Từ kết quả khảo sát, Hội Phụ nữ Thuận Đức đã tiến hành phân loại đối tượng theo từng tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để tìm cách hỗ trợ. Cùng với đó, hội đã chủ động báo cáo tình hình với cấp ủy, chính quyền địa phương, tham mưu phương pháp vận động và đề xuất các tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc để thực hiện tốt mô hình.

Chị Liên cho biết thêm, nhằm giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn có kinh phí để xây dựng công trình nhà vệ sinh, Hội Phụ nữ xã đã huy động các nguồn vốn vay ưu đãi để cho chị em vay với lãi suất thấp.

Hội cùng với các đoàn thể trong xã đứng ra kết nối, kêu gọi các công ty, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn hỗ trợ hàng chục nghìn viên gạch 6 lỗ, hàng chục tấn cát, xi măng, đóng góp gần 100 ngày công để giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng các công trình. Sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình, Hội Phụ nữ xã Thuận Đức và các đoàn thể đã vận động được 133/137 hộ gia đình xây dựng nhà tiêu mới bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo chị Nguyễn Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thuận Phước, mô hình huy động được sự ủng hộ, vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể nên đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong gia đình HVPN và bà con trong thôn.

Thôn Thuận Phước có tất cả 155 gia đình hội viên nhưng số hộ có 3 công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn rất thấp nên chi hội đã phối hợp với các đoàn thể trong thôn vận động từng hộ đăng ký thực hiện, giúp bà con thay đổi nhận thức, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường. Những hội viên có hoàn cảnh quá khó khăn không có khả xây dựng được công trình vệ sinh thì hội đứng ra kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể.

Qua sự vận động tích cực của cán bộ Hội Phụ nữ và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đến thời điểm hiện tại, 100% hộ gia đình ở thôn Thuận Phước đã có nhà vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh. “Nhiều người dân đã thay đổi nhận thức đáng kể trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sống. Có thể nói, việc thực hiện mô hình hiệu quả đã góp phần không nhỏ cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng đời sống của người dân”, chị Hương cho biết.

“Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, con cái đều đã lập gia đình và ở riêng nên hai ông bà già nương tựa vào nhau mà sống. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, không có tiền để sửa nhà nên mấy năm qua hai vợ chồng tôi phải sống trong căn nhà cũ đã xuống cấp. Nếu không có Hội Phụ nữ hỗ trợ kinh phí và ngày công để sửa chữa nhà, xây dựng công trình vệ sinh thì không biết đến bao giờ vợ chồng tôi mới có tiền để làm. Có công trình vệ sinh khép kín trong nhà nên mọi sinh hoạt tiện lợi hơn rất nhiều”, bà Hoàng Thị Táo, thôn Thuận Ninh chia sẻ.

Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động HVPN tham gia thực hiện tiêu chí môi trường góp sức xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là vận động chị em xây dựng 3 công trình vệ sinh hợp vệ sinh của Hội Phụ nữ xã Thuận Đức đã nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế các bệnh ở người liên quan đến nguồn nước, cải thiện sức khỏe và đời sống của người dân. Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực, cần được nhân rộng ở các vùng nông thôn trong toàn tỉnh.

L.C
         
 

,