.

Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 1: Để tiềm năng "lên tiếng"!

.
09:31, Chủ Nhật, 23/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, du lịch được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập và mang lại luồng "gió mới" trong đời sống văn hóa-tinh thần của người dân bản địa. Đối với vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và là quê hương di sản như Quảng Bình, tưởng như mối "lương duyên" giữa du lịch và nông thôn mới lại càng có cơ hội xây dựng và phát triển, đôi bên cùng có lợi, tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều tiềm năng chưa được khai phá, nhiều cơ hội bị bỏ lỡ và nhận thức của không ít chính quyền địa phương cũng như người dân còn bị bó hẹp.

Xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy có tới 2 di tích lịch sử cấp quốc gia đứng chân trên địa bàn, gồm: Lăng mộ Lễ Thành Hầu Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, Lăng mộ danh tướng Hoàng Hối Khanh; 1 di tích lịch sử cấp tỉnh là Lăng mộ Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ. Đây là tiềm năng lớn của xã Trường Thủy để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn.

Thời gian qua, Khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch.
Thời gian qua, Khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch.

Trong đó, Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được đầu tư với quy mô lớn theo dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp và phát huy khu du lịch Lăng mộ. Trên quy mô 4,9ha hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với 3,1ha gồm các hạng mục, như: lăng mộ, sân dâng hương, ao sen, cầu đá, tứ trụ, đồi thông, đường vào mộ, sân lễ hội, nhà ban quản lý, bãi đỗ xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, trên thực tế, xã hầu như chưa được "hưởng lợi" từ phát triển du lịch trong lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh qua gần 3 năm giao cho Phòng Văn hóa-Thông tin huyện và sau đó là Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện quản lý và khai thác đã bộc lộ những bất cập.

Ông Nguyễn Hữu Tình nhấn mạnh, nhiều hạng mục đã xuống cấp hư hỏng, nhất là hệ thống nước sinh hoạt và chăm sóc cây cảnh, việc chăm sóc khu di tích, như: dọn dẹp vệ sinh, phát cỏ trong khuôn viên…, chưa phát huy hiệu quả.

Thêm nữa, do lực lượng phụ trách quản lý Lăng mộ, gồm: bảo vệ, hướng dẫn viên, có phụ cấp thấp, làm việc không chuyên trách nên khó có mặt thường xuyên ở di tích, chỉ đoàn khách nào liên hệ với huyện mới có hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên lại không chuyên nên rất khó hấp dẫn du khách, tạo ấn tượng ban đầu.

Ngoài ra, khuôn viên cũng không có cây tạo bóng mát, nên không thể phát triển các dịch vụ giải khát, ăn uống, tạo thu nhập cho người dân địa phương. Đây chính là những nguyên nhân khiến việc phát huy tiềm năng, lợi thế khai thác khu du lịch còn rất hạn chế.

Hiện tại, xã Trường Thủy có 3 tiêu chí nông thôn mới chưa hoàn thành là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và trường học, do đó, xã đang tăng tốc chạy đua với thời gian để cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Mặc dù dịch vụ du lịch trước mắt chưa khai thác hết tiềm năng, nhưng theo như nhận định của ông Nguyễn Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, nếu thời gian tới có những đổi mới tích cực, thì chắc chắn, xã sẽ được "hưởng lợi" nhiều hơn từ du lịch, qua đó, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Xã kiến nghị, cần tích cực quảng bá hơn nữa về các di tích lịch sử trên địa bàn, đặc biệt cần chú trọng liên kết những điểm đến này với các tour, tuyến du lịch trọng điểm của địa phương.

Đối với khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, cần có sự thay đổi trong quản lý, điều hành, như: bố trí người trực thường xuyên; khoan giếng phục vụ sinh hoạt, vệ sinh; có giải pháp khai thác diện tích đất trống còn lại để phục vụ du lịch.

Xã mong muốn có thể giao diện tích đất trống trong khu di tích cho người có trách nhiệm để trồng các loại cây ăn quả đặc trưng của vùng nhằm phục vụ du khách hoặc xây dựng điểm trưng bày sản phẩm nông sản trực tiếp, dịch vụ giải khát.

Xã Trường Thủy hiện đang phát triển một số nông sản đặc trưng, như: nghệ, gà đồi…, đây sẽ là "cơ hội vàng" để quảng bá, giới thiệu nông sản và xúc tiến du lịch. Đồng thời, xã kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái thông qua hệ thống thác nước, suối nguyên sơ, mang vẻ đẹp tiềm ẩn.

Xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy đã hoàn thành lộ trình nông thôn mới từ năm 2015. Gần đây, di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Hoằng Phúc được trùng tu, xây dựng với quy mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2016, lễ hội chùa Hoàng Phúc được tổ chức định kỳ hàng năm, là điểm nhấn của du lịch huyện Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung.

Năm 2018, lễ hội chùa Hoằng Phúc được tổ chức từ ngày 3-3-2018 đến ngày 4-3-2018 thu hút 20.000 lượt người tham gia với nhiều hoạt động, như: lễ rước nước từ vực An Sinh lên chùa; lễ phóng sinh; thuyết pháp và lễ quy y Tam Bảo; lễ cầu Quốc thái dân an, Quảng Bình thịnh vượng; lễ phát lộc, thả hoa đăng và nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao phong phú, hấp dẫn, như: biểu diễn hò khoan Lệ Thủy, múa vương, tướng, long, hổ; hội bài chòi; thi đấu cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy cho biết, lợi thế là vậy nhưng xã Mỹ Thủy vẫn chưa có cơ hội để đưa du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới.

Trên thực tế, các dịch vụ du lịch xung quanh chùa Hoàng Phúc còn rất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Mới chỉ có 4 hộ gia đình ở gần chủa Hoằng Phúc và 8 hộ gia đình ở các khu vực lân cận kinh doanh dịch vụ du lịch. Hầu như các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương vắng bóng, chủ yếu người dân địa phương mới chỉ phục vụ nhu cầu giải khát của du khách.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, tình hình cũng không khả quan hơn mặc dù lượng khách tham gia rất đông (20.000 lượt người năm 2018 theo thống kê của UBND xã Mỹ Thủy). Mong muốn nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm từ du lịch xem ra còn khá xa vời với địa phương này.

Ông Nguyễn Công Viên chia sẻ thêm, thời gian tới, để phát huy lợi thế du lịch, kết hợp lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Lệ Thủy, xã sẽ xây dựng vườn mẫu ở thôn Thuận Trạch (thôn có chùa Hoằng Phúc).

Dịch vụ phục vụ du lịch khu vực xung quanh chùa Hoằng Phúc vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu du khách.
Dịch vụ phục vụ du lịch khu vực xung quanh chùa Hoằng Phúc vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu du khách.

Theo đó, các loại cây ăn quả cam, bưởi, ổi, xoài… sẽ được khuyến khích trồng để hình thành các khu vườn du lịch sinh thái. Đồng thời, xã sẽ đề xuất quy hoạch bãi đỗ xe, các ki ốt bán hàng, xây dựng nhà khách… tạo điều kiện cho người dân phát triển các loại hình dịch vụ du lịch.

Không chỉ riêng Mỹ Thủy hay Trường Thủy, nhiều địa phương khác ở tỉnh ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế, du lịch để phục vụ lộ trình xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan, như: du lịch là ngành dịch vụ còn mới mẻ, điều kiện thời tiết không thuận lợi, sự cố môi trường biển, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề còn chậm, đời sống kinh tế người dân chưa cao, ý thức về làm du lịch cộng đồng chưa được phát huy hiệu quả; nguồn vốn bố trí cho du lịch của nhiều huyện còn hạn chế, nhất là xúc tiến, quảng bá, đầu tư cơ sở hạ tầng…

Ngoài ra, ở cấp huyện, nguồn nhân lực chuyên môn về du lịch, dịch vụ chưa được đào tạo quy mô, công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch chưa mạnh, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm. Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch chưa bảo đảm, không thu hút được các đoàn khách đến lưu trú.

Ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh khẳng định, tại nhiều địa phương, do chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các điểm đến, cho nên việc khai thác hiệu quả tiềm năng để hỗ trợ lộ trình nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Trong tương lai, với sự nỗ lực của tỉnh trong phát triển du lịch, các địa phương sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế dễ nhận thấy của du lịch ở cấp cơ sở chính là khó thay đổi nhận thức của người dân và cả cán bộ lãnh đạo. Đồng thời, sự kết nối, liên kết trong phát triển du lịch theo hệ thống ở cấp xã, huyện cũng gặp muôn vàn gian nan.

Mai Nhân

Bài 2: Gắn kết du lịch và nông thôn mới

 

,
  • Triết lý trồng rừng của hai lão nông Vân Kiều

    (QBĐT) - Trong khi nhiều người trồng rừng để bán lấy gỗ làm giàu, hai lão nông người Vân Kiều, Hồ Khay và Hồ Râng, ở bản Nước Đắng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh lại có cùng một suy nghĩ là muốn giữ lại cho đời sau một cánh rừng tự nhiên.

    27/05/2018
    .
  • Gốc "A Loang Ma Kẹo" ở Thượng Trạch

    (QBĐT) - Xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch) có 18 bản, dấu chân tôi chạm gần hết 18 bản của đồng bào Ma Coong: Cờ Đỏ, Bụt, Nồng Cũ, Nồng Mới, Km 51, Chăm Pu, Km 61, Cà Roòng I, Cà Roòng  II, Ban, Cóc, Cồn Roàng, Cu Tồn, Tuộc, A Ky...

    24/08/2018
    .
  • Độc, lạ đồ da thủ công

    (QBĐT) - Naly Crafts - quán cà phê nằm khiêm nhường trên con phố nhỏ Ngô Quyền ngay giữa trung tâm thành phố Đồng Hới. Bên trong không gian ấy, đôi bàn tay khéo léo mặc sức tung tẩy với những ý tưởng sáng tạo, độc đáo. Và thành quả từ những ngày miệt mài bên những tấm da "thuộc" ấy là những sản phẩm đồ da độc, lạ và đầy ấn tượng.

    17/08/2018
    .
  • Đêm Đồng Hới có gì?

    (QBĐT) - Là thành phố ven sông, ven biển, Đồng Hới mang trong mình nhiều tiềm năng để trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhưng, "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" vẫn chưa đủ sức để Đồng Hới níu chân du khách lưu trú dài ngày

    16/09/2018
    .
  • Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp-Kỳ 1: Tiềm năng chờ khai phá

    (QBĐT) - Gặt lúa, chăn trâu, tắm sông, tham quan làng nghề, làng chài… là những trải nghiệm thú vị mà du lịch nông nghiệp có thể mang lại cho du khách.

    09/09/2018
    .
  • Trẻ mãi với Trường Xuân

    (QBĐT) - Ít ai nghĩ trên vùng đất Trường Xuân năm xưa hoang vu, không đường, không điện, không nhà lại mọc lên một ngôi làng xinh xắn, giữa bốn bề xanh mướt những đồi cao su, chè, hồ tiêu...

    08/07/2018
    .
  • Khe Ngát... khát đất

    (QBĐT) - Định canh, định cư tại bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) từ những năm 1990 của thế kỷ trước, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, đồng bào Vân Kiều ở bản vẫn không có đất sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội.

    05/08/2018
    .
  • Ngược sóng Tam Lu

    (QBĐT) - Đã từng đọc báo, xem ti vi, nhìn thấy "cát tặc" hoành hành sông Long Đại và cảnh sạt lở bờ sông nghiêm trọng hồi cuối năm 2017, tôi cứ ngần ngại: Dòng sông thanh bình của cách đây 10 năm mình từng đi chắc đã không còn như trước nữa ?

    03/06/2018
    .