.

Tết sớm biên cương

.
14:44, Chủ Nhật, 04/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Khi những cánh đào rừng bắt đầu hé nụ báo hiệu một mùa xuân mới lại về, chúng tôi đã có những chuyến ngược rừng cùng các nhà thiện nguyện mang quà Tết cho bà con người Mày, người Khùa (Dân Hóa, Minh Hóa), người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) và người Vân Kiều (Trường Sơn, Quảng Ninh). Ở những vùng biên cương xa xôi này, Tết dường như đến sớm hơn nhịp thời gian nhờ sự quan tâm đặc biệt của chính quyền các cấp, cùng tấm lòng của các nhà hảo tâm trong cả nước…

“Xuân biên phòng, ấm lòng dân biên giới”

Con đường 12A ngày cuối năm tấp nập, nhộn nhịp hơn bởi dòng người và xe cộ thông thương với nước bạn Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo đứng chân ở lưng chừng đồi cạnh con đường 12A huyền thoại, khang trang và sạch đẹp. Hơn nửa thế kỷ qua, nơi đây đã trở thành phên dậu vững vàng nơi miền tây Tổ quốc.

Người A Rem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) phấn khởi nhận quà Tết.
Người A Rem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) phấn khởi nhận quà Tết.

Những ngày cuối năm này, các chiến sỹ biên phòng đã trang hoàng thêm cành đào khoe sắc thắm trong phòng khách đơn vị, làm chúng tôi có cảm giác như Tết đã đến trước thềm nhà. Thiếu tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo cho biết, ngoài bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đơn vị còn có nhiệm vụ quan trọng là giúp đồng bào người Khùa, Mày, Sách, Vân Kiều... phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Đặc biệt, đã thành truyền thống của đơn vị, hàng năm, Đồn phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức tốt chương trình “Xuân biên phòng, ấm lòng dân biên giới”; góp phần chăm lo cho đồng bào nơi đây đón một cái Tết thật đầm ấm, vui tươi.

Chương trình được tổ chức luân phiên hàng năm tại các bản, gồm các hoạt động rất bổ ích, như: dâng hương, giáo dục truyền thống tại các điểm di tích trên địa bàn; thi gói bánh chưng; tổ chức các trò chơi dân gian; tặng quà cho học sinh học giỏi, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và giao lưu văn nghệ...

Nhận được tin năm nay Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo sẽ tổ chức chương trình “Xuân biên phòng, ấm lòng dân biên giới” ở bản mình, cả tháng nay, lòng già làng Cao Quý Nhèng, Trưởng bản Bãi Dinh (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) cứ hân hoan, chộn rộn.

Ông đã đi đến hết 180 hộ dân trong bản để thông báo cho bà con biết, động viên bà con chuẩn bị thật tốt để tham gia chương trình. “Tham gia chương trình, dân bản không chỉ được tặng quà, mà còn được trổ tài gói bánh chưng, trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống, chơi các trò chơi dân gian... qua đó giúp bà con gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc mình”, già Nhèng chia sẻ.

Thiếu tá Dương Đình Hoàn cho biết thêm, ngoài việc tổ chức chương trình “Xuân biên phòng, ấm lòng dân biên giới”, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo còn phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn và gia đình chính sách..., bảo đảm người dân nào cũng có một cái Tết trọn vẹn...

Mang Tết lên với người ARem

Trong dịp này, chúng tôi mang 100 suất quà Tết (mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng) của một nữ doanh nhân ở TP.Hồ Chí Minh lên với bà con A Rem ở xã Tân Trạch (Bố Trạch). Đây là năm thứ 2 chúng tôi thực hiện chương trình này thông qua sự hỗ trợ của chị (xin dấu tên).

Năm trước, trong một chuyến lên thăm người ARem, đồng cảm với những khó khăn của đồng bào nơi vùng biên viễn này, chị đã quyết định mỗi năm đều trích một phần lợi nhuận của Công ty nhờ chúng tôi mua quà Tết tặng bà con.

Nằm giữa rừng sâu Phong Nha - Kẻ Bàng, bốn bề là những dãy núi đá vôi vây quanh, đất canh tác không có nên cuộc sống của người A Rem luôn gặp khó khăn. Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên người A Rem bị cơn bão số 10 (tháng 9-2017) tấn công, phá hỏng 25 ngôi nhà và thổi bay toàn bộ 35ha lúa rẫy sắp thu hoạch...

Còn nhớ, ngay sau khi cơn bão vừa đi qua, được tin người A Rem bị thiệt hại nặng nề, nhiều người vì sợ mà muốn trở lại hang đá, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang đã kịp thời lên thăm và động viên bà con yên tâm ổn định cuộc sống...

Cũng sau bão, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Trạch đã kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ người A Rem vơi bớt những khó khăn sau bão. Và cũng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh và cả nước đã gửi tặng mái tôn, tiền, quà... giúp người A Rem sửa chữa lại những căn nhà đã bị cơn bão làm hư hỏng, sớm ổn định cuộc sống.

Gặp lại chúng tôi, chị Y Chinh, một phụ nữ A Rem đơn thân có nhà bị cơn bão số 10 cuốn bay mất mái, cười tít mắt: “Tưởng cái bão thổi bay mất nhà, mẹ con miềng đã không còn nơi để ở nữa rồi. Nhưng, nhờ cán bộ xã vận động, các nhà hảo tâm hỗ trợ lợp lại mái mà mấy mẹ con miềng vẫn có nhà để ở. Mà có nhà thì miềng không muốn vô hang đá để ở nữa mô. Không biết nói chi nhưng cái bụng của miềng biết ơn chính quyền và các nhà hảo tâm lắm!”

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ cho biết, lâu nay người A Rem vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm trong cả nước. Đặc biệt, sau cơn bão số 10, một doanh nghiệp ở Đồng Hới đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để bà con dựng lại nhà.

Hàng chục đoàn thiện nguyện khác cũng lên tận nơi, giao tận tay cho bà con hàng trăm suất quà gồm tiền mặt, lương thực và nhu yếu phẩm đã giúp bà con vơi bớt những khó khăn. “Một cái Tết nữa đã đến, cảm ơn những nhà hảo tâm đã quan tâm đến người A Rem những lúc khó khăn và giúp họ có được một cái Tết ấm cúng”, ông Sỹ nói.

Tết đầu tiên bản làng có điện

Sau bao đời sống trong cảnh đèn dầu thì Tết này, 15 hộ gia đình người Vân Kiều ở xóm Lu Bu, bản Chân Trộng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) sẽ được đón một cái Tết tràn niềm vui, bởi ước mơ có điện đã trở thành hiện thực.

Người Vân Kiều ở xóm Lu Bu, bản Chân Trộng (Trường Sơn, Quảng Ninh) lần đầu được xem bóng đá trực tiếp ngay tại bản.
Người Vân Kiều ở xóm Lu Bu, bản Chân Trộng (Trường Sơn, Quảng Ninh) lần đầu được xem bóng đá trực tiếp ngay tại bản.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn cho biết, chứng kiến cảnh 15 hộ đồng bào Vân Kiều ở đây dù chỉ ở cách đường điện lưới 3.000m, nhưng hàng chục năm qua vẫn phải chịu cảnh đèn dầu vì không có tiền để mua dây kéo điện về, trong lúc ngân sách địa phương cũng eo hẹp, nên ông đã mạnh dạn viết thư kêu gọi cộng đồng giúp đỡ.

Nhận được thư ông Tráng, nhà thơ, họa sỹ Đỗ Trung Quân (TP.Hồ Chí Minh) đã vẽ bức tranh Tết có tên “Đôi mắt” để cho những người bạn bán đấu giá lấy tiền giúp 15 hộ người Vân Kiều. Bức tranh “Đôi mắt” bán được 45 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm khác trong và ngoài nước, khát khao có nguồn điện sáng của 15 hộ dân Vân Kiều ở bản Chân Trộng bao đời nay đã thành hiện thực. Hưởng ứng chương trình, thông qua nhà báo Lê Thanh Phong (Báo Lao Động), Tập đoàn Tân Hiệp Phát (Bình Dương) đã mua 15 cái tivi 32in mới tặng bà con.

Ngày đầu tiên có điện, được tặng tivi, cũng là ngày diễn ra trận đấu chung kết U23 Châu Á giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan. Lần đầu tiên, dân bản được xem trận chung kết trong mơ ngay giữa bản làng của mình nên ai nấy đều rất phấn khích.

Trong niềm vui lần đầu tiên có điện, Trưởng bản Chân Trộng Hồ Văn Tiến đã gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ, các mạnh thường quân đã chung tay kéo điện về cho đồng bào Vân Kiều, ông nói: “Không biết nói gì hơn, thay mặt bà con dân bản, miềng cảm ơn Mặt trận xã, các nhà tài trợ đã giúp người dân bản miềng kéo điện về. Tết này bản vừa có điện thắp sáng, vừa có tivi để coi nên ai nấy đều vui lắm. Đây có lẽ là cái Tết vui nhất của bà con dân bản...”

Ghi chép của Phan Phương



 

,