Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học-nghệ thuật

  • 14:34 | Thứ Năm, 02/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất gần gũi, quan tâm tới hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giới văn nghệ sỹ. Với niềm trân trọng vị Đại tướng huyền thoại, đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước, nhất là ở Quảng Bình đã thể hiện hình tượng Đại tướng trong các loại hình nghệ thuật nhằm gửi gắm tình cảm, lòng biết ơn của nhân dân Quảng Bình nói chung, văn nghệ sỹ Quảng Bình nói riêng dành cho Đại tướng.
 
Ở mỗi loại hình nghệ thuật, chân dung Đại tướng được khắc họa gắn với những thời khắc quan trọng, bước ngoặt lịch sử có tính chất quyết định đối với vận mệnh dân tộc, gắn với lãnh tụ Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ và những giai đoạn lịch sử cách mạng.
Các ca khúc về Đại tướng luôn để lại ấn tượng với người thưởng thức nghệ thuật.
Các ca khúc về Đại tướng luôn để lại ấn tượng với người thưởng thức nghệ thuật.
Trên lĩnh vực văn học, các nhà văn, nhà thơ đã bằng tài năng, tình cảm, sự trân trọng, biết ơn đối với Đại tướng để sáng tác nên nhiều tác phẩm, phổ biến nhất là thể loại thơ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất là tập Trường ca về tướng Giáp “Người anh Cả của toàn dân” của cố nhà văn, nhà thơ Hoàng Bình Trọng.
 
Qua từng trang viết, tác giả đã dựng nên vóc dáng lịch sử của một anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn của đất nước nhưng lại rất gần gũi, giản dị giữa đời thường.
 
Tuổi thơ của Đại tướng trôi qua ngọt ngào, êm ái ở làng quê An Xá, bên dòng Kiến Giang xanh, được nhà văn diễn tả với những câu từ rất mộc mạc: “Có một ngôi nhà giản dị thân quen/Như mọi ngôi nhà những anh Cu, ả Mẹt/Quanh vườn cũng có cây ổi, cây bòng, cây mít…/Qua bao vật đổi sao dời vẫn nguyên mái ngói tường vôi/Chính nơi đây Võ Nguyên Giáp ra đời/Chính nơi đây anh tập đi những bước đầu tiên từ bàn qua ghế/Anh vít cành na, anh vin cành khế. Anh nhìn cái vạc, cái cò chao nắng ca dao…”.
 
Qua trường ca của Hoàng Bình Trọng, người đọc được ôn lại những chương sử thi hùng tráng bởi cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng gắn liền với những năm tháng gian lao và những chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. 
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nhạc sỹ chấp bút viết nên nhiều tác phẩm âm nhạc hay, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Nổi bật là ca khúc “Vị tướng của nhân dân” của nhạc sỹ Dương Viết Chiến, phỏng thơ Đỗ Quý Doãn. Ca khúc tạo cho người nghe sự xúc động ngay từ những câu đầu tiên: “Mùa thu này anh đã đi xa, về cõi vĩnh hằng đất mẹ. Ôi tên anh dịu hiền như mảnh đất quê hương, như dòng Kiến Giang ru anh thời trẻ, như Hạc Hải, Mâu Sơn, Nhật Lệ, nghe thân thương như tiếng mẹ thuở nào…”.
 
Cũng từ thơ của Đỗ Quý Doãn, nhạc sỹ Dương Viết Chiến còn có ca khúc được viết trong năm 2021 với tựa đề: “Người về quê mẹ” khắc họa những hình ảnh chân thực ngày Đại tướng vĩnh viễn trở về với đất mẹ Quảng Bình: “Sau những tháng năm đi xa, hôm nay Người về quê mẹ. Về với điệu hò khoan Lệ Thủy, về với Quảng Bình trăm mến ngàn thương”…
 
Trong số những ca khúc mới được công bố của nhạc sỹ Lê Đức Trí, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Quảng Bình có ca khúc “Bất tử”, lời thơ Nguyễn Trọng Tạo viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Nhạc sỹ Đức Trí trải lòng: Bằng sự thành kính đối với Đại tướng, anh luôn ấp ủ mong muốn viết nên những ca khúc hay về ông. Và khi đọc bài thơ “Bất tử” của nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, với những câu thơ chuyển tải rất nhiều cảm xúc nên anh quyết định phổ nhạc từ bài thơ này. Mỗi câu thơ, anh đều rất tâm đắc nên đặt vào đó những thanh âm với niềm tự hào và biết ơn vô hạn đối với Đại tướng: “Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê. Vì nước vì dân, Người trở thành bất tử. Thành núi, thành mây thành ruộng, đồng, sông, bể. Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông…”.
 
Ca khúc được thiếu tá, ca sỹ Hoàng Viết Danh, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội dàn dựng thành MV ca nhạc và được các ca sỹ Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình chọn thể hiện trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của tỉnh và các ngành.
 
Ở lĩnh vực mỹ thuật, đề tài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được các họa sỹ trong tỉnh đầu tư thời gian, công sức, sự tâm huyết để cho ra đời nhiều tác phẩm công phu, ấn tượng.
 
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật Quảng Bình cho hay: Cùng với các họa sỹ cả nước, các thế hệ họa sỹ trên quê hương Đại tướng đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật khắc họa chân dung, hình ảnh Đại tướng với nhiều chất liệu khác nhau.
Tác phẩm “Nỗi nhớ tháng 4” của họa sỹ Nguyễn Lương Sáng.
Tác phẩm “Nỗi nhớ tháng 4” của họa sỹ Nguyễn Lương Sáng.
Có thể kể một số tác giả, tác phẩm như: Họa sỹ Trương Minh Dự với tác phẩm “Quê hương vọng mãi hò khoan” khắc họa hình ảnh Đại tướng về thăm nhà, xem diễn xướng hò khoan. Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng có các tác phẩm:“Rạng danh quê hương” (vẽ hình tượng Đại tướng với một số biểu tượng văn hóa Quảng Bình), “Cuộc đời” (chân dung Đại tướng có sử dụng chữ và một số hình ảnh quê hương Quảng Bình), “Nỗi nhớ tháng tư” (vẽ Đại tướng ở Hà Nội trong thời tiết tháng tư có mùa hoa bách hợp, sau lưng là số nhà 30 Hoàng Diệu, trước mặt là cánh đồng Lệ Thủy… thể hiện nỗi nhớ quê hương của Đại tướng), “Đại tướng với tuổi trẻ Quảng Bình” (tái hiện quang cảnh Đại tướng về thăm Trường THPT chuyên Quảng Bình, nay là Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp)...
 
Ngoài ra còn có rất nhiều tác giả với những tác phẩm ấn tượng như: Trần Công Thoan với tranh cổ động “Dĩ công vi thượng”, Nguyễn Thành Trung với tác phẩm khắc gỗ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương Quảng Bình”, Lê Thuận Long với tác phẩm “Người con ưu tú của quê hương Lệ Thủy”, Văn Đắc có tác phẩm về chân dung Đại tướng bằng chất liệu bẹ chuối…
 
Con người, sự nghiệp vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sỹ sáng tác nghệ thuật. Mỗi tác phẩm với một góc nhìn đã góp phần khắc họa hình ảnh vị tướng văn võ song toàn, một tấm gương đạo đức ngời sáng và bày tỏ niềm kính yêu vô hạn của nhân dân với Đại tướng.
 
Thể hiện đề tài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi văn nghệ sỹ Quảng Bình đều tự thấy đó là bổn phận, trách nhiệm lớn lao để không ngừng cố gắng, lao động sáng tạo nhằm có thêm nhiều tác phẩm giàu về tư tưởng và nghệ thuật, xứng với tầm vóc vĩ đại của Đại tướng huyền thoại, một tượng đài bất tử giữa lòng dân.
 
Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2021), hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phát động cuộc vận động sáng tác tác phẩm VHNT về chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Quảng Bình”. Mục đích của cuộc vận động nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ghi nhớ những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng đối với nhân dân Quảng Bình, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của nhân dân Quảng Bình nói chung, văn nghệ sỹ Quảng Bình nói riêng dành cho Đại tướng. Cuộc vận động đã và đang thu hút các văn nghệ sỹ, người sáng tác VHNT tham gia. Những tác phẩm có chất lượng được tuyển chọn, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và in thành tập sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Quảng Bình”.       

Nhật Văn