.

Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 2: Gắn kết du lịch và nông thôn mới

.
08:22, Thứ Hai, 24/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Bên cạnh nhiều địa phương chưa phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch để tiếp sức cho nông thôn mới, vẫn có nhiều xã đã tăng tốc lộ trình này nhờ sự hỗ trợ đắc lực của du lịch, như: Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm (Bố Trạch); Tân Hóa (Minh Hóa)… Tuy nhiên, để sự phối hợp này mang tính bền vững, vẫn đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan và ý thức của mỗi người dân.

Là lái xe của Phong Nha Farmstay từ mấy năm nay, anh Ngô Xuân Ninh, thôn Hòa Sơn, xã Cự Nẫm, Bố Trạch nhận thấy nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách nước ngoài ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng còn rất lớn, trong khi cơ sở lưu trú ở Cự Nẫm lại hạn chế. Đầu năm 2018, anh quyết định đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng hai phòng nghỉ theo hình thức homestay cho khách du lịch ngay cạnh ngôi nhà của mình.

Du lịch cộng đồng góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân nhiều địa phương.
Du lịch cộng đồng góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân nhiều địa phương.

Anh Ninh tâm sự, với công suất phục vụ 4 khách/2 phòng và được đưa vào khai thác vài tháng trở lại đây, homestay của gia đình anh luôn đông khách, nhận được sự tin tưởng và hài lòng của du khách. Với giá 1 triệu đồng/phòng/đêm, thu nhập hàng tháng cũng đủ cho gia đình anh trang trải cuộc sống. Sắp tới, anh mong muốn tích góp đủ vốn để mở rộng hơn homestay gia đình và có đủ năng lực để phục vụ một số dịch vụ ăn uống, giặt là…

Tháng 8-2018, điểm nghỉ dưỡng, ăn uống ven sông Son mang tên The Marian của chị Trần Thị Lệ (Cự Nẫm, Bố Trạch) đi vào hoạt động với nhiều dịch vụ hấp dẫn, như: chèo thuyền, tắm sông, thưởng thức đặc sản địa phương...

Chỉ một thời gian ngắn, The Marian không chỉ thu hút khách nước ngoài mà ngay cả khách Việt cũng rất hứng thú. Chị Trần Thị Lệ chia sẻ, nhận thấy lợi thế ngôi nhà của chị nằm ngay ven sông Son, phong cảnh sơn thủy hữu tĩnh, vừa yên bình vừa nên thơ, chị mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các homestay, farmstay trong xã để mở The Marian.

>> Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 1: Để tiềm năng "lên tiếng"!

Mới đi vào hoạt động, nhưng chị Lệ đã ấp ủ sẽ mở rộng hơn nữa, bởi hiện tại, điểm du lịch của gia đình chị vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách, đặc biệt là vào dịp lễ, tết. Anh Ninh, chị Lệ là hai trong nhiều người dân Cự Nẫm mạnh dạn thoát khỏi lối mòn cũ, theo đuổi cách thức kinh doanh mới, vừa khai thác tiềm năng thế mạnh vốn có của địa phương, vừa tăng thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết, ngoài Phong Nha Farmstay đã hoạt động lâu dài và phát triển mạnh, xã Cự Nẫm hiện có 11 hộ dân mạnh dạn xây dựng các homestay phục vụ khách du lịch, cùng một số mô hình dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng… nhờ đó, tạo thêm việc làm cho người dân, tăng thêm thu nhập và góp phần đổi thay đời sống văn hóa, tinh thần của địa phương.

Tuy nhiên, các homestay quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là vệ tinh của Phong Nha Farmstay, nên người dân không chủ động về lượng khách và chủ yếu mới có dịch vụ ngủ nghỉ, chưa có ăn uống và các dịch vụ mang lại lợi nhuận khác.

Bên cạnh đó, các kỹ năng chuyên môn du lịch của bà con vẫn còn rất hạn chế, thậm chí, một số hộ dân còn không muốn đăng ký kinh doanh vì lo ngại các thủ tục phức tạp mặc dù chính quyền xã đã có sự tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết.

Trên địa bàn xã Cự Nẫm hiện có di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh nhưng vẫn khó để đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Trong thời gian tới, để du lịch phát triển mạnh mẽ, kích cầu xây dựng nông thôn mới của xã, Cự Nẫm sẽ vận động, thu hút con em có chuyên môn về du lịch về quê lập nghiệp, đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư về địa phương phát triển du lịch. Xã cũng mong muốn người dân có cơ hội được tập huấn, đào tạo bài bản hơn về du lịch, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, phục vụ du khách.

Xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) có di tích nhà lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp và đã hoàn thành lộ trình nông thôn mới. Ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết, trong thời gian tới, du lịch sẽ là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế mà xã hướng đến.

Trong đó, bên cạnh bảo tồn hiệu quả di tích nhà lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp, xã sẽ mạnh dạn giới thiệu các sản phẩm truyền thống của xã cho khách du lịch, như: chiếu cói An Xá, rượu Tuy Lộc.

Ngoài ra, theo chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Lệ Thủy, xã nỗ lực xây dựng vườn kiểu mẫu và đoạn đường kiểu mẫu để trong tương lai có thể tạo cơ hội cho loại hình du lịch nông thôn mới phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ triển khai đề án "mỗi xã một sản phẩm", tạo cơ hội cho các xã vừa phát triển sản xuất vừa mở hướng cho du lịch.

Nhiều homestay được xây dựng mới ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch) giúp địa phương đẩy nhanh lộ trình về đích nông thôn mới.
Nhiều homestay được xây dựng mới ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch) giúp địa phương đẩy nhanh lộ trình về đích nông thôn mới.

Trong đó, nhiều nông sản địa phương sẽ trở thành các sản phẩm du lịch thực sự, tạo điểm nhấn, hấp dẫn du khách. Đồng quan điểm này, ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh khẳng định, đề án "mỗi xã một sản phẩm" sẽ là "cơ hội vàng" cho nhiều địa phương định hình phong cách, bản sắc du lịch, tuy nhiên, sản phẩm này phải được đưa vào chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định và khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm được chú trọng.

Sắp tới, đề tài nghiên cứu khảo sát đánh giá thực trạng du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình được hoàn thành sẽ mang lại nhiều giải pháp để phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở tỉnh ta, góp phần mở lối cho những cách thức làm ăn kinh tế mới hiệu quả.

Về nguồn nhân lực phục vụ du lịch, ông Lê Thế Lực chia sẻ, trong tương lai, tỉnh sẽ hướng đến cấp chứng chỉ hành nghề phục vụ du lịch cho người dân thông qua các lớp tập huấn, xem đây như một điều kiện bắt buộc để chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch địa phương. Đối với loại hình du lịch nông thôn mới, tỉnh ta sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát trước khi áp dụng vào thực tiễn.

Rõ ràng, du lịch và nông thôn mới sẽ luôn song hành trong lộ trình phát triển của mỗi địa phương, điều quan trọng là chính quyền các cấp và mỗi người dân phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, bắt kịp thực tiễn và có những định hướng, kế hoạch phù hợp, bền vững. Đồng thời, những điển hình địa phương có du lịch phát triển hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cần được đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng và phát huy.

Mai Nhân
 

,
  • Gốc "A Loang Ma Kẹo" ở Thượng Trạch

    (QBĐT) - Xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch) có 18 bản, dấu chân tôi chạm gần hết 18 bản của đồng bào Ma Coong: Cờ Đỏ, Bụt, Nồng Cũ, Nồng Mới, Km 51, Chăm Pu, Km 61, Cà Roòng I, Cà Roòng  II, Ban, Cóc, Cồn Roàng, Cu Tồn, Tuộc, A Ky...

    24/08/2018
    .
  • Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 1: Để tiềm năng "lên tiếng"!

    (QBĐT) - Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, du lịch được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập và mang lại luồng "gió mới" trong đời sống văn hóa-tinh thần của người dân bản địa.

    23/09/2018
    .
  • Độc, lạ đồ da thủ công

    (QBĐT) - Naly Crafts - quán cà phê nằm khiêm nhường trên con phố nhỏ Ngô Quyền ngay giữa trung tâm thành phố Đồng Hới. Bên trong không gian ấy, đôi bàn tay khéo léo mặc sức tung tẩy với những ý tưởng sáng tạo, độc đáo. Và thành quả từ những ngày miệt mài bên những tấm da "thuộc" ấy là những sản phẩm đồ da độc, lạ và đầy ấn tượng.

    17/08/2018
    .
  • Đêm Đồng Hới có gì?

    (QBĐT) - Là thành phố ven sông, ven biển, Đồng Hới mang trong mình nhiều tiềm năng để trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhưng, "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" vẫn chưa đủ sức để Đồng Hới níu chân du khách lưu trú dài ngày

    16/09/2018
    .
  • Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp-Kỳ 1: Tiềm năng chờ khai phá

    (QBĐT) - Gặt lúa, chăn trâu, tắm sông, tham quan làng nghề, làng chài… là những trải nghiệm thú vị mà du lịch nông nghiệp có thể mang lại cho du khách.

    09/09/2018
    .
  • Trẻ mãi với Trường Xuân

    (QBĐT) - Ít ai nghĩ trên vùng đất Trường Xuân năm xưa hoang vu, không đường, không điện, không nhà lại mọc lên một ngôi làng xinh xắn, giữa bốn bề xanh mướt những đồi cao su, chè, hồ tiêu...

    08/07/2018
    .
  • Khe Ngát... khát đất

    (QBĐT) - Định canh, định cư tại bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) từ những năm 1990 của thế kỷ trước, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, đồng bào Vân Kiều ở bản vẫn không có đất sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội.

    05/08/2018
    .
  • Ngược sóng Tam Lu

    (QBĐT) - Đã từng đọc báo, xem ti vi, nhìn thấy "cát tặc" hoành hành sông Long Đại và cảnh sạt lở bờ sông nghiêm trọng hồi cuối năm 2017, tôi cứ ngần ngại: Dòng sông thanh bình của cách đây 10 năm mình từng đi chắc đã không còn như trước nữa ?

    03/06/2018
    .