.

Tuyên Hóa: Làm giàu nhờ cây bưởi

.
08:35, Thứ Tư, 03/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới với những cách làm hay và hiệu quả. Trong đó, trồng bưởi được xem là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa là một gia đình thuần nông lâu đời. Đông con, lại chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.Với suy nghĩ phải làm gì để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương, vợ chồng ông Minh đã chuyển đổi một số diện tích trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Tuy nhiên, do phương thức canh tác cũ nên hiệu quả thấp. Không nản chí, với lòng say mê lao động và tinh thần ham học hỏi, năm 2015, ông Minh đã học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi Phúc Trạch của người dân Hà Tĩnh. Trở về từ chuyến học tập kinh nghiệm đó, vợ chồng ông Minh đã quyết định trồng 250 gốc bưởi Phúc Trạch theo phương pháp mới và thành công ngay mùa đầu tiên.

Bằng sự cần cù, chịu khó cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn bưởi của ông phát triển xanh tốt và năng suất cao, có những cây bưởi trên 200 quả. Hiện ông Minh đang xây dựng vườn bưởi của mình theo tiêu chuẩn VietGap.

Bưởi được bọc bằng túi sinh học nên quả to, ngọt. Chất lượng bưởi Phúc Trạch của gia đình ông Minh đã tạo dựng được uy tín và thương hiệu trên địa bàn.Trong 2 năm 2016 và 2017, vườn bưởi của ông cho thu nhập gần 400 triệu đồng. Đến năm 2018, thương lái đã mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá trên 600 triệu đồng.

Vườn bười của ông Nguyễn Văn Minh (xã Kim Hóa) cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.
Vườn bười của ông Nguyễn Văn Minh (xã Kim Hóa) cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.

Ông Minh chia sẻ: “Vườn bưởi của tôi làm nhiều năm rồi nhưng kết quả không cao. Sau đó, tôi đi nhiều nơi học tập kinh nghiệm trồng bưởi, đặc biệt là cách thụ phấn hoa. Nhờ áp dụng thành công, thu nhập của gia đình được cải thiện rõ rệt. Tôi cũng mong muốn chính quyền có những cơ chế, chính sách, hỗ trợ những người trồng bưởi như chúng tôi”.

Đời sống của người dân xã miền núi Hương Hóa còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã chiếm 12,6%, thu nhập bình quân dầu người là 28 triệu đồng/người/năm. Nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chính quyền đã tuyên truyền vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, nhờ đó, nhiều gia đình đã có cuộc sống khấm khá hơn so với trước đây.

Gia đình ông Đinh Hữu Thọ ở thôn Tân Đức 1 là một trong những hộ như thế. Trước đây, trên 3 sào đất của mình, gia đình ông Thọ trồng đủ các loại cây lương thực nhưng hiệu quả kinh tế thấp, mùa cao nhất sau khi trừ chi phí, gia đình ông chỉ thu về từ 2 đến 3 triệu đồng. Dù làm thêm nhiều nghề khác nhau nhưng gia đình ông vẫn thuộc diện khó khăn của xã.

Qua tìm hiểu và biết được giá trị kinh tế của cây bưởi, năm 2015, gia đình ông Thọ mạnh dạn trồng trên 80 gốc bưởi. Nhờ đầu tư chăm sóc, sau 3 năm, vườn bưởi đã cho thu hoạch vụ  đầu tiên, được thương lái đến thu mua tại vườn. Theo ông Thọ, thu nhập từ trồng bưởi cao gấp 7 lần so với trồng lạc trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hương Hóa khóa XIX, nhiệm kỳ 215-2020 và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, xã Hương Hóa đã chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, cây bưởi là cây ăn quả được xã xác định trở thành cây hàng hóa của địa phương.

Trong 3 năm qua, chúng tôi đã vận động được trên 300 hộ tham gia trồng bưởi với diện tích trên 20 ha. Nhiều hộ nhờ cây bưởi nên đã xóa được đói giảm được nghèo. Chúng tôi đang phấn đấu xây dựng thành công thương hiệu bưởi Hương Hóa”.

Tuyên Hóa có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp cho cây bưởi sinh trưởng. Tuy đây là giống cây ăn quả được bà con trồng từ lâu nhưng chưa được trồng tập trung, còn manh mún phân tán.

Những năm gần đây, bưởi ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường, được người tiêu dùng yêu thích lựa chọn. Nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác cũ, nhờ đó, chất lượng và năng suất cao hơn hẳn so với trước đây. Nhiều gia đình cũng mạnh dạn đưa giống bưởi Phúc Trạch vào trồng, bước đầu cho thấy giống bưởi này có thể phát triển tốt trên đất Tuyên Hóa.

Nhiều mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap nên được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Bưởi của huyện Tuyên Hóa chất lượng tốt, không kém bưởi ở các nơi khác nên thương lái ở các nơi, có cả thương lái ở Hà Tĩnh, quê hương của giống bưởi Phúc Trạch vào tìm mua, thậm chí bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Toàn huyện Tuyên Hóa hiện có khoảng 69,2ha đất trồng bưởi, tập trung nhiều ở các xã Hương Hóa, Kim Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch.

Nhiều mô hình trồng bưởi hàng năm thu nhập trên 50 triệu đồng, như: hộ ông Đinh Văn Đức (xã Hương Hóa), ông Nguyễn Văn Minh, ông Trương Quang Việt (xã Kim Hóa), ông Võ Đức Thuần, ông Nguyễn Văn Đương (xã Thanh Thạch).

“Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã phát triển cây bưởi với kết quả mang lại rất khả quan. Đặc biệt, nhờ có thổ nhưỡng tương đối phù hợp nên một số xã có vị trí gần với huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển cây bưởi Phúc Trạch.

Để nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng thương hiệu bưởi huyện Tuyên Hóa, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện rà soát, xác định điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để khuyến cáo người dân về trồng bưởi trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, phòng NN và PTNT huyện cũng sẽ tham mưu các chính sách hỗ trợ cho người trồng bưởi", ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết.

Thương Huyền
 

,