.

Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Minh Hóa: Bài toán nan giải

.
08:14, Thứ Hai, 17/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sinh con thứ 3 sẽ tạo ra nhiều hệ lụy như đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ tăng cao, mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số giảm… Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương ở huyện Minh Hóa.
 
Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện, công tác DS-KHHGĐ của Minh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 
Trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng số trẻ sinh ra là 530 cháu, giảm 63 cháu so với cùng kỳ 2017; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 13,4% so với cùng kỳ; tổng số người áp dụng các biện pháp tránh thai là 79,1%, chất lượng dân số ngày càng tăng…
 
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh thì các chỉ tiêu đạt được còn thấp. Đáng lưu ý là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng giảm nhưng chưa bền vững, vẫn còn ở mức cao, nhất là ở các xã vùng cao, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tính đến ngày 31-7-2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 của huyện vẫn còn 24,4%.
 
Tân Hóa là một trong những địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 tương đối cao ở huyện Minh Hóa. Năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 33%. 7 tháng đầu năm 2018, trong tổng số 40 trẻ sinh ra của xã thì có đến 16 cháu là con thứ 3, chiếm 40%.
 
Chị Đinh Thị Nguyệt, cán bộ dân số xã Tân Hóa cho biết: Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ dân số xã Tân Hóa luôn chủ động bám sát, nắm tình hình địa bàn, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức. Nhưng với tư tưởng phải có con trai để “nối dõi tông đường” và "đông con hơn đông của” vẫn còn tồn tại nên những năm gần đây tỷ lệ sinh con thứ 3 của Tân Hóa có chiều hướng gia tăng.
 
Bên cạnh đó, một số chính sách của Đảng và Nhà nước mới ban hành có điều chỉnh, bổ sung một số quy định trong chính sách KHHGĐ khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân hiểu sai hoặc cố tình “lách luật” để sinh thêm con… Năm 2017, địa phương có 3 cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ dân số. 
 Truyền thông, tư vấn trực tiếp về các chính sách dân số là cách làm được ưu tiên nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Minh Hóa.
Truyền thông, tư vấn trực tiếp về các chính sách dân số là cách làm được ưu tiên nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Minh Hóa.
Xã Trọng Hóa cũng tương tự. Với 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn nên các chủ trương, chính sách về DS-KHHGĐ vẫn chưa đến được với người dân thường xuyên.
 
Mặt khác, với suy nghĩ sinh nhiều con để được hưởng nguồn hỗ trợ của Nhà nước nên nhiều gia đình ở đây đã không ngần ngại sinh đẻ. 7 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Trọng Hóa chiếm 28%.
 
Nhiều hộ gia đình mặc rất dù khó khăn nhưng chuyện sinh 5, 6 đứa con là bình thường, thậm chí có gia đình đã có 8, 9 đứa con vẫn còn muốn đẻ tiếp. Như gia đình anh Hồ Bun và chị Hồ Thị Bông, một trong những hộ nghèo nhiều năm nay của bản La Trọng 1.
 
Bản thân anh Hồ Bun bị tàn tật ở chân, không làm được việc nặng, kinh tế vô cùng khó khăn nhưng dù đã có 7 đứa con, đủ trai đủ gái, vợ chồng anh vẫn đang muốn đẻ tiếp. Cán bộ dân số nhiều lần vận động, cung cấp các biện pháp tránh thai để dừng việc sinh đẻ nhưng vẫn không lay chuyển được.
 
Hoặc như gia đình anh Hồ Minh, chị Hồ Thị Mong, bản Ka Oóc đã có 8 đứa con nhưng khi cán bộ dân số đến vận động thì ậm ờ cho qua chuyện, không chịu dùng một biện pháp tránh thai nào, rồi đẻ vẫn cứ đẻ.
 
Không chỉ ở Tân Hóa, Trọng Hóa, theo báo cáo 7 tháng đầu năm của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thì còn một số địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 tương đối cao, như: xã Minh Hóa (41,6%), Hóa Hợp (38,2%), Hóa Tiến (33,3%)...
 
Qua kết quả cho thấy, tình trạng sinh con thứ 3 diễn ra tại hầu hết các địa phương nơi đây, từ nơi có trình độ dân trí cao đến nơi có trình độ dân trí thấp, từ thị trấn đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Việc gia tăng tình trạng sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện Minh Hóa tạo áp lực lớn đến đời sống xã hội. Đa số trẻ sinh ra là con thứ 3 đều là bé trai chính vì vậy đã trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.
 
Hiện tại, tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 123 nam/100 nữ. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai, đặc biệt nghiêm trọng ở độ tuổi kết hôn nam giới khó lấy vợ.
 
Đây là thực trạng đáng lo ngại khi tình trạng mất cân bằng giới tính không chỉ diễn ra ở vùng thành thị mà còn diễn ra ở vùng miền núi. Mặt khác, với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, việc sinh con thứ 3 sẽ ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
 
Ông Hoàng Trung Thông, Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Hóa cho biết: "Để giảm tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3, thời gian qua, công tác truyền thông, giáo dục, thay đổi hành vi ở Minh Hóa tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú và đa dạng.
 
Hoạt động truyền thông đang được chúng tôi ưu tiên thực hiện là truyền thông trực tiếp, vận động, thuyết phục, địa bàn trọng tâm là vùng có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đối với cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ vi phạm chính sách dân số.
 
Mặt khác, khuyến khích các xã, thị trấn đưa nội dung DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước. Các cơ quan, đơn vị đưa tiêu chí không sinh con thứ 3 vào tiêu chí để đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ và bình xét danh hiệu thi đua… Tuy nhiên, là huyện miền núi, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tầm nhận thức còn hạn chế nên tình trạng sinh con thứ 3 vẫn còn cao".
 
Để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở Minh Hóa, ngoài nỗ lực của cán bộ dân số, các cấp, ngành, đoàn thể cần coi công tác DS-KHHGĐ là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
 
Cần có sự cam kết mạnh mẽ của các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò gương mẫu tự giác chấp hành của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị có đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 cần xử lý nghiêm để răn đe các đối tượng khác.
 
Mặt khác, một vấn đề rất quan trọng nữa là cần tìm các giải pháp phát triển kinh tế, nhất là kinh tế hộ gia đình ở những xã miền núi khó khăn, tăng thu nhập cho người dân để việc làm kinh tế cuốn hút họ, thay đổi tư duy “đông con hơn đông của”, đồng thời, có điều kiện vật chất để chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn.
 
Thanh Hoa
 
,