Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

  • 07:10 | Chủ Nhật, 20/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vừa được cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tập trung rà soát và củng cố vững chắc hơn cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, giải trình kỹ hơn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: quochoi.vn
Tránh chồng chéo, trùng lặp với vị trí, chức năng
 
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 2), nhiều ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn vị trí, chức năng của lực lượng này để tránh chồng chéo, trùng lặp với vị trí, chức năng của Công an cấp xã và một số lực lượng hiện có ở cơ sở. Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính chất, mức độ, phạm vi tham gia hỗ trợ cho lực lượng Công an.
 
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp thu vào dự thảo Luật như tại Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều 5, Chương II và Mục 1 Chương III dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
 
Về kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 16), dự thảo Luật kế thừa các quy định pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Về nguồn kinh phí, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiếp thu vào dự thảo Luật theo hướng: kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
 
Một số ý kiến khác cho rằng quy định trường hợp địa phương khó khăn về ngân sách thì trung ương hỗ trợ là mâu thuẫn với quy định của Luật Ngân sách nhà nước vì nhiệm vụ chi của cấp nào thì ngân sách cấp đó bảo đảm. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị lược bỏ quy định này để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
 
Về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 20), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, do quần chúng nhân dân tự nguyện tham gia, dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở bảo đảm kinh phí chi trả chế độ, chính sách. Nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, xã hội và có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách. Về nội dung này trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã trao đổi, xin ý kiến và các địa phương thống nhất quy định theo hướng mở như thể hiện trong dự thảo Luật.
 
Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.
 
Ý nghĩa quan trọng đối với an ninh trật tự tại cơ sở
 
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, qua cho ý kiến thì đại đa số các đại biểu đều tán thành chủ trương thông qua dự án luật, chỉ còn một số vấn đề cần làm rõ hơn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và chế độ, chính sách cho lực lượng này. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá dự án Luật này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh trật tự tại cơ sở.
 
"Nước xa không cứu được lửa gần. Với tình hình an ninh trật tự bây giờ, trong chiến lược bảo vệ an ninh Tổ quốc, cơ sở là vấn đề rất quan trọng, một số vụ việc gần đây càng chứng minh việc này. Qua ý kiến của các đại biểu, ban soạn thảo đã làm rõ thêm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan soạn thảo nghiên cứu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện thêm dự án luật.
 
Cho ý kiến về kinh phí hoạt động, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhất trí với việc chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không phân biệt ngân sách trung ương và địa phương trong luật mà do điều hành của Chính phủ. Liên quan đến chế độ, chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ cho lực lượng này thì dù tỉnh có cân đối được hoặc tỉnh không cân đối được nhưng chế độ cũng phải như nhau, còn mức cao hay thấp có thể tùy khả năng ngân sách của địa phương… Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tính toán cụ thể để dự toán cũng như đánh giá tác động của chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ lực lượng này, nhằm bảo đảm khi hình thành lực lượng phải trang bị cho đầy đủ, phù hợp.
 
Nhấn mạnh quy định về chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng rất quan trọng, là cơ sở để đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị rà soát, giải trình làm rõ thêm quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
 
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp rà soát và củng cố vững chắc hơn cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, sự phù hợp với Điều 46 của Hiến pháp và giải trình kỹ hơn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lực lượng tại chỗ ở cơ sở do chính quyền địa phương thành lập và được ngân sách nhà nước bảo đảm trên cơ sở tham gia tự nguyện của người dân. Do đó, dự thảo Luật cần làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này. Cùng với đó, cần tập trung rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ và bổ sung các quy định về quyền hạn cho lực lượng này; có giải trình thuyết phục, rõ nhiệm vụ; đồng thời, rà soát tiêu chuẩn tuyển chọn người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
 
Về ngân sách, điều kiện bảo đảm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tính toán về tổ chức biên chế, khái toán ngân sách bảo đảm hàng năm để báo cáo cụ thể với Quốc hội.
Theo TXVN
 

tin liên quan

Công an tỉnh Quảng Bình: Phát huy truyền thống 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

(QBĐT) - Trong lịch sử vẻ vang 78 năm qua (19/8/1945-19/8/2023), lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam luôn nhận được sự tin cậy tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để lực lượng CAND lập nên những thành tích, chiến công hiển hách, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Thăm, tặng quà các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện thực binh

(QBĐT) - Để kịp thời động viên, cổ vũ các đơn vị tham gia nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ, ngày 18/8, đại tá Đinh Xuân Hướng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cùng đoàn công tác trực tiếp đến thao trường huấn luyện thăm, tặng quà các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện thực binh đề mục "Tiến công địch đổ bộ đường biển" tại xã Ngư Thủy, Lệ Thủy.

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tăng cường bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng

(QBĐT) - Ngày 17/8, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.