.

Rộn ràng không khí đưa ông Táo về trời

.
15:57, Thứ Năm, 08/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Ngay từ sáng sớm ngày đưa ông Táo về trời năm nay, một không khí rộn rã diễn ra tại các chợ lớn, nhỏ và các tuyến đường chính trên địa bàn TP. Đồng Hới khi người dân nô nức sắm sửa lễ vật cho ngày giỗ ông Táo.

Lễ vật cúng ngày ông Táo thường không thể thiếu ba chú cá chép đỏ-phương tiện để ông Táo có thể bay về trời. Loài cá này được nhiều gia đình lựa chọn bởi nó là biểu tượng “vượt Vũ Môn hóa rồng”-biểu tượng của sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ đi tới thành công. Vậy nên, những “tín vật” đặc biệt này được bày bán la liệt tại các chợ dân sinh trên địa bàn.

Theo các tiểu thương, cá chép đỏ phần lớn được đưa từ ngoài Bắc vào từ vài ngày trước. Một số ít được nuôi tại các hộ gia đình dọc đường Quốc lộ thuộc các xã: Võ Ninh, Gia Ninh (Quảng Ninh). Mùa cúng ông Táo năm nay, giá cá chép giao động từ 10.000-50.000 đồng/con tùy theo trọng lượng. Càng về trưa, giá càng “giảm nhiệt”.

Tại các gia đình, phần lớn phần cỗ cúng ông Táo không quá cầu kỳ nhưng được chuẩn bị chu đáo, trang trọng thể hiện được tấm lòng thành kính của gia chủ. Chị Ngọc Lý, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) cho hay: đồ cúng ông Táo hàng năm của gia đình thường có cá chép, gà luộc, xôi trắng, mâm ngũ quả, tiền vàng, trầu cau... Và dù bận bịu như thế nào, gia đình cũng thu xếp để cúng đúng vào giờ ngọ ngày 23 tháng Chạp hàng năm.

Sau khi thực hiện các nghi lễ cúng bái tại nhà, các gia đình tiến hành nghi thức được coi là quan trọng nhất: thả cá chép. Người dân thực hiện phóng sinh cá chép tại sông và các hồ nước trên địa bàn TP., đông nhất từ 11-12 giờ trưa. So với mọi năm, tình trạng xả rác thải, túi nilon sau khi thả cá đã giảm đi đáng kể.

Một số hình ảnh phóng viên Báo Quảng Bình ghi nhận được trong ngày tiễn ông Táo về trời:


 


 


 


 

 Diệu Hương-Xuân Hoàng (thực hiện)

,
  • Lệ Thủy miền tây ký sự - Bài cuối: Về vùng đất linh thiêng

    (QBĐT) - Cách nhau cả mấy thế kỷ, nhưng không hẹn mà nên, họ đều yên nghỉ trên vùng đất này của xã Trường Thủy (Lệ Thủy). Đó là sự ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của trời đất? Gọi vùng đất linh thiêng là vậy...

    22/01/2018
    .
  • Tết sớm biên cương

    (QBĐT) - Khi những cánh đào rừng bắt đầu hé nụ báo hiệu một mùa xuân mới lại về, chúng tôi đã có những chuyến ngược rừng cùng các nhà thiện nguyện mang quà Tết cho bà con người Mày, người Khùa (Dân Hóa, Minh Hóa), người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) và người Vân Kiều (Trường Sơn, Quảng Ninh).

    04/02/2018
    .