.

Chuyện nhà thiếu nhi cấp huyện

.
07:26, Thứ Tư, 26/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Không được quan tâm, đầu tư đúng mức, những năm qua, nhiều địa phương ở tỉnh ta vẫn chưa có nhà thiếu nhi huyện. Một số nơi được đầu tư xây dựng thì bị rơi vào tình trạng “chết yểu”. Tuy nhiên, đến nay, do vẫn không có kinh phí để duy trì hoạt động và đầu tư mua sắm trang thiết bị nên các nhà thiếu nhi cấp huyện này dường như chỉ còn tồn tại trên giấy tờ.
 
Thiếu nhà thiếu nhi cấp huyện
 
Theo bà Lê Thị Hà, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, ở tỉnh ta chỉ có 2 huyện được đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi cấp huyện, đó là huyện Bố Trạch và Quảng Ninh. Các huyện, thị xã còn lại do chưa có kinh phí nên vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Không có nhà thiếu nhi huyện, nhiều thanh thiếu nhi ở những địa phương này phải tự tìm đến các điểm vui chơi hoặc câu lạc bộ để để tham gia sinh hoạt.  
 
Là một huyện miền núi còn khó khăn của tỉnh, cách đây 3 năm, Minh Hóa vẫn còn chờ đợi nguồn ngân sách địa phương để xây dựng nhà thiếu nhi huyện. Dự tính số vốn đầu tư xây dựng là khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách không có nên đến nay nhà thiếu nhi huyện vẫn chưa được xây dựng.
 
Anh Đinh Kiên Cường, Bí thư Huyện đoàn Minh Hóa cho hay: Hiện nay, do không có nhà thiếu nhi huyện nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dành cho thiếu nhi trong huyện đều được tổ chức tại Trung tâm văn hóa huyện. Các hoạt động này đều do các cá nhân tổ chức. Một số các cá nhân còn đầu tư xây dựng các sân bóng đá mini, sân bóng chuyền để phục vụ cho các em thiếu nhi đến vui chơi.
 
“Nếu có được nhà thiếu nhi huyện đó là điều kiện thuận lợi để cho các em thiếu nhi có sân chơi và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, qua đó giảm bớt đi các tệ nạn xã hội”, đồng chí Bí thư Huyện đoàn cho hay.  
 
Huyện Lệ Thủy cũng là một trong những địa phương chưa có điều kiện xây dựng nhà thiếu nhi huyện. Để phục vụ cho hoạt động vui chơi của các em, một số cá nhân cũng tự mở các khu vui chơi để kinh doanh và phục vụ nhu cầu cho các em thiếu nhi trong huyện.
 
Tuy nhiên, các khu vui chơi này vẫn không thể thay thế được nhà thiếu nhi cấp huyện bởi nó chưa giải quyết được nhu cầu tham gia sinh hoạt chuyên môn cho các em. 
 
Do không có nhà thiếu nhi huyện, nhiều năm nay, Huyện đoàn Lệ Thủy đều phối hợp với Trung tâm văn hóa huyện mở một số lớp năng khiếu và mời các giáo viên ở các địa phương khác đến giảng dạy cho thanh thiếu nhi. Tuy nhiên số lượng các lớp còn tương đối ít so với nhu cầu tham gia của các em.
 
Đầu tư tiền tỷ rồi dần “chết yểu”
 
Trong khi nhiều địa phương khác không có nhà thiếu nhi huyện thì ở một số địa phương được ưu tiên đầu tư xây dựng, nhà thiếu nhi lại rơi vào tình trạng “chết yểu”.

Bố Trạch là một trong số ít địa phương trong tỉnh được đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi cấp huyện. Năm 1998, nhà thiếu nhi huyện Bố Trạch được đầu tư xây dựng với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. So với thời điểm lúc bấy giờ, ở mức đầu tư này, nhà thiếu nhi huyện Bố Trạch được đánh giá là công trình có quy mô và có trang thiết bị tương đối đầy đủ với nhà sinh hoạt chung, các công trình vui chơi giải trí. Sau khi ra đời, nhà thiếu nhi huyện Bố Trạch đã thu hút đông đảo thanh thiếu nhi đến vui chơi và sinh hoạt.  

Tuy nhiên, dù được đầu tư xây dựng với quy mô lớn như thế nhưng chỉ sau vài năm hoạt động, nhà thiếu nhi huyện Bố Trạch bắt đầu rơi vào tình trạng xuống cấp và hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân là do bộ máy quản lý và nguồn kinh phí để tu bổ các thiết bị hàng năm không có. Do bị xuống cấp, các trang thiết bị được thu gom và mang đi thanh lý.

Một số mô hình vui chơi cho thanh thiếu nhi ở huyện Bố Trạch được một cá nhân đầu tư, mua sắm.
Một số mô hình vui chơi cho thanh thiếu nhi ở huyện Bố Trạch được một cá nhân đầu tư, mua sắm.
Quảng Ninh là địa phương thứ hai được quan tâm đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi cấp huyện. Được xây dựng năm 1994, mặc dù chỉ với số tiền 100 triệu đồng, nhưng nhà thiếu nhi huyện Quảng Ninh cũng được trang bị đầy đủ gồm nhà sinh hoạt và các thiết bị như đu quay, cầu trượt, bập bênh... 
 
Thế nhưng, sau một thời gian hoạt động, nhà thiếu nhi huyện Quảng Ninh cũng rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng giống như nhà thiếu nhi huyện Bố Trạch là do bộ máy quản lý và kinh phí hàng năm để tu sửa trang thiết bị không có.
 
Nếu không nhìn tấm bảng ở cổng thì không thể nhận ra đây từng là nhà thiếu nhi huyện. Bên trong khuôn viên nhà thiếu nhi huyện Quảng Ninh, các mô hình đồ chơi đã bị tháo dỡ hoàn toàn. Được biết, một số thiết bị đồ chơi do bị xuống cấp và rỉ sét nên đã được thanh lý, số ít khác được chuyển sang cho trường mầm non ngay bên cạnh.  
 
Tư nhân hóa
 
Từng là nơi diễn ra các hoạt động rèn luyện kỹ năng và vui chơi, giải trí của thanh thiếu nhi, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, những nhà thiếu nhi cấp huyện dường như chỉ còn tồn tại trên giấy tờ. Tại nhà thiếu nhi huyện Quảng Ninh, mọi vật dụng liên quan đến hoạt động vui chơi, sinh hoạt cho thanh thiếu nhi dường như không còn được tìm thấy.
 
Anh Ngô Lê Duy, Phó Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh cho biết: Nhà thiếu nhi huyện xuống cấp và không hoạt động đã từ lâu. Do không có kinh phí để đầu tư, tu bổ nên hiện nay, huyện đang kêu gọi các cá nhân, tổ chức đầu tư vào các hạng mục vui chơi cho thanh thiếu nhi. Hiện tại, đơn vị Tấn Phát Sport đã đầu tư xây dựng một sân bóng đá mini ở trong khuôn viên của nhà thiếu nhi huyện. Khi đầu tư vào, các hoạt động vui chơi thể thao diễn ra trên sân sẽ do đơn vị này quản lý, đổi lại, hằng năm huyện có các hoạt động, phong trào bóng đá của thanh thiếu niên thì đơn vị này sẽ tài trợ kinh phí.
 
Không chỉ ở Quảng Ninh, hình thức kêu gọi các cá nhân, đơn vị đầu tư vào các hạng mục vui chơi của nhà thiếu nhi huyện cũng diễn ra ở Bố Trạch. Trên khuôn viên nhà thiếu nhi huyện Bố Trạch, các mô hình đồ chơi như nhà bóng, đu quay, sân trượt patin... đã được đầu tư tu bổ và xây mới từ lâu. Hàng ngày, nơi đây vẫn tiếp nhận hàng chục lượt các em thiếu nhi trong huyện đến vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, toàn bộ cơ sở vật chất này thuộc sở hữu của một cá nhân.
 
Anh Phan Chí Dũng, Bí thư Huyện đoàn Bố Trạch cho hay: Từ lâu, nhà thiếu nhi huyện Bố Trạch đã xuống cấp. Để duy trì được hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ thanh thiếu nhi trên địa bàn, huyện Bố Trạch đã có chủ trương cho một cá nhân thuê lại nhà thiếu nhi để hoạt động. Hiện tại, huyện chỉ quản lý nhà nước về mặt đất đai, còn mọi hoạt động vui chơi đều do cá nhân này quản lý.
 
Nhà thiếu nhi huyện là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí và sinh hoạt cho thanh thiếu nhi. Việc các địa phương thiếu ngân sách để đầu tư xây mới hoặc tu bổ, tôn tạo khiến cho việc tiếp cận và tham gia các trò chơi, giải trí và sinh hoạt cho các em bị hạn chế. Tư nhân hóa, kêu gọi các cá nhân đầu tư vào nhà thiếu nhi huyện là phương án để khắc phục tình trạng xuống cấp của các nhà thiếu nhi huyện hiện nay.
 
Tuy nhiên, việc đầu tư này vẫn còn ở mức hạn chế, các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cho thanh thiếu nhi hầu như vẫn còn bỏ ngỏ và chưa được quan tâm. Tình trạng thanh thiếu nhi ở các địa phương thiếu sân chơi đúng nghĩa đang là thực trạng chung đáng buồn ở tỉnh ta.
 
Đ.Nguyệt
,