.

Vận hành, điều tiết hồ chứa trên các lưu vực sông: Cần chủ động và thực hiện đúng quy trình

.
14:48, Thứ Ba, 25/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Quảng Bình hiện có 150 đập, hồ chứa thủy lợi các loại, 1 hồ thủy điện với tổng dung tích khoảng 560 triệu m3 phục vụ tưới cho trên 55.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, sinh hoạt và các nhu cầu khác.

Trong đó có 21 đập, hồ chứa lớn (1 hồ thủy điện do Bộ Công Thương quản lý, 16 hồ do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý, 4 hồ do UBND cấp xã quản lý); 130 đập, hồ chứa vừa và nhỏ (1 hồ do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý, số còn lại do UBND cấp xã quản lý).

Số hồ chứa nước có cửa van trên địa bàn toàn tỉnh là 7 hồ, trong đó 5 hồ đã được UBND tỉnh phê duyệt quy trình vận hành điều tiết, 2 hồ (hồ Phú Hòa và hồ Minh Cầm) chưa có quy trình vận hành; 133 hồ là hồ tràn tự do chưa được lập quy trình vận hành điều tiết.

Việc điều tiết, xả lũ của các hồ đập phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa lũ.
Việc điều tiết, xả lũ của các hồ đập phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa lũ.

Nhìn chung, các đập, hồ chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh có quy mô không quá lớn, quy trình vận hành điều tiết hồ chứa hầu hết được xây dựng từ năm 2012 đến nay và cơ bản tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Qua quá trình vận hành, khai thác cho thấy tương đối phù hợp với điều kiện thực tế mưa lũ của tỉnh Quảng Bình.

Thời gian qua, mưa lũ có chiều hướng bất thường về quy luật và cường độ. Trên địa bàn tỉnh đã có những trận mưa với cường độ vượt xa mưa lũ lịch sử đã từng xảy ra trong vòng 30 - 40 năm trở lại đây.

Để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão bảo vệ đập, hồ chứa nước và vùng hạ du, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, UBND tỉnh đã yêu cầu địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc các chủ đập, đơn vị được giao trực tiếp vận hành hồ, đập triển khai, thực hiện phương án phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn đập; vận hành điều tiết hồ theo đường hạn chế cấp nước để phòng những diễn biến xấu của thời tiết từ cuối mùa cấp nước đến ngày 31-10-2018.

Mới đây, qua kiểm tra, đánh giá về thực hiện quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành xả lũ trước, trong các trận lũ đều thông báo, thông tin bằng văn bản gửi đến chính quyền địa phương trong vùng có nguy cơ ngập lụt, bị ảnh hưởng do việc xả lũ; đồng thời tuyền truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về dự báo, cảnh báo thời gian xả lũ, phạm vi ngập, thời gian ngập, mức độ ngập để chính quyền và nhân dân trong vùng ảnh hưởng chủ động ứng phó.

Trước khi vận hành xả lũ, đơn vị quản lý, vận hành công trình báo cáo với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh thông báo đến chính quyền cấp huyện có công trình và các địa phương vùng bị ảnh hưởng cùng phối hợp.

Trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp do mưa lũ bất thường so với thiết kế hoặc xảy ra sự cố công trình, đơn vị quản lý công trình báo cáo với Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh có chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó theo các kịch bản đã được xây dựng trong phương án phòng chống lụt bảo, bảo vệ an toàn đập và phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du công trình.

A.T
 

,