.
Xã Ngân Thủy:

"Nặng gánh" giảm nghèo

.
08:14, Thứ Ba, 02/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tại Ngân Thủy, một trong ba xã miền núi khó khăn của huyện Lệ Thủy, những năm qua, câu chuyện giảm nghèo luôn là nỗi băn khoăn thường trực của chính quyền địa phương. Trình độ dân trí còn hạn chế, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, thiếu những quyết sách hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội… là những rào cản đáng ngại trên lộ trình giảm nghèo bền vững nơi đây.

Nan giải chuyện thiếu đất và nước

Với xuất phát điểm thấp, thời gian qua, đời sống của người dân xã miền núi nghèo Ngân Thủy gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tìm giải pháp giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững trở thành yêu cầu cấp thiết đối với Đảng bộ, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều đó không hề dễ dàng, nhất là với một xã vùng cao “khát” nhiều thứ như Ngân Thủy.

<img alt="Giảm nghèo đang là " bài="" toán="" nan="" giải="" "="" đối="" với="" xã="" ngân="" thủy.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201810/original/images630163_5671.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201810/original/images630163_5671.jpg" style="width: 734px; height: 450px;">
Giảm nghèo đang là "bài toán nan giải" đối với xã Ngân Thủy.

Cái “khát” đầu tiên mà Ngân Thủy phải đối mặt từ nhiều năm nay chính là tình trạng “khát đất”. Lâu nay, thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn không phải là chuyện hiếm.

Ngân Thủy cũng không là ngoại lệ. Toàn xã hiện có 528 hộ với 2.500 khẩu nhưng chỉ được 392,49 ha đất sản xuất nông nghiệp bao gồm cả đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm… chia đều cho 6 thôn, bản. Tính ra, bình quân mỗi hộ có khoảng 0,5 ha đất sản xuất.

Tuy nhiên, diện tích đất bình quân này lại không đồng đều giữa các thôn, bản; tập trung chủ yếu ở các thôn Cẩm Ly, Cửa Mẹt. Các bản Km 14, Khe Sung, Khe Giữa, Còi Đá bình quân chỉ khoảng 0,3 ha/hộ. Việc mỗi hộ (thường có ít thì 3-4 khẩu, nhiều thì 5-6 khẩu, thậm chí có hộ lên đến 9-10 khẩu) chỉ có vẻn vẹn 0,3 ha đất sản xuất nông nghiệp khiến đời sống của bà con gặp vô vàn khó khăn, con đường thoát nghèo trở nên mờ mịt.

Đất rừng sản xuất cũng có chung tình trạng. Theo tính toán của xã, với 377,11 ha đất rừng sản xuất, bình quân mỗi hộ dân có 0,48 ha.  Nhưng số đất này cũng không phân bố đồng đều.

Ở các bản Km 14, Khe Sung và nhất là bản Khe Giữa, tỷ lệ hộ gia đình chưa có đủ đất rừng sản xuất chiếm đến 50%. Năm 2013, thực hiện chủ trương thu hồi đất của Chi nhanh Lâm trường Khe Giữa thuộc Công ty Lâm công nghiệp Long Đại, xã đã giao được 72 ha đất rừng sản xuất cho 72 hộ (mỗi hộ 1ha) và hiện nay, địa phương còn 65 hộ chưa có đất rừng sản xuất.

Việc thiếu đất sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế và đời sống của bà con. Nhiều hộ dân vì thiếu đất sản xuất, con đường vươn lên thoát nghèo trở nên xa vời vợi. Gia đình ông Hồ Văn Phong (bản Khe Sung) là một điển hình.

Ngoài ít sào đất trồng màu, vợ chồng ông không có đất rừng sản xuất lẫn đất canh tác lúa nước. Việc lo cho 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học vì thế trở nên quá sức đối với họ. Không chỉ có gia đình ông Phong mà còn rất nhiều hộ dân khác ở Ngân Thủy đang lâm vào tình cảnh tương tự do thiếu đất sản xuất.

Không chỉ thiếu đất, hàng trăm hộ dân Ngân Thủy đang phải sống chung với tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt lẫn nước phục vụ sản xuất. Hiện tại, ngoài hai bản Cẩm Ly và Cửa Mẹt được sử dụng nước sạch từ dự án Nước sạch vệ sinh môi trường miền Trung, 6 thôn, bản còn lại vẫn đang phải dùng những nguồn nước… tạm bợ. Trầm trọng nhất là hai bản Khe Giữa và Km 14. Hàng chục hộ dân ở đây đang phải sử dụng nguồn nước từ các sông, suối.

Thế nhưng, vào mùa hè, nước sông, suối cũng khô cạn, bà con phải đi xa tận 7-8km mới lấy được nước về dùng. “Nước sinh hoạt đã thế, nguồn nước phục vụ sản xuất của bà con cũng không khả quan hơn. Do không chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên vụ hè thu, toàn xã Ngân Thủy có đến 11 ha đất trồng lúa nước bị “đắp chiếu”. Để có nước sản xuất bà con chỉ còn cách chờ mưa.

Do đó, thời tiết thuận lợi còn đỡ chứ hạn hán, lũ lụt thì đói nghèo ngay lập tức quay lại với những hộ đã thoát nghèo và chồng thêm khó khăn cho những hộ nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết.

Giảm nghèo theo tiêu chí nông thôn mới… chuyện xa vời!

50,76% là tỷ lệ hộ nghèo hiện tại của xã Ngân Thủy. Và để đạt theo tiêu chí nông thôn mới, xã vùng cao đặc biệt khó khăn này phải giảm con số này xuống còn dưới 20%. Đây thực sự là một “bài toán nan giải” đối với chính quyền và người dân nơi đây.

Những năm qua, để thực hiện công tác giảm nghèo, xã Ngân Thủy đã tích cực tận dụng các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, huyện để khai thác các thế mạnh vốn có, chỉ đạo bà con tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Nhằm giúp các hộ nghèo có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, xã Ngân Thủy còn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng tín chấp để giúp người dân được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Xã cũng triển khai đầy đủ các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo như hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo theo chương trình 135...

Tập quán canh tác lạc hậu, còn mang nặng tính tự cung tự cấp khiến kinh tế Ngân Thủy chậm phát triển.
Tập quán canh tác lạc hậu, còn mang nặng tính tự cung tự cấp khiến kinh tế Ngân Thủy chậm phát triển.

Với mục tiêu mỗi năm phấn đấu giảm từ 4-5% hộ nghèo, thời gian qua, Ngân Thủy đã thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền, vận động nhân dân định canh, định cư, phát triển kinh tế gia đình đi đôi với hỗ trợ về kỹ thuật, đầu tư con giống; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tập trung khai thác, trồng rừng và nuôi trồng thủy sản...

Bên cạnh trồng lúa nước, xã khuyến khích bà con trồng thêm các loại hoa màu khác, như: khoai, sắn, lạc... UBND xã bố trí cán bộ trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện mô hình thử nghiệm trồng cam tại 2 bản Cẩm Ly và Cửa Mẹt; đồng thời, nhân rộng mô hình trồng kiệu, sắn dây ra toàn xã...

Những giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con đã được thực hiện nhưng vẫn không đủ để giải quyết hiệu quả “bài toán” giảm nghèo của Ngân Thủy. Nguyên nhân được lý giải là do đa phần bà con quen với tập quán canh tác lạc hậu, dựa vào thiên nhiên là chính, chưa có biện pháp cải tạo đất, thâm canh tăng vụ, sản xuất theo hướng tự cung tự cấp.

Ngoài ra, do tư tưởng của một bộ phận người dân nơi đây còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước nên không chủ động đầu tư xây dựng các mô hình trọng điểm để phát triển kinh tế…

Công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như lộ trình xây dựng nông thôn mới của Ngân Thủy. Hiện tại, xã mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí, giảm 1 tiêu chí so với năm 2017 và theo đánh giá của chính quyền địa phương, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, huyện và nếu không có sự điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp thì chuyện “về đích” với xã là điều không thể.

Tâm An
 

,