.

Về quê hương hùng binh Hoàng Sa...

.
09:11, Thứ Sáu, 09/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những ngày đầu xuân năm Mậu Tuất, chúng tôi về Lý Sơn (Quảng Ngãi), hòn đảo tiền tiêu, là quê hương của Hải đội Hoàng Sa từng được ghi chép trong sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn. Lý Sơn giờ là hòn đảo tấp nập du khách, những cư dân chất phác năm nào giờ đã biết làm du lịch, sắm tàu cao tốc đưa đón du khách, quảng bá hình ảnh quê hương trên mạng xã hội. Có một Lý Sơn tươi mới, rạng rỡ và thẳm sâu bên trong là khí phách ngàn đời của bao thế hệ người dân nơi đây trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo quê hương.


Lý Sơn, một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, được Lê Quý Đôn kể trong “Phủ biên tạp lục” năm 1776: “Nhà Nguyễn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển. Khi đi, ngoài những vật dụng cần thiết mang theo cho chuyến đi, mỗi hùng binh của Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn chuẩn bị cho mình 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán mang theo để đồng đội bó xác nếu hi sinh trên biển. Trong chuyến đi, chẳng may hi sinh thì các đồng đội sẽ làm nghi lễ “tiễn đưa”, sau đó bó thi hài thả xuống biển. Tất cả đồng đội đều cúi đầu nguyện ước thi hài binh sỹ đã mất sẽ trôi dạt vào bờ để người dân biết tên họ, quê quán người hi sinh vì nước mà chôn cất!”. Bao thế hệ người dân Lý Sơn đã sống, trưởng thành và mang theo khí phách cùng niềm tự hào ấy của cha ông.

Anh Trần Văn Trường (sinh năm 1984), một cư dân của đảo cho biết: "Gia đình tôi sống ở đảo từ rất lâu, từ đời ông bà cố khoảng từ những năm 1900. Đến năm 1957, ba tôi ra đời. 18 tuổi, ba đi bộ đội và chiến đấu ở chiến trường Căm Pu Chia. Thời đó, mấy mẹ con ở đảo cần cù trồng tỏi, buôn bán nhỏ chờ ba về. Vậy rồi năm 1981, ba tôi xuất ngũ trở về đảo. Những năm sau đó, ba được bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã cho đến năm 2017 thì nghỉ hưu. Tôi lớn lên và xa đảo vào đất liền học đại học, tìm việc làm ở đất liền rồi sau đó đi Hàn Quốc. Đi đâu, tôi cũng nhớ hòn đảo của mình. Dù khó khăn bao nhiêu, mỗi năm tôi cũng đều về đảo, đi loanh quanh trên bãi dưới bờ, ngắm hành tỏi, cá tôm..."

Mùa xuân Mậu Tuất này, trong số hơn 110 cơ sở lưu trú cho du khách ở Lý Sơn, có một căn nhà ba tầng khang trang do Trần Văn Trường (xã An Vĩnh) làm chủ với mô hình Homestay bắt đầu mở cửa đón du khách. Tọa lạc ở vị trí thuận lợi khi chỉ cách bến tàu Lý Sơn vài trăm mét, dù chỉ mới khai trương nhưng trong dịp Tết, nhà của Trường luôn kín phòng. Sáng sáng, khi du khách đang đi ngắm bình minh, vợ của Trường đã đi chợ, mua cá tôm tươi rói vừa đánh bắt xong và mang về chế biến, phục vụ nhu cầu du khách. Sự thân thiện, hiếu khách của người Lý Sơn mang lại cảm giác vừa quen vừa lạ đầy thú vị và thân tình trong hành trình khám phá hòn đảo này.

Cổng Tò Vò, thắng cảnh đẹp trên đảo Lý Sơn.
Cổng Tò Vò, thắng cảnh đẹp trên đảo Lý Sơn.

Trường là một trong số rất nhiều những công dân Lý Sơn đã và đang thành công trong kinh doanh du lịch. Nếu năm xưa, những cư dân chất phác của hòn đảo này chỉ thành thạo nghề đi biển, trồng tỏi, buôn bán nhỏ, thì nay, họ là những ông bà chủ thực thụ, tự hào giới thiệu cho du khách về hòn đảo tươi đẹp và chứa đựng những huyền thoại về tấm lòng dũng cảm, trung trinh của bao thế hệ cha ông trong công cuộc giữ gìn bờ cõi. Lý Sơn là hòn đảo tươi đẹp với những điểm đến tuyệt vời khiến ai một lần đến đây đều muốn quay trở lại. Biển Lý Sơn trong vắt, soi rõ từng hòn cuội, từng rặng san hô và cơ man tôm cá tung tăng bơi lội. Kiến tạo của trái đất qua hàng triệu năm lịch sử đã khiến biển Hang Câu, một danh thắng nổi tiếng tại Lý Sơn mang vẻ đẹp hùng vĩ khi một bên là núi đá cao sừng sững, một bên là biển biếc xanh, trong vắt. Khi triều lên, sóng biến vỗ gần sát chân núi. Triều xuống, bãi đá lộ ra với màu rêu xanh như tấm thảm nhung. Cổng Tò Vò, Hòn Mù Cu..., cũng là những kiến tạo tuyệt tác của thiên nhiên mà dường như bất cứ du khách nào đến Lý Sơn cũng dừng chân khám phá.

Chùa Hang là một ngôi chùa tọa lạc trong hang đá bên cạnh bãi biển phía đông bắc núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất trong năm ngọn núi, là chứng tích của những núi lửa phun trào hàng triệu năm trước. Chùa Hang được mệnh danh là tác phẩm điêu khắc tuyệt vời của thiên nhiên và bàn tay con người. Để đến chùa Hang, du khách đi men theo những bậc đá bên sườn núi. Mùi khói hương hòa quyện trong không gian mặn mòi của biển, dưới tán lá bàng vuông mang lại những trải nghiệm rất lạ, khác hẳn với không gian của những ngôi chùa khác. Cùng với chùa Hang, đảo còn có chùa Đục tọa lạc ở lưng chừng núi Giếng Tiền. Sau khi vượt qua hàng trăm bậc đá, du khách được chiêm ngưỡng những điện thờ rêu phong, cổ kính nằm sâu trong lòng núi. Từ đây, thả tầm mắt nhìn ra phía trước là biển trời Lý Sơn hùng vĩ và khoáng đạt, nơi mỗi con sóng, mỗi bãi bờ đều mang trong mình những huyền thoại đẹp...

Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới là niềm tự hào của người dân Lý Sơn và của cả nước khi được mệnh danh là “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm. Mỗi ngày, có hàng trăm du khách đến đây để ngắm cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong sóng gió Lý Sơn. Hải đăng Lý Sơn cũng là một điểm đến đặc biệt trong hành trình khám phá Lý Sơn, bởi đây là một trong những ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam với chiều cao 45m, từng chứng kiến bao thăng trầm của đảo. Đứng ở nơi đây, du khách có thể bao quát một vùng rộng lớn của hòn đảo, đẹp như bức tranh xanh màu biển cả, màu của những ruộng hành, tỏi, những tàu thuyền tấp nập vào ra...  Đội tàu của ngư dân Lý Sơn và các vùng biển lân cận hàng đêm được hải đăng Lý Sơn định hướng, để ngư dân bám biển làm giàu và tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương như bao thể hệ cha anh đã từng. Nếu đến Lý Sơn vào dịp tháng giữa tháng 3 âm lịch, du khách sẽ được chứng kiến Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, nơi lưu giữ âm hưởng của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa...

Là “vương quốc tỏi” nên Lý Sơn xanh bạt ngàn ruộng tỏi. Mỗi món ăn cũng ắp đầy dư vị của loại gia vị quý này. Người dân nơi đây tự hào và nương tựa một phần vào biển, một phần vào loại đặc sản quý hiếm này để sinh sống, để nuôi con ăn học, trưởng thành. Người Lý Sơn chân chất hiền hòa như cây cỏ, phóng khoáng và nồng hậu như biển, như nắng gió nơi đây. Chị Đặng Thị Hoài Thu, một du khách chia sẻ: "Dù vẫn còn những điều cần làm để Lý Sơn phát huy hết những tiềm năng thế mạnh của mình, nhưng Lý Sơn là điểm đến tuyệt vời của những người yêu biển đảo, yêu vẻ đẹp kỳ vĩ, giản dị của đất và người nơi đây!"

Diệp Đồng

,
  • Đồng Hới qua góc nhìn du khách

    (QBĐT) - Qua góc máy của Lộc Phạm, một du khách vốn là kỹ sư IT đến từ TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), Đồng Hới lại có thêm những trải nghiệm đầy thú vị qua một góc nhìn mới.

    27/02/2018
    .
  • Lệ Thủy miền tây ký sự - Bài cuối: Về vùng đất linh thiêng

    (QBĐT) - Cách nhau cả mấy thế kỷ, nhưng không hẹn mà nên, họ đều yên nghỉ trên vùng đất này của xã Trường Thủy (Lệ Thủy). Đó là sự ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của trời đất? Gọi vùng đất linh thiêng là vậy...

    22/01/2018
    .
  • Bình yên sông Gianh

    (QBĐT) - Trong giá rét ngày cuối năm, những nếp nhà bình yên nằm bên dòng sông huyền thoại, gắn bó, êm đềm như chưa từng đi qua nhọc nhằn, vất vả. Gần 600 ngày đã trôi qua từ thời điểm sông Gianh và người ven sông chịu bao sóng gió, gian nan từ sự cố môi trường biển.

    20/02/2018
    .
  • Cá lồng sông Son

    (QBĐT) - Những ngày cuối năm, người dân ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) lại vào vụ thu hoạch cá lồng nuôi trên sông Son. Nghề nuôi cá lồng trên sông Son đã mang lại sự sung túc cho không ít hộ gia đình đang sinh sống nơi đây.

    19/02/2018
    .
  • "Cội lim già" phía đầu nguồn Rào Đá

    (QBĐT) - Hồ Văn Hùng, sinh năm 1980, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, Lệ Thủy giới thiệu với tôi mình người ở bản Đá Còi. Tôi hỏi: "Ở Đá Còi, chắc Chủ tịch biết ông Hồ Văn Ba chứ!". Hùng cười hồn hậu: "Ông ấy là người sinh ra em!".

    13/02/2018
    .
  • Rộn ràng không khí đưa ông Táo về trời

    (QBĐT) - Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Ngay từ sáng sớm ngày đưa ông Táo về trời năm nay, một không khí rộn rã diễn ra tại các chợ lớn, nhỏ và các tuyến đường chính trên địa bàn TP. Đồng Hới khi người dân nô nức sắm sửa lễ vật cho ngày giỗ ông Táo.

    08/02/2018
    .
  • Nụ cười trong mắt trẻ vùng cao

    (QBĐT) - Những chuyến công tác lên với đồng bào vùng cao của người làm báo luôn đầy ắp kỷ niệm về tình cảm trân quý mà bà con trao gửi, kỳ vọng. Ấn tượng sâu lắng nhất, đáng nhớ nhất chính là sự hồn nhiên của trẻ nhỏ. Để khi về xuôi nhớ lại vẫn nao nao lòng. Dù còn nghèo khó, thiếu thốn trăm bề nhưng nụ cười, ánh mắt hút hồn của con trẻ vẫn sáng lên, kỳ vọng về một ngày mai tươi sáng.

    07/03/2018
    .
  • Tết sớm biên cương

    (QBĐT) - Khi những cánh đào rừng bắt đầu hé nụ báo hiệu một mùa xuân mới lại về, chúng tôi đã có những chuyến ngược rừng cùng các nhà thiện nguyện mang quà Tết cho bà con người Mày, người Khùa (Dân Hóa, Minh Hóa), người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) và người Vân Kiều (Trường Sơn, Quảng Ninh).

    04/02/2018
    .