.

Bình yên sông Gianh

.
13:20, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong giá rét ngày cuối năm, những nếp nhà bình yên nằm bên dòng sông huyền thoại, gắn bó, êm đềm như chưa từng đi qua nhọc nhằn, vất vả. Gần 600 ngày đã trôi qua từ thời điểm sông Gianh và người ven sông chịu bao sóng gió, gian nan từ sự cố môi trường biển. Đi qua những ngày âu lo, ngơ ngác bởi bao thiệt hại nặng nề, đến thời điểm này, với sự đồng hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và chính sách đền bù, hỗ trợ kịp thời, người sông Gianh đã bình tâm và trở về với nhịp sống ngày cũ. Trên bến dưới thuyền tấp nập đông vui, sông Gianh cũng như lòng người bình yên đón chào ngày mới…

Giữa vùng “tâm bão”

Nhiều người gọi sự cố môi trường biển là “cơn bão” Formosa. Và nếu Formosa là cơn bão, thì các làng quê dọc sông Gianh thuộc huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, ở vùng tâm bão. Còn nhớ khi mới xảy ra sự cố vào tháng 4-2016, người dân hàng chục xã, phường ven sông sống trong nỗi lo lắng, hoang mang. Không chỉ ngư dân, những người ngày đêm bám biển mưu sinh mà dường như tất cả mọi người, đều bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” này.

 

Thôn Tân An, xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch), làng quê yên bình và xinh đẹp nằm bên dòng Gianh với trên 300 hộ làm bún, bánh, khi “cơn bão” Formosa tràn qua, cuộc sống bình yên nơi đây cũng bị xáo động mạnh.

Chị Trần Thị Thắng, chủ quầy hàng tạp hoá cho biết: "Nếu trước đây quầy hàng của tui tấp nập người mua, thì từ khi xảy ra sự cố, quán vắng tanh, kể cả bánh tráng là món đặc sản nổi tiếng của làng Tân An cũng ế ẩm. Người làng tui buồn lắm và lo không biết mai mốt làm chi để sống. Xưa vào ngày nắng, cả làng phơi bánh, khung cảnh rộn ràng đông vui, vậy mà lúc nớ làng buồn tênh...".

Phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), địa phương có gần 240 tàu cá, hàng chục cơ sở hậu cần nghề cá quy mô lớn, trong đó thôn Tân Mỹ có 70% hộ làm nghề chế biến, kinh doanh thuỷ sản cùng 1 hợp tác xã chế biến nước mắm, càng chịu ảnh hưởng nặng nề khi xảy ra sự cố.

Còn xã Quảng Minh, hàng trăm héc-ta mặt nước nuôi tôm, cua, cá lồng từng mang lại nguồn lợi to lớn, giờ “án binh bất động” đợi chờ trong nỗi lo lắng, hoang mang... Thôn Vân Đông (xã Quảng Hải), nơi sóng sông Gianh reo vui mỗi ngày ngay trước thềm nhà, giờ người dân đành ngậm ngùi rời xa tay chài tay lưới, chỉ biết ngóng ra sông và phập phồng hy vọng...

Cùng với nỗi lo cho công cuộc mưu sinh, tình hình an ninh trật tự cũng trở nên bất ổn, khi một số bà con giáo dân nghe lời kẻ xấu xúi giục, tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự và tạo ra những áp lực cho chính quyền các địa phương.

Đồng hành vượt qua sóng cả...

Giữa quay cuồng của “cơn bão” Formosa, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã nhanh chóng vào cuộc và ổn định tình hình. Tỉnh đã trích gần 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ ngư dân; vận động doanh nghiệp thu mua hải sản; các ngân hàng thương mại ngừng tính lãi suất cho vay thời hạn 6 tháng đối với ngư dân vay đóng tàu; bố trí các điểm bán hải sản sạch; hỗ trợ học phí cho con em các địa phương bị thiệt hại; cho vay vốn ưu đãi đối với các đối tượng trong vùng ảnh hưởng đi xuất khẩu lao động; huy động các lực lượng tham gia vệ sinh môi trường biển...

Về phía người dân, dù vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng mỗi một người cũng tự giác vào cuộc, chung tay góp sức cùng cấp uỷ, chính quyền các cấp bằng những việc làm thiết thực để cùng nhau vững vàng vượt qua sóng cả. Là vùng “tâm bão”, nên huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, trong đó có các địa phương nằm ven sông Gianh cũng nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả về vật chất và tinh thần...

Anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn), kể: “Gia đình tôi có gần 3ha ao hồ để nuôi tôm, cua. Lúc sự cố mới xảy ra, tôi thật sự không biết làm gì. Thế rồi nhờ sự quan tâm, chia sẻ của các cấp cả về vật chất lẫn tinh thần, không chỉ mình tôi mà cư dân trong thôn, xã từng bước đi qua những ngày khó khăn đó. Đặc biệt, sau khi được nhận tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển, tôi đã có điều kiện đầu tư tu sửa hệ thống ao hồ để chuẩn bị cho sản xuất trở lại...".

Lễ giáng sinh năm 2016, tại thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, trên gương mặt những bà con giáo dân nơi đây vẫn phảng phất những âu lo nên niềm vui trong ngày lễ trọng chưa trọn vẹn. Nhưng đến mùa giáng sinh năm nay, cùng với sự hồi sinh của cá tôm, sông biển, niềm vui đã trở lại với người dân nơi đây.

Còn tại xã Quảng Hải, trên đoạn đường bê tông chạy dài theo mép sóng dọc thôn Vân Đông, có đôi ba ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dù vẫn còn đó đôi điều băn khoăn, nhưng mùi vôi vữa, tiếng cười đùa đầy phấn chấn khiến buổi chiều đông ấm áp hơn bao giờ.

Xuân mới an lành

Anh Nguyễn Văn Tình, Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Lộc, cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định, những ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố môi trường biển cơ bản đã được khắc phục. Là một địa bàn được xem là “nóng” của thị xã Ba Đồn, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tình hình an ninh trật tự tại đây đã được giữ vững.

Người dân nói chung, bà con giáo dân nói riêng đã nhận được sự quan tâm kịp thời, đặc biệt công tác đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan nên bà con yên tâm, phấn khởi và tích cực bắt tay phục hồi sản xuất.

Toàn xã có 2.446 đối tượng bị ảnh hưởng, được đền bù với tổng số tiền gần 72 tỷ đồng, riêng thôn Cồn Sẻ chiếm 71,1 tỷ đồng. Ngày 26-12-2017,1.142 đối tượng là lao động hậu cần nghề cá (đối tượng tồn đọng) đã có mặt tại trụ sở UBND xã để nhận tiền đền bù, bà con rất phấn khởi.

Còn anh Nguyễn Văn Thắng hiện đang thả nuôi trên 10.000 con cua. Anh Thắng cho biết, trong năm 2017, anh đã thả nuôi và thu hoạch thắng lợi một vụ tôm; sau khi trừ chi phí thu lãi gần 70 triệu đồng. Tết này nhà anh Thắng và bà con trong thôn, xã sẽ vui hơn năm trước nhiều!.

Tại phường Quảng Phúc, trong không khí khẩn trương của những ngày giáp tết, bà con ngư dân đang tiếp tục vươn khơi. Phó Chủ tịch HĐND phường, Hồ Văn Tuệ khẳng định, công tác đền bù thiệt hại sự cố môi trường biển tại địa phương đã được tiến hành công khai, minh bạch. Danh sách các hộ được đền bù được niêm yết tại trụ sở phường và nhà văn hoá các tổ dân phố để bà con tham khảo.  Tết này chắc chắn dân vui, cấp uỷ Đảng, chính quyền cũng vui lây với bà con.

 Anh Nguyễn Minh Thắng đang thả nuôi hơn 10.000 con cua.
Anh Nguyễn Minh Thắng đang thả nuôi hơn 10.000 con cua.

Trong cái rét ngọt ngày cuối đông, bà con xã Quảng Thanh mang bánh ra phơi khắp mọi nẻo đường làng. Quán tạp hoá nhỏ của chị Trần Thị Thắng giờ tấp nập khách ra vào. Những điều tưởng chừng như giản đơn ấy, nhưng để có được, đất và người nơi đây đã đi qua bao sóng gió.

Đi qua gần 600 ngày đầy gian nan, niềm vui như nhân đôi khi công tác đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển đã cơ bản hoàn thành. “Đây được xem là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 nên đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.

Tết này,  nhờ sự quan tâm của Trung ương, sự nỗ lực của tỉnh và các địa phương, đơn vị, các đối tượng tồn đọng được tỉnh kiến nghị, đề xuất đã được nhận tiền đền bù theo công văn số 1826/TTg-NN ngày 29-11-2017 do Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình ký.

Trong tổng số 341 tỷ đồng đền bù cho 4 tỉnh, riêng Quảng Bình chiếm 214,4 tỷ đồng. Số lượng hải sản tồn kho cũng được xem xét, đền bù với tổng số 48,5 tỷ đồng. Đây là niềm vui lớn không chỉ cho bà con, mà với tỉnh, nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành hiệu quả, góp phần ổn định sản xuất, đời sống và tư tưởng của nhân dân, là tiền đề để đón mùa xuân mới vui tươi, phấn khởi và tin tưởng!”, đồng chí Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.

Sông Gianh vẫn bình yên xuôi về biển cả. Đi qua bao nhọc nhằn, người sông Gianh càng trân quý những điều bình dị, đời thường. Bởi để có được những điều bình dị, đời thường ấy, bao người đã kề vai sát cánh bên nhau trong cơn hoạn nạn và “hiểu lòng nhau” hơn bao giờ..

Ngọc Mai


 

,
  • Lệ Thủy miền tây ký sự - Bài cuối: Về vùng đất linh thiêng

    (QBĐT) - Cách nhau cả mấy thế kỷ, nhưng không hẹn mà nên, họ đều yên nghỉ trên vùng đất này của xã Trường Thủy (Lệ Thủy). Đó là sự ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của trời đất? Gọi vùng đất linh thiêng là vậy...

    22/01/2018
    .
  • Cá lồng sông Son

    (QBĐT) - Những ngày cuối năm, người dân ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) lại vào vụ thu hoạch cá lồng nuôi trên sông Son. Nghề nuôi cá lồng trên sông Son đã mang lại sự sung túc cho không ít hộ gia đình đang sinh sống nơi đây.

    19/02/2018
    .
  • "Cội lim già" phía đầu nguồn Rào Đá

    (QBĐT) - Hồ Văn Hùng, sinh năm 1980, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, Lệ Thủy giới thiệu với tôi mình người ở bản Đá Còi. Tôi hỏi: "Ở Đá Còi, chắc Chủ tịch biết ông Hồ Văn Ba chứ!". Hùng cười hồn hậu: "Ông ấy là người sinh ra em!".

    13/02/2018
    .
  • Rộn ràng không khí đưa ông Táo về trời

    (QBĐT) - Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Ngay từ sáng sớm ngày đưa ông Táo về trời năm nay, một không khí rộn rã diễn ra tại các chợ lớn, nhỏ và các tuyến đường chính trên địa bàn TP. Đồng Hới khi người dân nô nức sắm sửa lễ vật cho ngày giỗ ông Táo.

    08/02/2018
    .
  • Tết sớm biên cương

    (QBĐT) - Khi những cánh đào rừng bắt đầu hé nụ báo hiệu một mùa xuân mới lại về, chúng tôi đã có những chuyến ngược rừng cùng các nhà thiện nguyện mang quà Tết cho bà con người Mày, người Khùa (Dân Hóa, Minh Hóa), người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) và người Vân Kiều (Trường Sơn, Quảng Ninh).

    04/02/2018
    .