.

Chuyện cây lúa nước của người Rục

.
08:34, Thứ Năm, 15/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Để tộc người Rục tự chủ được cái ăn, không bỏ bản vào lại hang đá sinh sống, gần 8 năm qua, những người lính ở Đồn biên phòng Cà Xèng (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh) đã trở thành những nông dân thực thụ, giúp dân làm nên cánh đồng lúa nước tươi tốt dưới chân núi Rục Làn...

Có lúa biên phòng, không về lại hang đá nữa!

Vụ thu hoạch lúa vào đầu tháng 10-2018 là vụ thứ 16 của người Rục ở bản Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá. Cánh đồng rộng 6,5ha, lúa chín ngời lên sắc vàng trong nắng sớm, nổi bật lên giữa bốn bề núi đá cao và cây rừng xanh ngút mắt. Cảnh thu hoạch lúa ở bản Rục khác hẳn với vùng đồng bằng.

Ở đây, những ngày gặt lúa trở thành ngày vui chung của dân bản. Từ người già đến trẻ nhỏ đều chung tay làm việc trên đồng. Người gặt, người gom lúa từ ruộng lên bờ bao, người chuyển từ bờ lên chỗ đặt máy tuốt, người đóng thóc vào bao chở về… nhịp nhàng như một dây chuyền. Tiếng nói cười vui vẻ vang đầy thung lũng.

Đứng trên đồng, ông Cao Tiến Thuỳnh, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ không giấu được niềm vui, nói: “Vụ mùa ni, bộ đội biên phòng và cán bộ huyện gặt mẫu rồicho miềng biết lúa có năng suất cao hơn nhiều so với vụ trước đó… Dân miềng vui cái bụng lắm !". Ông Thuỳnh và gia đình con trai đang cùng dân bản gặt ruộng lúa rộng hơn 2.000m2 ngay sát cửa đồn.

Nhờ cây lúa nước, cuộc sống của bà con người Rục đã đổi thay tích cực.
Nhờ cây lúa nước, cuộc sống của bà con người Rục đã đổi thay tích cực.

Ông cho biết thêm, những năm bộ đội chưa làm cho bản ruộng lúa nước, nhà ông và dân bản quanh năm thiếu cái ăn. Nay có cây lúa, lại làm thêm cái rẫy sắn trên đồi, trồng cả cây ngô nơi đám đất bằng bộ đội mở cho nữa. “Từ khi biết làm ruộng lúa đến nay, dân bản không còn lo đói, cũng không sợ bão lụt cắt đường từ trung tâm xã vào bản nữa. Bởi nhà nào cũng còn hạt lúa, củ sắn, bắp ngô dự trữ trong nhà”, ông Thuỳnh bộc bạch.

Đặt bó lúa đầy hạt vừa gặt lên khỏi ruộng xuống tấm bạt trải bên đường, chị Cao Thị Hồng cho biết: “Trước đây, khi bộ đội mới nói miềng phải làm cây lúa, miềng thấy khó lắm, miềng không làm quen. Nay miềng và dân bản quen rồi, dễ làm vì có bộ đội bày cho. Miềng và bà con đã làm tốt cái ruộng như bộ đội làm. Biết cách bón phân chuồng, biết kiểm tra phòng con sâu hại lúa, biết cả lúc mô phải kêu bộ đội bơm cho cái nước vô ruộng…”.

Ông Cao Xuân Hoàng từ một người Rục có thói quen săn bắt, hái lượm trong rừng nay đã là một nông dân làm ruộng “có nghề”. Ông thổ lộ là ngày trước nếu hết gạo ăn, nhiều dân bản thấy nhớ rừng sẽ rủ nhau vào lại hang đá sinh sống.

“Giờ trong nhà miềng và bà con đã có mấy tạ hạt lúa dự trữ. Đói thì đem ra đâm lấy gạo ăn thôi. Nên bây giờ phải nghe theo bộ đội biên phòng để làm ruộng lúa. Có lúa biên phòng rồi, không rủ nhau về lại hang đá nữa, ở lại bản thôi”, ông Hoàng nói.

Vì dân bản, lính làm “kỹ sư nông nghiệp”

Thượng tá Trần Đình Tứ, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Xèng, tâm sự, buổi đầu, bộ đội phải làm tất cả mọi việc, từ đắp bờ, cày vỡ đất, gieo hạt, làm cỏ cho lúa đến gặt và phơi khô lúa cho dân. Chỉ huy đồn cử các sĩ quan làm tổ trưởng, phụ trách mỗi tổ 1ha ruộng và trực tiếp sản xuất với bà con để hướng dẫn kỹ thuật. Vào thời gian cao điểm, như: làm đất, xuống giống, thu hoạch..., hầu hết quân số của đồn cùng có mặt với bà con trên ruộng.

“Ở đây, mỗi người lính biên phòng phải làm một người nông dân, hay một “kỹ sư nông nghiệp” thực thụ mới mong hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ biên cương của mình. Với người dân tộc Rục, người lính càng phải miệng nói tay làm mới được", Thượng tá Tứ bộc bạch.

Trong khuôn viên của đồn có một nhà kho khá đặc biệt. Bởi là kho của bộ đội nhưng không chứa súng đạn hay các loại quân cụ mà lại chứa máy cày, máy tuốt lúa, giống cây và phân bón ruộng. Đại úy Trần Văn Duật, ngoài thời gian đi tuần biên giới như đồng đội trong đồn, còn trở thành thợ lái máy cày. Máy hư hỏng, anh phải tự mày mò sửa chữa để bảo đảm làm đất đúng thời vụ.

Trung tá Phạm Bá Tuyên và Thiếu tá Bùi Đức Sử trở thành “kỹ sư nông nghiệp”, bởi các anh phải đảm nhiệm toàn bộ kỹ thuật trồng lúa nước cho bà con. Đại úy Bùi Văn Hải, đội trưởng đội vận động quần chúng, cho biết: “Buổi ban đầu, anh em phải bắt tay chỉ việc thật cụ thể cho bà con.

Mọi bước cơ bản về làm lúa nước bà con đều nắm rõ, chỉ còn khâu phát hiện và phòng trừ sâu bệnh là chưa quen lắm. Bộ đội chỉ còn công đoạn chuyển giao dần việc vận hành máy bơm nước tưới vào ruộng và sử dụng máy tuốt lúa cho bà con”.

Trước đây, dù bộ đội biên phòng có gọi đến khản cổ bà con cũng đủng đỉnh đến 9, 10 giờ sáng mới ra đến ruộng, nay thì chỉ cần nghe bộ đội gọi là dân bản tự giác theo nhau ra ruộng đúng giờ, tự bảo nhau cày cuốc, gieo hạt, bón phân, tháo nước, chăm sóc, thu hoạch... Bộ đội chỉ còn giúp khâu phay mịn đất bằng máy, hỗ trợ sử dụng máy tuốt lúa và bơm nước tưới.

Bây giờ, 73 hộ người Rục đang làm lúa nước, mỗi hộ có được 3-4 tạ thóc/năm, trồng thêm 3,5ha ngô trên đất bằng, vậy là đủ cái ăn cho 265 nhân khẩu, qua được cả mùa giáp hạt.

Lê Cúc
(Đài TT-TH Đồng Hới)

 

,