.

Tiêu chết hàng loạt, nông dân điêu đứng

.
07:50, Thứ Năm, 23/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hơn 1 năm trở lại đây, dù người dân đã tìm mọi cách để cứu chữa, nhưng tình trạng cây tiêu nối tiếp nhau chết dần chết mòn vẫn tiếp tục diễn ra ở địa bàn xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch. Để cứu tiêu, nhiều tháng qua, các hộ dân nơi đây đã tự chủ động mua thuốc bảo vệ thực vật về chữa bệnh nhưng diện tích vườn tiêu bị chết vẫn không hề giảm...

Dẫn chúng tôi đi khảo sát vườn tiêu bị chết gần hết, ông Phan Văn Hoà, thôn 4, xã Quảng Thạch buồn rầu cho biết: "Vườn tiêu này được gia đình tui gây dựng khoảng 15 năm nay, với gần 1.000 gốc. Trước đây, bình quân mỗi năm vườn cho năng suất chừng 4-5 tạ/vụ.

Những lúc được giá, gia đình thu về gần trăm triệu đồng từ tiền bán tiêu. Từ tiền ăn uống hàng ngày của gia đình, tiền học của các con, tiền xây nhà và mua sắm các vật dụng sinh hoạt đắt tiền trong gia đình... gần như đều nhờ vườn tiêu.

Những gốc tiêu chết khô của gia đình ông Phan Văn Hoà, thôn 4, xã Quảng Thạch.
Những gốc tiêu chết khô của gia đình ông Phan Văn Hoà, thôn 4, xã Quảng Thạch.

Khoảng 2 năm gần đây, cả vườn tiêu đang xanh bỗng dưng nối tiếp nhau vàng lá, rụng dần rồi chết. Thấy cây tiêu chết nhiều, gia đình xót của, đã mua nhiều loại thuốc về chữa bệnh cho cây, nhưng chẳng ăn thua gì. Cả vườn tiêu bây giờ chỉ còn lại chưa tới 200 gốc. Vụ mùa năm 2018 này, gia đình chỉ thu về chưa đến 40 kg tiêu, xót lắm!".

Không chỉ gia đình ông Hoà mà hàng chục hộ dân ở địa bàn xã Quảng Thạch cũng đang đứng ngồi không yên trước tình trạng cây tiêu nối tiếp nhau chết hàng loạt. Anh Trần Văn Đức cùng trú tại thôn 4, xã Quảng Thạch cho hay: "Nhà có hơn 300 gốc tiêu, nay đã chết sạch.

Triệu chứng tiêu chết cũng có dấu hiệu tương tự như vườn tiêu của nhà ông Hoà vậy. Cả vườn cây đang xanh tươi thì ngả sang héo vàng rồi từ từ chết xuống tận gốc, lây lan từ cây chết trước sang những cây xung quanh đó, kể cả những cây vừa được trồng mới. Tui đoán đây là bệnh nấm hoặc do bệnh chết nhanh chết chậm như trên ti vi, sách báo từng phản ánh.

Thế nhưng, sau khi tui tìm mua thuốc bảo vệ thực vật về chữa trị cho các căn bệnh này thì không thấy hiệu quả chút nào. Nhiều gia đình trồng tiêu trong xã cũng rơi vào hoàn cảnh như tui. Rất mong các cán bộ chuyên môn về tìm hiểu, sớm giúp bà con cách chữa trị hiệu quả bệnh tiêu chết hàng loạt...".

Làm việc với chúng tôi, ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 140 ha trồng tiêu (trong đó chừng 100 ha đang vào thời kỳ khai thác, thu hoạch), được phân bố rải rác ở khắp các thôn. Tiêu là một trong những cây trồng chủ lực, đem về nguồn thu nhập chính cho các hộ dân trong xã từ nhiều năm qua.

Thời gian gần đây, khi nghe người dân phản ánh có hiện tượng cây tiêu bị chết hàng loạt, chính quyền xã Quảng Thạch đã cử cán bộ chuyên môn về trực tiếp tại các thôn khảo sát, nắm bắt tình hình. Qua thống kê, diện tích tiêu chết đến thời điểm hiện tại (cuối tháng 7-2018) đã lên tới 30 đến 40% tổng diện tích.

Trước mắt, do chưa xác định tiêu chết vì bị bệnh gì, nên địa phương đã chỉ đạo bà con có vườn tiêu bị chết, phải xử lý vôi bột và 2-3 năm sau mới tiếp tục trồng lại, để tránh mầm bệnh phát sinh trở lại...

Trao đổi với ông Trần Văn Định, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Quảng Trạch về tình trạng tiêu chết, thì được ông lý giải, thời gian gần đây, đơn vị có nghe một số xã ở huyện, như: Quảng Lưu, Quảng Tiến..., phản ánh có tình trạng cây tiêu chết nhiều, nhưng chỉ dừng lại ở tỷ lệ khoảng 5%.

Qua kiểm tra tại các xã nói trên, đa số tiêu chết là do mắc bệnh chết nhanh chết chậm. Phòng cũng đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền, người dân cách thức xử lý, chữa trị căn bệnh nói trên. Riêng tình trạng tiêu chết với diện tích nhiều như ở xã Quảng Thạch mà phóng viên phản ánh sẽ được kiểm tra lại...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tháng 8- 2018, Phòng NN và PTNT, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quảng Trạch đã khẩn trương phối hợp với UBND các xã tiến hành kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu.

Nhiều người dân xã Quảng Thạch đào hố để trồng tiêu nhưng đã dừng lại vì lo ngại cây tiêu sẽ mắc bệnh, khó sống sót
Nhiều người dân xã Quảng Thạch đào hố để trồng tiêu nhưng đã dừng lại vì lo ngại cây tiêu sẽ mắc bệnh, khó sống sót.

Kết quả đợt kiểm tra nói trên cho thấy, bệnh chết nhanh và chết chậm đang gây hại với diện tích hơn 5ha, có chiều hướng gia tăng cả về tỷ lệ bệnh lẫn diện tích trồng tiêu. Dự báo trong thời gian tới, với điều kiện môi trường, thời tiết thuận lợi, bệnh chết nhanh và chết chậm trên cây hồ tiêu còn tiếp tục phát sinh, gây hại mạnh.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cây hồ tiêu do bệnh chết nhanh và chết chậm gây ra, Phòng NN và PTNT huyện đã đưa ra hướng dẫn một số biện pháp, cách thức phòng trừ bệnh.

Chẳng hạn, đối với những cây tiêu bị bệnh nặng (khô lá, khô cành, rụng lá, rụng cành), cần tiến hành nhổ bỏ, đào gốc và đem đốt để tiêu hủy, cách ly nguồn bệnh; xử lý hốc tiêu bằng vôi bột (0,5-0,7 kg/hốc) hoặc dung dịch thuốc bảo vệ thực vật (1 chai Tervigo 100 ml pha với 100 lít nước, tưới cho 40 gốc)...

Đối với những cây tiêu đang bị gây hại nhẹ (lá đang chuyển dần sang màu vàng) và những bụi tiêu chưa bị gây hại, cần xử lý kết hợp các biện pháp kỹ thuật, như: sử dụng các chế phẩm sinh học để gây ức chế và tiêu diệt nấm bệnh...; thường xuyên cắt tỉa phần cành nằm sát mặt đất khoảng từ 20 đến 30 cm; vệ sinh vườn tiêu thông thoáng, sạch sẽ, tạo hệ thống thoát nước tốt; bón phân cân đối và hợp lý; quan tâm đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì trước khi sử dụng các loại thuốc để bảo đảm hiệu quả phòng trừ bệnh...

Văn Minh
 

,